Khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa lũ tại Chư Prông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Do ảnh hưởng của cơn bão số 4, trên địa bàn huyện Chư Prông có mưa lớn gây lũ quét làm thiệt hại nhiều hoa màu, vỡ tường chắn tạm của công trình Nhà máy thuỷ điện Ia Glae 2, sạt lở một số công trình giao thông và ngập úng hàng trăm héc-ta cây trồng. Hiện công tác khắc phục hậu quả sau mưa lũ đang được huyện và các ngành chức năng khẩn trương triển khai thực hiện.

Mưa lớn gây lũ quét, làm ngập úng cục bộ, ảnh hưởng một số cây trồng của người dân và hạ tầng giao thông. Ảnh: Cơ quan chức năng cung cấp.
Mưa lớn gây lũ quét, làm ngập úng cục bộ, ảnh hưởng một số cây trồng của người dân và hạ tầng giao thông. Ảnh: Cơ quan chức năng cung cấp.

Từ đêm ngày 8-10 đến sáng ngày 9-10, trên địa bàn huyện Chư Prông có mưa lớn trên diện rộng. Theo kết quả đo đạc lượng mưa của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, tổng lượng mưa một số điểm trên địa bàn huyện đạt từ 147-169 mm. Mưa lớn kéo dài nên nước từ thượng nguồn đổ về khu vực suối Khôn (xã Ia Piơr) gây ngập cục bộ và chia cắt một số điểm tại làng Sâm (xã Ia Piơr). Tại khu vực này, có 4 người dân gồm: anh Trần Văn Phong (1981), Phan Đình Cường (1976), Lê Minh Khiêm (1991) và chị Trần Thị Diễm (1984, cùng trú tại tỉnh Bình Định) lên thuê đất trồng dưa hấu bị cô lập. Sau khi nhận được tin báo, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã cứu hộ và di chuyển 4 công dân đến nơi an toàn.

Theo thống kê sơ bộ, mưa lũ đã gây thiệt hại cho 27,21 ha cây trồng ở xã Ia Ga; 141,9 ha tại xã Ia Piơr và 10,6 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập; xã Ia Bang có 0,1 ha hồ tiêu và khoảng 0,25 ha cà phê; xã Ia Pia có 14,5 ha cây trồng bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, tại xã Ia Piơr có 24 ngôi nhà bị ngập (thôn Đoàn kết 7 nhà, Yên Hưng 17 nhà). Tuyến đường từ thôn Yên Hưng đi Thôn Đoàn Kết bị xói mòn 1 bên lề đường kéo dài khoảng 30 m; tuyến đường từ làng Sâm đi Suối Khôn có 1 điểm bị chia cắt hoàn toàn, nước chảy qua tạo thành 1 rãnh cắt ngang đường, dài khoảng 50 m, sâu 2-3,5 m. Nước lớn từ thượng nguồn đổ về cũng đã gây tắc cống qua đường tại vị trí ranh giới xã Ia Tôr và xã Ia Bang, gây sạt lở bờ hạ lưu, chiều dài vị trí sạt lở khoảng 10 m, sâu khoảng 3 m. Đường dân cư nội làng Siu (xã Ia Me) bị nước cuốn trôi cống, làm sạt lở một số điểm đường giao thông. Một cầu gỗ dân sinh tại xã Ia Ga bị sập.

Do mưa rất lớn, lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ về với lưu lượng lớn và mạnh gây vỡ một phần tường chắn tạm (bằng bê tông) của công trình. Ảnh: Cơ quan chức năng cung cấp
Do mưa rất lớn, lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ về với lưu lượng lớn và mạnh gây vỡ một phần tường chắn tạm (bằng bê tông) của công trình. Ảnh: Cơ quan chức năng cung cấp

Đặc biệt, do mưa rất lớn, lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ về đã làm vỡ một phần tường chắn tạm (bằng bê tông) của Công trình Nhà máy thủy điện Ia Glae 2 (trên địa bàn xã Ia Ga và Ia Vê), do Công ty cổ phần Thủy điện Khải Hoàng làm chủ đầu tư, hiện đang triển khai thi công xây dựng.

Ông Nguyễn Duy Lộc-Phó Giám đốc Sở Công thương Gia Lai cho biết: “Tại công trình Nhà máy thuỷ điện Ia Glae 2, chủ đầu tư và các nhà thầu liên quan đã bố trí nhân lực và máy móc thiết bị đảm bảo theo phương án đã phê duyệt tại thời điểm xảy ra và sau khi xảy ra thiên tai. Tuy nhiên, do lũ quét về đột ngột, tốc độ dòng chảy cao làm đẩy trôi một phần bê tông tường phục vụ thi công đập tràn tự do của Nhà máy thủy điện Ia Glae 2. Phần tường này đang được nhà thầu thi công theo từng cao trình từ 1 m đến 2 m, chưa hoàn thiện toàn bộ kết cấu bê tông cốt thép. Đối với phần thân đập và móng đập tràn tự do bằng bê tông cốt thép đã thi công trước (chưa tích nước hồ chứa) và các hạng mục công trình khác an toàn, ổn định, không xảy ra sự cố do mưa lũ”.

