Kết luận thanh tra về vi phạm tại 8 dự án ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Bình Dương

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Kết quả thanh tra đối với 8 khu đất, dự án tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương cho thấy, việc thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất còn xảy ra khuyết điểm, vi phạm.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Ngày 11/10, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất, kinh doanh sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2019 của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa.

Thanh tra Chính phủ đã thanh tra việc chuyển mục đích sử dụng đất từ sản xuất, kinh doanh sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở đối với 8 khu đất.

Thông báo kết luận thanh tra cho thấy, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất, kinh doanh sang xây dựng nhà ở của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa đã đạt được những kết quả tích cực, hiệu quả sử dụng đất được phát huy, đáp ứng được một phần nguồn cung nhà ở cho người dân...

Tuy nhiên, kết quả thanh tra đối với 8 khu đất, dự án tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương cho thấy, việc thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất còn để xảy ra những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm.

Thanh tra Chính phủ đã đề nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, tài liệu để xem xét, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với những hành vi vi phạm pháp luật nhiều dự án.

Sai phạm tại 3 dự án ở Hà Nội

Theo kết luận, tại dự án nhà ở cao tầng, văn phòng, dịch vụ tại số 120 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, cơ quan thanh tra cho rằng, việc Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt tiền sử dụng đất thấp hơn 57,5 tỉ đồng so với giá trị quyền sử dụng đất đã được Bộ Công Thương phê duyệt trong giá trị doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa Tổng Công ty Thép Việt Nam.

Việc này gây nguy cơ làm giảm giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, dẫn đến giảm nguồn thu ngân sách nhà nước. Đồng thời, việc một số người dân lấn chiếm khu đất đã kéo dài nhiều năm, vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về quản lý, sử dụng đất, đến nay chưa được Tổng Công ty Thép Việt Nam, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, các cơ quan liên quan xử lý theo quy định của pháp luật, nguy cơ thất thoát quyền sử dụng đất, kết luận nêu.

Cơ quan thanh tra cũng phát hiện sai phạm tại dự án Tổ hợp nhà ở, văn phòng và dịch vụ thương mại tại đường Pháp Vân, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Cụ thể, Tổng Công ty Xây dựng nông nghiệp Việt Nam góp vốn thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên đầu tư Phương Đông bằng giá trị sử dụng và thương mại của quyền sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm.

Việc này bị kết luận là không đúng quy định, dẫn đến Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội thu hồi đất, giao đất và cho phép Công ty Phương Đông chuyển mục đích sử dụng hơn 14.000m2 đất để thực hiện dự án, không đúng với phương án đã được Thủ tướng phê duyệt. Đồng thời, Công ty Phương Đông đã sử dụng 312 căn hộ cho thuê ngắn hạn, bán theo hình thức sở hữu lâu dài bị cho là không đúng mục đích sử dụng đất được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt.

Tại dự án đầu tư xây dựng khu Trung tâm thương mại, dịch vụ và nhà ở tại số 275 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội (hơn 23.000m2), Thanh tra cũng phát hiện một số sai phạm.

Cụ thể, từ việc góp vốn không đúng quy định, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội thu hồi 23.380m2 đất cơ sở sản xuất của Công ty Cổ phần Cơ khí chính xác số 1, giao cho Công ty Cổ phần thương mại Hưng Việt để thực hiện dự án nhà ở, không thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng để đấu giá theo quy định.

Công ty Cổ phần Cơ khí chính xác số 1 chuyển nhượng 3,2 triệu cổ phần tại Công ty Hưng Việt cho Công ty Cổ phần Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy theo mệnh giá, không đấu giá, không thẩm định giá cổ phần. Việc này bị kết luận là vi phạm Nghị định của Chính phủ.

Một số vi phạm tại các dự án tại Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công an tiếp nhận thông tin, tài liệu để xem xét, điều tra, xử lý theo quy định đối với 2 dự án là: Dự án Tòa nhà văn phòng, thương mại và nhà ở tại số 244 Kha Vạn Cân (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) và Dự án Khu nhà ở thấp tầng tại số 5 đường 22, Khu phố 4, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức.

Tại Bình Dương, dấu hiệu sai phạm của 3 dự án bị cơ quan thanh tra phát hiện cũng được chuyển sang Cơ quan điều tra. Đáng chú ý, kết luận nêu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển nhà xe lửa Dĩ An bán 5 đất nền thuộc dự án nhà ở, chung cư thương mại đường sắt Dĩ An trái với quy hoạch (quy hoạch được phê duyệt là đất công cộng để xây dựng nhà trẻ), có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Việc các sở, ngành tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương phê duyệt đơn giá đất tính theo thời gian thực hiện dự án điều chỉnh từ 3-5 năm theo đề nghị của chủ đầu tư, dẫn đến tiền sử dụng đất bị giảm gần 14,8 tỉ đồng.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương cho phép Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển nhà xe lửa Dĩ An sử dụng 64 ngàn m2 đất để thực hiện dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt nhưng không qua đấu giá quyền sử dụng đất, nguy cơ gây thất thu ngân sách khoảng 220,466 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, Công ty này chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, chưa đủ điều kiện huy động vốn nhưng đã ký hợp đồng huy động vốn, có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Theo Xuân Tùng (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Hội nghị đánh giá thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 khu vực miền Trung-Tây Nguyên

Hội nghị đánh giá thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 khu vực miền Trung-Tây Nguyên

(GLO)- Ngày 9-11, tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), Ủy ban Dân tộc tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (giai đoạn 2021-2025) khu vực miền Trung-Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình giai đoạn 2026-2030.