Hướng tới mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nên năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 2,03%. Với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 8,1% vào cuối năm 2023, ngay từ đầu năm, các địa phương đã tích cực triển khai nhiều giải pháp sát với yêu cầu thực tế.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,03%

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, các địa phương đã đề ra mục tiêu giảm nghèo phù hợp; tổ chức cho hộ nghèo đăng ký thoát nghèo và tập trung triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Theo đó, tổng vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022 trên địa bàn tỉnh là 164,072 tỷ đồng (ngân sách trung ương 149,156 tỷ đồng, ngân sách địa phương 14,916 tỷ đồng). Các địa phương đã triển khai hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng theo nhu cầu, phù hợp với điều kiện sản xuất.

Về chính sách tín dụng cho người nghèo, tính đến ngày 30-11-2022, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã giải quyết cho 8.929 lượt hộ nghèo, 7.277 lượt hộ cận nghèo, 2.490 hộ mới thoát nghèo và 12.400 lượt hộ vay vốn của Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 9.381 lượt hộ vay vốn giải quyết việc làm; 5.341 lượt hộ vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn... với tổng dư nợ trên 5.494,4 tỷ đồng.

Nhờ tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay, gia đình anh Rơmah Bya (tổ 6, thị trấn Chư Prông) đã vươn lên thoát nghèo. Theo đó, năm 2008, gia đình anh Bya vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để mua 1 con bò sinh sản. Thấy nuôi bò có lãi, anh mạnh dạn vay thêm 30 triệu đồng, rồi tăng lên 50 triệu đồng để chăn nuôi và cải tạo vườn tạp trồng cà phê. “Nhờ có nguồn vốn chính sách mà mình đã chính thức thoát nghèo”-anh Bya chia sẻ.

Vợ chồng Puih Haih, làng De Lung 1, xã Ia Tô, huyện Ia Grai nhờ mạnh dạn vay vốn, chăm chỉ làm ăn đã xây được căn nhà khang trang. Ảnh: Đinh Yến

Vợ chồng Puih Haih, làng De Lung 1, xã Ia Tô, huyện Ia Grai nhờ mạnh dạn vay vốn, chăm chỉ làm ăn đã xây được căn nhà khang trang. Ảnh: Đinh Yến

Mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Ia Grai, cộng với 40 triệu đồng tích góp, vay mượn từ người thân, gia đình anh Puih Haih (làng De Lung 1, xã Ia Tô) đã xây dựng ngôi nhà mới khang trang với diện tích gần 50 m2. Vợ chồng anh xin vào làm công nhân Nông trường Cao su Ia Pếch (Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh) với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, vợ chồng anh còn được tạo điều kiện nuôi bò rẽ từ 4 con bò sinh sản. “Nhờ các cấp, các ngành giúp đỡ nên cuộc sống gia đình mình đã dần ổn định và không còn nghèo nữa. Vợ chồng mình sẽ cố gắng làm, sau khi trả xong lãi ngân hàng sẽ tiếp tục vay để đầu tư mở rộng sản xuất”-anh Haih cho hay.

Nói về việc người dân trên địa bàn tiếp cận và sử dụng nguồn vốn vay, ông Trịnh Viết Hùng-Chủ tịch UBND xã Ia Tô-cho hay: “Nhờ nguồn vốn vay mà nhiều gia đình đã vươn lên, xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả. Đến nay, dư nợ cho vay trên địa bàn xã đạt hơn 3,6 tỷ đồng với 80 hộ vay. Các gia đình hầu hết sử dụng vốn vay đúng mục đích và phát huy hiệu quả”.

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội, gia đình chị Nguyễn Thị Loan (thị xã An Khê) đã vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Đức Thụy

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội, gia đình chị Nguyễn Thị Loan (thị xã An Khê) đã vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Đức Thụy

Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo để phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững, hội nhập. Năm 2022, toàn tỉnh có trên 26 ngàn lao động được giải quyết việc làm. Các địa phương đã huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ xây dựng gần 200 ngôi nhà cho hộ nghèo và cận nghèo.

Việc phân bổ nguồn kinh phí và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về chính sách tín dụng, hỗ trợ về bảo hiểm y tế, dạy nghề và giải quyết việc làm, hỗ trợ nhà ở, điện thắp sáng, giáo dục, tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý... đã tác động rất lớn đến kết quả giảm nghèo của tỉnh. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm 2,03%, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS) giảm 4,32%.

Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo

Theo bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn cao so với cả nước. Cụ thể, toàn tỉnh còn 38.550 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 10,06% và 37.253 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 9,72%. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo DTTS chiếm 21,26%, hộ cận nghèo DTTS chiếm 17,66%. Công tác giảm nghèo vẫn gặp nhiều khó khăn do hình thức hỗ trợ việc làm chưa đa dạng; công tác huy động nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo chưa nhiều, chủ yếu vẫn sử dụng ngân sách nhà nước, chưa khai thác và huy động hết nguồn lực tại chỗ... Việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh cũng gặp phải một số vướng mắc khi một số dự án, tiểu dự án chưa có văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể, kinh phí thực hiện chương trình hàng năm Trung ương phân bổ muộn.

Mục tiêu mà tỉnh đặt ra là thực hiện giảm nghèo đa chiều bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống. Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2023 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 8,1%, mức giảm là 2%, tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm 3%.

Cán bộ, nhân viên Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Chư Sê làm thủ tục giải ngân cho người dân tại phiên giao dịch ở xã Hbông, huyện Chư Sê. Ảnh: Sơn Ca

Cán bộ, nhân viên Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Chư Sê làm thủ tục giải ngân cho người dân tại phiên giao dịch ở xã Hbông, huyện Chư Sê. Ảnh: Sơn Ca

Bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội: Với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư về nhà ở, nước sạch, nhà vệ sinh, thông tin truyền thông cho các hộ nghèo, cận nghèo, nhất là huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới để tăng khả năng tiếp cận với các nhu cầu xã hội cơ bản, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo và người dân thiếu hụt các chỉ số đo lường giảm nghèo đa chiều chưa được tiếp cận.

Đề cập những khó khăn, vướng mắc trong công tác giảm nghèo, ông Đỗ Văn Đông-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai-cho hay: Nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2022 được cấp về huyện vào thời điểm cuối năm nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo tại địa phương. Bên cạnh đó, tư liệu sản xuất còn thiếu, trình độ năng lực, chuyên môn kỹ thuật của người dân còn thấp dẫn đến việc phấn đấu thoát nghèo còn chậm; nhiều hộ nghèo, cận nghèo chưa mạnh dạn tham gia xuất khẩu lao động...

Để hoàn thành chỉ tiêu giảm 443 hộ nghèo trong năm 2023, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai, địa phương tiếp tục triển khai tốt các giải pháp: tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức của người dân; đẩy mạnh giải ngân các nguồn đầu tư và thường xuyên giám sát việc triển khai thực hiện; nắm chắc biến động hộ nghèo, kiểm soát chặt chẽ hộ nghèo phát sinh mới; phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội trong vận động xây dựng Quỹ “Vì người nghèo” để hỗ trợ xây dựng nhà “Đại đoàn kết” cho người nghèo; phân công đoàn viên, hội viên giúp đỡ đoàn viên, hội viên nghèo vươn lên thoát nghèo.

Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Krông Pa giảm còn 15,69% (tương đương với 3.244 hộ nghèo); tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS còn 92,2% (tương ứng với 2.991 hộ nghèo). Tuy nhiên, tỷ lệ giảm hộ nghèo của huyện không đạt kế hoạch tỉnh giao. Nhìn nhận về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Tiến Đãng cho rằng, nguyên nhân là do người dân còn chậm áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Do đó, năm 2022, toàn huyện phát sinh 228 hộ nghèo. Bên cạnh đó, các chỉ số đánh giá giảm nghèo đa chiều như: nguồn nước hợp vệ sinh, nhà tiêu hợp vệ sinh và môi trường... còn là vấn đề nan giải. “Năm 2023, huyện phấn đấu giảm 588 hộ nghèo. Ngay từ đầu năm, huyện xây dựng kế hoạch triển khai chương trình giảm nghèo. Cùng với đó, triển khai đồng bộ, kịp thời các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững như: đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông giảm nghèo về thông tin và nâng cao năng lực giám sát; hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giáo dục, y tế, nhà ở, điện, nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường, vay vốn, thụ hưởng văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần; thực hiện các phong trào thi đua giảm nghèo, giúp người dân nắm vững kiến thức, thay đổi tư duy, tập quán, vươn lên thoát nghèo bền vững”-ông Đãng nói.

ĐINH YẾN - ANH HUY

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.