Krông Pa tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) chú trọng đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Huyện Krông Pa có gần 70% dân số là người dân tộc thiểu số. Nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, thời gian qua, Hội đồng PBGDPL huyện đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, đáng chú ý là thành lập câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” tại 13 xã, thị trấn. Tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, bà con nông dân được tiếp cận với các văn bản pháp luật cũng như chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước. Hội Nông dân các cấp trong huyện cũng tham gia cùng với chính quyền tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, hòa giải liên quan đến hội viên, nông dân.
Anh Lê Xuân Hưng-Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” xã Chư Gu-cho biết: “Câu lạc bộ thành lập được hơn 1 năm với 45 thành viên ở 6 thôn, buôn. Mỗi lần sinh hoạt thôn, buôn, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ đều tranh thủ tuyên truyền về Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Đất đai, Luật Giao thông đường bộ, Luật Hôn nhân và Gia đình... Xã Chư Gu có hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Các thành viên Câu lạc bộ đều là người có uy tín, cùng tham gia tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức như: đến tận nhà, phát tờ rơi… nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Năm 2020, số vụ tai nạn giao thông giảm, số xe máy do người dân tự độ chế giảm đến 80%, nhiều gia đình tự giác giao nộp xe độ chế”.
Còn ông Nay Nhoan (buôn Ma Rôk, xã Chư Gu) thì cho hay: “Ngày trước, thanh niên trong làng thường tụ tập, đánh nhau, đua xe, vi phạm pháp luật. Nhưng giờ đây, nhờ có các thành viên trong Câu lạc bộ đến tận nhà tuyên truyền những gì không được làm, không vi phạm pháp luật, bà con ai cũng hiểu và chấp hành. Nhờ vậy, tình hình an ninh trật tự trong buôn được ổn định”.
Các thành viên Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” xã Chư Gu tuyên truyền PBGDPL cho người dân trên địa bàn. Ảnh: Ngọc Thu
Các thành viên Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” xã Chư Gu tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân trên địa bàn. Ảnh: Ngọc Thu
Năm 2020, thông qua 72 buổi họp dân, chính quyền địa phương đã lồng ghép tuyên truyền về pháp luật và cấp phát hơn 1.000 cuốn sổ tay, tài liệu pháp luật. Công an huyện phối hợp với chính quyền cấp xã tổ chức 32 đợt phát động quần chúng với trên 4.300 lượt người tham dự; tổ chức 16 lớp tập huấn nâng cao năng lực công tác cho cán bộ cơ sở các xã, thôn làng đặc biệt khó khăn với gần 640 học viên tham gia. Cùng với đó, Phòng Tư pháp, Hội đồng PBGDPL huyện xây dựng, ban hành văn bản triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về phòng-chống dịch Covid-19 đến các cơ quan, đơn vị, đoàn thể huyện và UBND các xã, thị trấn.
Bên cạnh đó, Công an huyện Krông Pa đã tuyên truyền, giáo dục pháp luật, gọi hỏi răn đe trên 480 lượt đối tượng hình sự, ma túy, kinh tế, thanh-thiếu niên hư. Đồng thời, tổ chức cho 257 lượt chủ cơ sở kinh doanh có điều kiện, 613 người ở các địa phương khác đến địa bàn lao động thời vụ ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Ngoài ra, Công an huyện cũng vận động người dân giao nộp 120 khẩu súng tự chế, vũ khí thô sơ và linh kiện súng các loại. Thông qua công tác xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, huyện đã tổ chức tuyên truyền cho gần 5.900 lượt người vi phạm.
Ông Kpă Ngun-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Krông Pa-cho biết: “Thời gian tới, huyện tiếp tục nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, PBGDPL. Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền PBGDPL ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Nội dung tuyên truyền phải bám sát với tình hình thực tế và phù hợp với từng đối tượng. Cùng với đó, huyện cũng sẽ ưu tiên bố trí kinh phí, tạo điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất cho công tác tuyên truyền, PBGDPL”.
NGỌC THU

Có thể bạn quan tâm

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

(GLO)- Pleiku đã khai thác và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa con người đã được vun đắp qua suốt chiều dài lịch sử. Đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; là khát vọng vươn lên vì bình yên, hạnh phúc của cá nhân, gia đình, cộng đồng và Tổ quốc…
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

(GLO)- Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.