Theo ông Lộc, thống kê ban đầu, lũ cuốn trôi đã gây ngập úng cục bộ và ảnh hưởng đến một số diện tích đất trồng cây hoa màu và một số máy bơm nước của người dân dọc hai bên suối phía hạ lưu công trình; không gây thiệt hại về người, vật kiến trúc và gia súc, gia cầm. Sau khi sự việc xảy ra, chủ đầu tư đã nhanh chóng phối hợp cùng chính quyền xã Ia Ga và xã Ia Vê thông báo đến các hộ gia đình ở hạ lưu công trình có thiệt hại tài sản tự kê khai gửi về UBND 2 xã hoặc Văn phòng đại diện của chủ đầu tư tại công trường để tiến hành tổng hợp và triển khai xác minh, kiểm tra thực tế, làm cơ sở báo cáo UBND huyện Chư Prông và các cơ quan liên quan khác nhằm xây dựng mức hỗ trợ do ảnh hưởng của thiên tai gây ra.

Mưa lớn kéo dài làm một số diện tích lúa của người dân ở xã Ia Vê ngã đổ, vùi trong bùn, đất. Ảnh: Cơ quan chức năng cung cấp.

Mưa lớn kéo dài làm một số diện tích lúa của người dân ở xã Ia Vê ngã đổ, vùi trong bùn, đất. Ảnh: Cơ quan chức năng cung cấp.

Ông Trần Văn Đạo-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Ga cho biết: “UBND xã đã thông báo tới thôn trưởng các thôn, làng cùng toàn thể nhân dân trên địa bàn xã thống kê, lập danh sách các hộ bị thiệt hại. Đến thời điểm hiện tại UBND xã và Công ty cổ phần Thủy điện Khải Hoàng mới thống kê thiệt hại ban đầu về tài sản của 19 hộ dân, với tổng diện tích 27,21 ha mì, dâu, ngô, đậu các loại, điều, tiêu, cà phê, cao su và chuối. Các hộ dân cũng bị nước cuốn trôi tổng cộng 4 máy phát cỏ, 13 máy bơm nước cùng vòi rồng; 17 cuộn ống; không thiệt hại về người.

“Hiện UBND xã và Công ty cổ phần Thủy điện Khải Hoàng tiếp tục thông báo thống kê các diện tích bị thiệt hại để các thôn, làng nắm tình hình và chỉ đạo hệ thống chính trị các thôn, làng kịp thời tuyên truyền, vận động các hộ dân có nguy cơ ngập lụt di chuyển tài sản, vật nuôi và người đến nơi an toàn. Đồng thời, chỉ đạo các lực lượng tiếp tục nắm chắc tình hình mưa bão, ngập lụt và kịp thời thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”; chỉ đạo kiểm tra tất cả các biển báo, bố trí lực lượng ứng trực tại các đoạn đường ngập sâu, cầu cống để cảnh báo không cho người dân tự do đi lại. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân kịp thời thu hoạch diện tích hoa màu có nguy cơ bị ảnh hưởng”-ông Đạo thông tin.

Đoạn đường từ làng Sâm đi suối Khôn (xã Ia Piơr) bị nước lũ cuốn trôi. Ảnh: Khánh Linh

Đoạn đường từ làng Sâm đi suối Khôn (xã Ia Piơr) bị nước lũ cuốn trôi. Ảnh: Khánh Linh

Còn ông Nguyễn Xuân Phùng-Chủ tịch UBND xã Ia Vê cho hay, qua rà soát kiểm tra bước đầu, tình hình thiệt hại trên địa bàn xã Ia Vê do sự cố của Công trình Nhà máy thuỷ điện Ia Glae 2 không đáng kể. Tuy nhiên, trong sáng nay xã đã chỉ đạo các lực lượng tiếp tục phối hợp với Công ty rà soát, nắm tình hình thiệt hại.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai ngày 11-10, công tác khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra đang khẩn trương được tiến hành, UBND huyện thành lập đoàn xuống hiện trường khu vực xảy ra thiên tai để hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời, tổ chức khơi thông dòng chảy tại các cống thoát nước, căng dây cảnh báo khu vực sạt lở nguy hiểm để người dân phòng tránh. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức thống kê, đánh giá thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai. Được biết, trong chiều nay 11/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế sẽ trực tiếp đi khảo sát tình hình thiệt hại do lũ lụt ở Chư Prông, chỉ đạo các biện pháp khắc phục.

Có thể bạn quan tâm

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai tiếp đoàn công tác tỉnh Vĩnh Phúc

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai tiếp đoàn công tác tỉnh Vĩnh Phúc

(GLO)- Sáng 9-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp chủ trì buổi tiếp, làm việc với đoàn công tác tỉnh Vĩnh Phúc do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn làm trưởng đoàn đến chúc Tết người dân tỉnh Vĩnh Phúc đi xây dựng vùng kinh tế mới tại 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum.

Công an Gia Lai được Bộ Công an biểu dương

Công an Gia Lai được Bộ Công an biểu dương

(GLO)- Ghi nhận những thành tích xuất sắc trong 15 ngày (từ 15 đến 29-12-2024) cao điểm tấn công trấn áp tội phạm đảm bảo an ninh, trật tự trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Công an tỉnh Gia Lai vừa vinh dự được Bộ Công an biểu dương.