Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô và Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai:

Hội tụ bản sắc văn hóa vùng biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Qua 5 lần tổ chức, Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã trở thành sự kiện tôn vinh, quảng bá bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng đất nơi biên cương Tổ quốc.

Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô và Liên hoan văn hóa cồng chiêng lần thứ 5 diễn ra từ ngày 1 đến 3-11 tại làng Dăng (xã Ia O) được nâng tầm cả về quy mô và chất lượng so với các lần tổ chức trước.

Sự kiện này thu hút 43 đội đua thuyền độc mộc (tăng 4 đội so với năm trước), 13 đội thi cồng chiêng, 14 đội thi dân vũ và trình diễn trang phục truyền thống với gần 1.500 vận động viên, nghệ nhân tham gia.

cac-tay-cheo-tren-duong-dua-xanh-anh-pham-quy.jpg
Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh diễn ra vô cùng hấp dẫn. Ảnh: PHẠM QUÝ

Tiếp nối “Tinh thần A Sanh”

Pô Cô là một nhánh của dòng Sê San khởi nguồn từ đỉnh Ngọc Linh hùng vĩ (tỉnh Kon Tum). Sông đổ từ Kon Tum xuống Gia Lai rồi chảy sang đất bạn Campuchia để hòa vào dòng Mê Kông.

Trong kháng chiến chống Mỹ, sông Pô Cô là tuyến vận tải đặc biệt nằm trên hành lang Bắc-Nam. Một người con làng Nú (xã Ia Khai) là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân A Sanh (tên thật là Puih San) đã cùng đồng đội và bà con dân làng sử dụng những chiếc thuyền độc mộc để đưa bộ đội, vận chuyển lương thực, vũ khí qua sông đánh giặc. Đây được xem là phương tiện đặc biệt, hiệu quả nhất để vượt qua thác ghềnh của dòng Pô Cô, nhất là vào mùa mưa lũ.

Sự mưu trí, dũng cảm của A Sanh và đồng bào mình đã làm nên khúc tráng ca ở vùng đất biên cương, đọng lại trong từng lời hát da diết: “Hỡi Pô Cô ơi! Dòng sông mênh mông/Đôi bờ cây xanh biếc, nước chảy xiết sâu thẳm/Qua tháng ngày, hỏi sông ơi có biết/Anh lái đò tên gọi A Sanh...” (“Người lái đò trên sông Pô Cô”, thơ Mai Trang, cố nhạc sĩ Cầm Phong phổ nhạc).

“Người lái đò trên sông Pô Cô” đã trở thành biểu tượng cho ý chí quật cường, anh dũng và tinh thần yêu nước của đồng bào các dân tộc huyện Ia Grai. Và, Hội đua thuyền độc mộc trên dòng sông Pô Cô như một sự tiếp nối “Tinh thần A Sanh”, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời kỳ mới trên vùng đất nơi biên cương Tổ quốc”-ông Lê Ngọc Quý-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ia Grai nhấn mạnh về ý nghĩa của sự kiện thường niên này.

hoi-dua-thuyen-doc-moc-tren-song-po-co-anh-pham-quy.jpg
Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô. Ảnh: Phạm Quý

Qua 5 lần tổ chức, Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh ngày càng chứng tỏ sức hấp dẫn của một hoạt động thể thao gắn liền với truyền thống văn hóa-lịch sử của vùng đất biên giới. Việc giành được chiếc cúp mang tên người Anh hùng A Sanh trở thành niềm tự hào với bất cứ tay chèo nào.

Với 3 lần tham gia hội đua thuyền độc mộc, anh Rơ Mah Jim (làng Bi Ia Yom, xã Ia O) có những trải nghiệm thú vị. Anh cho hay: “Mỗi đội có 2 tay chèo, ngồi ở 2 mũi thuyền nhưng phải có sự phân vai. Người ngồi trước dùng hết sức chèo cho thuyền chạy nhanh nhất có thể, còn người ngồi sau phải vừa chèo vừa điều chỉnh để mũi thuyền trước luôn hướng thẳng.

