Khi giáo viên thiếu cảm xúc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong rất nhiều lý do dẫn đến hiện tượng ngồi nhầm lớp như do bệnh thành tích, do dư luận xã hội, do tình yêu thương học trò..., còn có nguyên nhân rất căn bản là do giáo viên thiếu cảm xúc trong dạy học.
 

Câu chuyện học sinh “ngồi nhầm lớp” đã và đang được sự quan tâm đặc biệt của các nhà sư phạm. Có nhiều ý kiến khác nhau chỉ ra thực trạng, nguyên nhân và đề xuất những giải pháp thiết thực nhằm khắc phục thực trạng này.

Theo tôi, trong rất nhiều lý do dẫn đến hiện tượng ngồi nhầm lớp như do bệnh thành tích, do dư luận xã hội, do tình yêu thương học trò..., còn có nguyên nhân rất căn bản là do giáo viên thiếu cảm xúc trong dạy học.

Một số nhà sư phạm hay nói rằng: Không có học trò kém mà chỉ có giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ của mình. Câu nói đó như là một triết lý sống trong quá trình dạy học, đòi hỏi giáo viên phải không ngừng nâng cao trình độ dạy học để có thể đáp ứng tốt nhiệm vụ.

Nhiệm vụ của giáo viên không chỉ hướng đến các em học sinh có học lực khá, tốt mà còn phải quan tâm đến các trường hợp khác, nhất là học sinh khiếm khuyết, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt…, phải làm sao để các em có khả năng hòa nhập, vươn lên trong quá trình học tập. Giáo viên cần phải thực hiện tốt chức năng “bù đắp những thiếu hụt” thông qua các tác động giáo dục mà yếu tố khác không thể có được.

Do vậy, soi chiếu vào thực tế hiện nay, lỗi một phần quan trọng là do giáo viên, mà cốt lõi là giáo viên thiếu đam mê, thiếu cảm xúc trong quá trình dạy học dẫn đến các em chán nản, bỏ bê học tập. Học sinh tiểu học thì dẫn đến hiện tượng ngồi nhầm lớp, học sinh cấp trung học thì dẫn đến hiện tượng mất gốc nhưng vẫn được lên lớp.

Tôi còn nhớ rất rõ, khi học cấp 2, phần lớn học sinh lớp chúng tôi mất gốc môn hình học không gian và môn hóa học. Mỗi lần học môn này, nhiều học sinh cảm thấy như cực hình, rồi tìm cách xin nghỉ học hoặc trốn học… Vì từ chỗ các em chán học dẫn đến sợ học, sợ thầy nhưng cuối cùng thì thầy cô cũng bằng mọi cách để số học sinh này được lên lớp hoặc cha mẹ tìm ra “phương án” để con không ở lại lớp.

Lẽ ra, nếu đánh giá thực chất thì số học sinh này không đủ điều kiện để lên lớp khi kiến thức gốc bằng 0. Vậy tại sao học sinh lại không thích học, lại mất gốc hoàn toàn đối với môn học này, không thích thầy cô kia?

Các nhà sư phạm khẳng định yếu tố cảm xúc của người thầy vô cùng quan trọng. Thế nhưng, hiện nay, không ít giáo viên còn lơ là, coi nhẹ cảm xúc trong quá trình dạy học nhưng vì thành tích, vì chỉ tiêu, vì tình thương thậm chí vì thiếu hiểu biết nên đã cho qua.

Song, việc giáo viên thiếu cảm xúc có nhiều nguyên nhân khác nhau như: giáo viên thiếu nghiệp vụ sư phạm, không có năng khiếu sư phạm, không được đào tạo cơ bản, do đồng lương còn thấp, vì đời sống "cơm áo gạo tiền" nên họ ít chú tâm vào nghề nghiệp…

Do đó, muốn khắc phục tình trạng ngồi nhầm lớp, mỗi giáo viên cần phải cần phải xem lại mình. Cảm xúc sư phạm là yếu tố vô cùng cần thiết trong dạy học, đó cũng chính là thái độ cá nhân liên quan đến việc thỏa mãn hay không thỏa mãn một nhu cầu nào đó trong quá trình dạy học.

Nhờ cảm xúc mà có thể mang lại hứng thú nghề nghiệp, mang lại chất xúc tác quan trọng của nghề dạy học. Vì thế, mỗi giáo viên muốn thuyết phục được học sinh của mình, làm cho các em yêu thích với môn học thì học phải thuyết phục được các em bởi chính tri thức của mình.

Trong dạy học, xin mọi người đừng quá cao siêu, sáo rỗng, mỗi một học sinh là một thế giới riêng biệt nên cần phải hướng nội dung tri thức làm sao dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thuộc, dễ vận dụng. Từ đó, các em mới có thể yêu thích môn học.

Không chỉ vậy, phương pháp sư phạm của giáo viên cũng góp phần mang lại cảm xúc với môn học, đó cũng chính là tài nghệ sư phạm, là nghệ thuật tác động vào nhận thức, niềm tin, vào ý chí để các em sẵn sàng vượt lên khó khăn, trở ngại.

Bên cạnh đó, tác phong sư phạm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc các em thích học hay không thích học. Đó là sự gần gũi, thân mật, cởi mở, tôn trọng những yêu cầu cao… làm cho các em coi việc học tập như việc thỏa mãn một nhu cầu cần thiết nào đó trong cuộc sống mà không bị áp lực.

Mong rằng, mỗi giáo viên khi đứng lớp phải thực sự như là người anh, người chị, người bạn chân thành để đồng hành cùng học sinh vươn tới tri thức. Họ phải là những người hiểu biết sâu rộng để thuyết phục các em; họ phải thân tình, cởi mở để sẵn sàng động viên, sẻ chia, giúp đỡ các em trong cuộc sống và học tập.

Do đó, việc quan tâm đến cảm xúc của giáo viên là vô cùng quan trọng và dùng cảm xúc để giáo dục, thuyết phục học sinh lại cần thiết hơn bao giờ hết. Như một triết gia giáo dục nói rất hình ảnh rằng: Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, trên bục giảng, giáo viên không được bộc lộ cảm xúc tiêu cực đối với học sinh của mình.

Nguyễn Văn Công (ĐH Nguyễn Huệ)
(Dẫn nguồn SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Cô Nguyễn Thị Thúy Nga-Giáo viên Trường Tiểu học Phan Chu Trinh hướng dẫn các em học bài. Ảnh: V.C

Điểm sáng về giáo dục học sinh toàn diện ở Phú Thiện

(GLO)- Lấy chất lượng học sinh làm thước đo hiệu quả giáo dục, Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học, trở thành điểm sáng trong đào tạo học sinh toàn diện và mũi nhọn tại địa phương.

Phụ cấp giáo viên: Một số đối tượng được đề xuất điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi nghề

Phụ cấp giáo viên: Một số đối tượng được đề xuất điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi nghề

Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) đề xuất xây dựng Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi đối với viên chức trong các cơ sở giáo dục công lập. Trong đó, một số đối tượng được đề xuất điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi nghề để phù hợp hơn với mức độ phức tạp công việc.