Ia Pa chung sức hỗ trợ làng đồng bào dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai, các cơ quan, đơn vị ở huyện Ia Pa đã tổ chức kết nghĩa với làng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, chương trình này được kỳ vọng thay đổi bộ mặt vùng đồng bào DTTS, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Nhiều hoạt động ý nghĩa

Thôn Hlil 1 (xã Ia Mrơn) có 309 hộ với 1.353 khẩu, trong đó, người DTTS chiếm 98,7%. Cuối năm 2023, thôn còn 25 hộ nghèo và 60 hộ cận nghèo.

Với mục tiêu từng bước giúp người dân thôn Hlil 1 thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từng bước vươn lên thoát nghèo, xây dựng làng nông thôn mới, được sự phân công của Ban Thường vụ Huyện ủy, cuối tháng 4 vừa qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện đã tổ chức kết nghĩa với thôn. Trên cơ sở khảo sát, đánh giá những thuận lợi, khó khăn của thôn, 2 bên thống nhất ký kết nhiều nội dung quan trọng.

Bà Huỳnh Thị Ngọc Lan-Chủ tịch Hội LHPN huyện-cho biết: Hội xây dựng kế hoạch hỗ trợ trên cơ sở các phong trào, cuộc vận động mà Hội đang triển khai. Vì vậy, việc giúp người dân cũng chính là giúp nâng cao chất lượng hoạt động của Hội.

Với tinh thần đó, Hội LHPN huyện cam kết hỗ trợ thôn xây dựng “con đường hoa”; hỗ trợ các gia đình đạt tiêu chuẩn “5 có, 3 sạch”, thôn phụ nữ kiểu mẫu; mỗi năm hỗ trợ 4 triệu đồng cho “Tủ chia sẻ” của Chi hội Phụ nữ thôn; hỗ trợ 5 suất học bổng/năm trị giá 1 triệu đồng/suất cho học sinh nghèo vượt khó; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất… Đặc biệt, ngay tại lễ kết nghĩa, Hội LHPN huyện đã hỗ trợ 1 con bò sinh sản trị giá 10 triệu đồng cho hộ nghèo Ksor H’Ban.

Hội LHPN huyện hỗ trợ 1 con bò sinh sản trị giá 10 triệu đồng cho gia đình chị Ksor H’Ban (thứ 2 từ phải qua, thôn Hlil 1, xã Ia Mrơn). Ảnh: V.C

Hội LHPN huyện hỗ trợ 1 con bò sinh sản trị giá 10 triệu đồng cho gia đình chị Ksor H’Ban (thứ 2 từ phải qua, thôn Hlil 1, xã Ia Mrơn). Ảnh: V.C

Ông Trịnh Hồng Trọng-Bí thư Chi bộ thôn Hlil 1-cho hay: Được Hội LHPN huyện chọn kết nghĩa và cam kết hỗ trợ bằng nhiều việc làm thiết thực, người dân trong thôn rất vui mừng. Đây là động lực để thôn giảm 6 hộ nghèo trong năm 2024; đồng thời đạt tiêu chí số 15 và 17 trong xây dựng làng nông thôn mới. Hiện thôn còn 37 hộ chưa có nhà vệ sinh.

Vì vậy, 2 đơn vị sẽ phối hợp tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức người dân về vai trò, lợi ích của việc xây dựng nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh đối với môi trường và sức khỏe con người, từ đó chủ động tiết kiệm chi tiêu để xây dựng.

“Bằng phương thức cầm tay chỉ việc, hy vọng mô hình kết nghĩa sẽ giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tận dụng tối đa điều kiện sẵn có của gia đình, địa phương để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống”-ông Trọng kỳ vọng.