Chèo thuyền độc mộc mới thấy khi thời tiết khắc nghiệt như mưa gió hoặc qua những đoạn nước chảy xiết, ghềnh đá rất dễ bị lật. Vì vậy, không chỉ cần sức mạnh, vận động viên còn phải thật khéo léo nữa”.

Cũng bởi trải nghiệm này, chàng trai Jrai sinh năm 1992 cho rằng, thế hệ cha ông thường xuyên dùng thuyền độc mộc để di chuyển, đánh bắt cá trên sông Pô Cô nên tích lũy được nhiều kinh nghiệm và rất giỏi sử dụng loại phương tiện này.

du-khach-chup-hinh-luu-niem-cung-thieu-nu-jrai-ben-bo-song-po-co.jpg
Du khách chụp hình lưu niệm cùng thiếu nữ Jrai bên bờ sông Pô Cô. Ảnh: H.N

Hình ảnh những con thuyền độc mộc rẽ sóng lướt trên dòng sông Pô Cô mang đến những cảm xúc khó quên cho du khách.

Bà Nguyễn Thị Tú-Cựu giáo chức hiện sinh sống tại TP. Pleiku-chia sẻ: “Thật tuyệt vời! Tinh thần và sự tập trung của những người đua thuyền khiến chúng tôi hồi hộp dõi theo từng nhịp chèo của họ. Hình ảnh những con thuyền lướt trên sóng nước Pô Cô vừa ấn tượng, vừa cho tôi nhiều xúc động.

Tôi ra trường năm 1980 và nhận công tác đầu tiên ở vùng đất biên giới này. Những năm đó, người dân còn di chuyển bằng thuyền độc mộc khá phổ biến. Vì vậy, hôm nay, nhìn thấy những con thuyền độc mộc, tôi không khỏi bồi hồi”.

Theo nữ du khách này, việc khai thác truyền thống văn hóa vào hoạt động thể thao khiến sự kiện thường niên này càng thêm hấp dẫn, mang bản sắc riêng của vùng đất biên cương.

Đậm sắc màu văn hóa vùng biên

Ia Grai là vùng đất còn lưu giữ số lượng cồng chiêng nhiều nhất tỉnh với trên 750 bộ. Sức hấp dẫn của cồng chiêng ở vùng đất nơi biên cương không nằm ở số lượng đồ sộ mà trong đời sống văn hóa phong phú, đầy màu sắc của các hoạt động gắn với loại nhạc cụ dân tộc này.

Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai là dịp để nhìn lại một phần thực tế sống động đó của di sản văn hóa được UNESCO công nhận. Các đoàn nghệ nhân tái hiện không gian sinh hoạt cộng đồng, lễ hội dân gian Tây Nguyên qua những bài chiêng truyền thống đặc sắc như: lễ đâm trâu, mừng lúa mới, cúng lúa mới vào kho, cúng giọt nước, pơ thi (bỏ mả), mừng Tây Nguyên thắng trận, mừng quê hương đổi mới…

Những phong tục, lễ hội đặc trưng thăng hoa cùng thanh âm trầm bổng của những bộ chiêng quý. Trong không gian thăm thẳm, mênh mang đó, người ta bắt gặp những chàng trai, cô gái Jrai da nâu, mắt sáng, chân trần với những vũ điệu say đắm hoang dã từ ngàn đời bên bờ sông Pô Cô.

hai-nghe-nhan-lang-nu-xa-ia-khai-cung-rat-nhieu-dap-cu-de-cung-dan-lang-tai-hien-le-dam-trau-anh-hoang-ngoc.jpg
Hai nghệ nhân làng Nú (xã ia Khai, huyện Ia Grai) bên các đạo cụ để cùng dân làng tái hiện lễ đâm trâu. Ảnh: Hoàng Ngọc

Các đoàn nghệ nhân không chỉ mang đến hội thi những bộ chiêng quý, những bài nhạc chiêng gắn với đời sống văn hóa mà còn cho thấy một đời sống văn hóa phát triển rực rỡ và được duy trì trong chiều dài lịch sử.

Những cột nêu, con rối, chiếc gùi hay cả bộ sưu tập nhạc cụ truyền thống từ tre nứa mộc mạc được người Jrai đem đến ngày hội để làm cho những màn trình diễn thêm thăng hoa.

Chị Rơ Mah Nhi-Thành viên đội xoang xã Ia Tô-cho biết: “Làng nào cũng muốn khoe hết những gì mình có, từ những điệu xoang, những bộ chiêng cổ cho đến trang phục truyền thống, đạo cụ kèm theo.

Liên hoan văn hóa cồng chiêng là cơ hội để thế hệ trẻ tìm hiểu nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Qua những lần tham gia, mình càng hiểu biết nhiều hơn và tự hào hơn với truyền thống văn hóa đặc sắc, phong phú của dân tộc”.

Chứng kiến Liên hoan văn hóa cồng chiêng bên bờ sông Pô Cô xuyên suốt qua các năm, già làng Rơ Châm Gon (làng Mit Jep, xã Ia O) vui mừng nói: “Đây cũng là ngày hội đại đoàn kết của dân tộc Jrai. Năm nào cũng có rất đông du khách đến tham gia, xoang cùng bà con”.

Đội chiêng của làng Mit Jep do già làng Gon và các nghệ nhân hướng dẫn đã có màn đón khách vô cùng ấn tượng trong lễ khai mạc Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô và Liên hoan văn hóa cồng chiêng.

lien-hoan-van-hoa-cong-chieng-la-dip-de-nhin-lai-doi-song-van-hoa-vo-cung-ru-ro-cua-nguoi-jrai-noi-vung-dat-bien-cuong.jpg
Liên hoan văn hóa cồng chiêng là dịp để nhìn lại đời sống văn hóa vô cùng rực rỡ của người Jrai nơi vùng đất biên cương. Ảnh: H.N

Du khách đến với Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô và Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai dịp này bằng sự trải nghiệm thực tế đã cảm nhận trọn vẹn phong vị đặc trưng của vùng đất nơi biên cương.

Anh Nguyễn Văn Hung (du khách đến từ Lâm Đồng) cho biết: “Lên biên giới mùa này, chúng tôi không khỏi trầm trồ trước cảnh sắc bên đường. Những cung đường uốn lượn dưới tán rừng cao su hay những ngôi làng dọc bờ sông đều là những hình ảnh rất đặc trưng.

Văn hóa cồng chiêng không phải là hoạt động mới, nhưng khi được xem biểu diễn trên bờ sông Pô Cô cùng với hội đua thuyền, cảm giác rất mới lạ, rất nhiều cảm xúc”.

Du lịch chính là sự trải nghiệm. Đó cũng là mục tiêu huyện Ia Grai hướng tới khi tạo ra sự kiện để du khách bằng sự trải nghiệm thực tế của mình “tiếp sức” cùng địa phương trong công tác giới thiệu, quảng bá sự độc đáo riêng có của văn hóa, thiên nhiên của vùng đất biên cương đến bạn bè gần xa.

vu-dieu-cong-chieng-ben-bo-song-po-co-anh-pham-quy.jpg
Vũ điệu cồng chiêng bên bờ sông Pô Cô. Ảnh: Phạm Quý

Các gian hàng nông sản đặc trưng phục vụ nhu cầu mua sắm, trải nghiệm của người dân cũng là một “đại sứ” góp phần quảng bá về vùng đất nơi biên giới.

Ngoài những mặt hàng nông sản như hạt điều, cà phê, gạo A Sanh… thì cá cơm khô sông Sê San được coi là sản vật đặc trưng hấp dẫn rất đông du khách.

Mỗi đoàn khách du lịch dừng trước gian hàng của chị Rơ Châm Dự (làng Dăng, xã Ia O) đều không có ai ra về tay không. Chị Dự cho biết đã 5 năm liên tục tham gia gian hàng tại sự kiện văn hóa-du lịch này của huyện.