Đảm bảo thực chất, hiệu quả

Đến nay, 45 cơ quan, đơn vị huyện Ia Pa đã tổ chức thành công chương trình kết nghĩa với 39 thôn, làng. Hàng trăm phần quà đã được trao đến tay người dân để động viên bà con nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Tiêu biểu như Công an huyện tặng 75 bình chữa cháy cho hộ nghèo; Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ Công an huyện, Công an xã Chư Mố tặng 2 chiếc xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn của thôn Plơi Apa Ama Lim (xã Chư Mố); Phòng Tư pháp và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện tặng 20 suất quà cho hộ nghèo thôn Bah Leng (xã Ia Mrơn); Ban Tổ chức Huyện ủy tặng 25 suất quà trị giá 7 triệu đồng cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở thôn Voòng Boong (xã Chư Răng); Ban Tuyên giáo Huyện ủy tặng 10 bình chữa cháy cho hộ nghèo buôn Tơ Khế (xã Ia Tul)…

Công an huyện Ia Pa tặng xe đạp cho học sinh nghèo thôn Plơi Apa Ama Lim, xã Chư Mố. Ảnh: Mai Linh

Công an huyện Ia Pa tặng xe đạp cho học sinh nghèo thôn Plơi Apa Ama Lim, xã Chư Mố. Ảnh: Mai Linh

Ông Phạm Văn Đức-Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy-cho hay: Lễ kết nghĩa chỉ là bước khởi đầu để nắm tình hình thuận lợi, khó khăn từ cơ sở. Trên cơ sở đó, cơ quan sẽ triển khai các hoạt động hỗ trợ thiết thực.

Ban Tuyên giáo Huyện ủy sẽ cùng với cán bộ buôn Tơ Khế thường xuyên bám dân, nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng cũng như khó khăn, bức xúc của bà con để có những biện pháp giúp đỡ kịp thời; đồng thời, vận động người dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao tinh thần cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, từ bỏ mê tín dị đoan, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Theo bà Nguyễn Thị Thùy Trang-Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy: Hoạt động kết nghĩa giữa cơ quan, đơn vị với thôn, làng đồng bào DTTS là chủ trương mang ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc. Để mô hình đi vào thực chất, các đơn vị kết nghĩa cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng gần dân, sát cơ sở, phải coi khó khăn của bà con là khó khăn của mình để tìm mọi cách tháo gỡ, coi sự phát triển của thôn, làng là thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị phụ trách để phấn đấu.

“Mục tiêu cuối cùng của công tác kết nghĩa là xây dựng mối quan hệ đoàn kết thống nhất, hiểu biết, giúp đỡ giữa cơ quan, đơn vị với thôn, làng đồng bào DTTS; thông qua đó phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động nguồn lực xây dựng thôn, làng ngày càng khởi sắc, đảm bảo về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương”-Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

“Đứng dậy” từ lầm lỗi

“Đứng dậy” từ lầm lỗi

(GLO)- Nhìn những bằng khen, giấy khen treo trên tường nhà, ít ai ngờ rằng, ông Kpă Dõ-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Lê Ngol (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) từng một thời chìm trong lầm lỗi. Nhờ được cảm hóa và giúp đỡ, ông đã mạnh mẽ “đứng dậy” làm lại cuộc đời.

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Tuổi già

(GLO)- Gần đây, tôi ít về quê. Nhiều khi người thân ở quê có việc hoặc muốn biết về tình hình phát triển của quê hương, chỉ cần bỏ ra mươi phút lướt mạng là có đầy đủ thông tin.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Minh Trung khẳng định việc giao quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai sẽ tạo thuận lợi cho người dân lẫn cơ quan quản lý (ảnh nguồn internet).

Phân cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Thuận lợi cho người dân lẫn cơ quan quản lý

(GLO)- Theo phân cấp, từ ngày 1-11-2024, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thị xã, thành phố được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, xác nhận thay đổi đối với trường hợp đăng ký biến động... tạo thuận lợi cho người dân lẫn cơ quan quản lý.

Các sản phẩm đặc trưng địa phương hút khách tại Tuần lễ Hoa Dã Quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

Các sản phẩm đặc trưng địa phương hút khách tại Tuần lễ Hoa Dã Quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

(GLO)- Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya đang tổ chức tại khu vực nhà rông làng Ia Gri (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai). Đây không chỉ là dịp để du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp rực rỡ của loài hoa dã quỳ, mà còn là cơ hội để thưởng thức những sản phẩm đặc trưng của địa phương.