“Mỗi đợt, mình bán 20-30 kg cá cơm. Nhiều khách theo địa chỉ in trên bao bì đã gọi lại đặt hàng thêm. Đây là loại cá có quanh năm trên sông Sê San, trước đây không có giá trị kinh tế gì nhiều. Nhưng nay, cá cơm khô đã trở thành một sản phẩm mang lại thu nhập ổn định cho nhiều người dân Jrai sống dọc sông vì được giới thiệu qua các lễ hội, hội chợ do huyện tổ chức”-chị Dự thông tin.

cac-san-pham-tu-ca-com-song-se-san-tro-thanh-san-vat-cua-vung-dat-bien-gioi-theo-chan-buoc-chan-du-khach.jpg
Các sản phẩm từ cá cơm sông Sê San trở thành "sản vật" của vùng đất biên giới theo chân bước chân du khách. Ảnh: H.N

Ông Đào Lân Hưng-Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban tổ chức Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai-đánh giá: Qua 5 lần tổ chức, Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô và Liên hoan văn hóa cồng chiêng không ngừng được làm mới và nâng tầm quy mô, đẩy mạnh truyền thông, quảng bá.

Các hoạt động cũng thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp, đơn vị tài trợ để nâng tầm giải thưởng, tạo động lực để các đội đầu tư, nâng cao chất lượng nội dung tham gia, bảo tồn văn hóa, phát huy giá trị nông sản địa phương.

Ban Tổ chức đã trao 84 giải thưởng với tổng trị giá trên 152 triệu đồng cho các nội dung văn hóa, thể thao tại Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai.

Trong đó, đội xã Ia Bă xuất sắc giành cúp A Sanh giải đua thuyền độc mộc cùng 10 triệu đồng tiền thưởng; xã Ia Dêr giành giải nhất Liên hoan văn hóa cồng chiêng với trị giá tiền thưởng 5 triệu đồng; Câu lạc bộ Toan Phạm giành giải nhất hội thi dân vũ và xã Ia Krái giành giải nhất phần thi trình diễn trang phục dân tộc, mỗi giải trị giá 3,5 triệu đồng.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND huyện Lê Ngọc Quý thưởng nóng 33 triệu đồng cho các đội tham gia. Trong đó, thưởng 2 triệu đồng/đội cho 13 đội tham gia Liên hoan văn hóa cồng chiêng; thưởng 1 triệu đồng cho đội đua thuyền giành cúp A Sanh và khuyến khích, hỗ trợ cho các nội dung khác.

Có thể bạn quan tâm

Trao 190 suất quà cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin và cô đỡ thôn bản tỉnh Gia Lai

Trao 190 suất quà cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin và cô đỡ thôn bản tỉnh Gia Lai

(GLO)- Ngày 18-1, tại TP. Pleiku, Giáo sư-Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh) phối hợp tổ chức chương trình “Lan tỏa yêu thương” nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Khởi sắc Ia Mơ Nông

Khởi sắc Ia Mơ Nông

(GLO)- Tuy xuất phát điểm thấp, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm đa số nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức của người dân, diện mạo xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) đang từng ngày khởi sắc.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trần Minh Sơn (bìa phải) tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ Trại giam Gia Trung. Ảnh: Hoàng Hoài

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Trại giam Gia Trung và các gia đình có công tiêu biểu ở huyện Mang Yang

(GLO)- Sáng 10-1, đoàn công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai Trần Minh Sơn làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Trại giam Gia Trung và các gia đình có công tiêu biểu ở huyện Mang Yang.

UBND tỉnh ban hành 7 thủ tục mới thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND các huyện, thị xã, thành phố trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quỹ

Gia Lai công bố 14 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quỹ

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Quyết định số 29/QĐ-UBND công bố danh mục gồm 7 thủ tục hành chính mới, 9 thủ tục bị bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Nội vụ; 7 thủ tục mới, 9 thủ tục bị bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quỹ.