Hội chợ việc làm Đak Đoa: Hơn 300 lao động được tuyển dụng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 21-2, UBND huyện Đak Đoa phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Gia Lai tổ chức Hội chợ việc làm năm 2022. Hội chợ giúp doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh bổ sung 302 lao động nhằm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời tạo việc làm cho người lao động.
Hơn 50.000 vị trí tuyển dụng
Hội chợ việc làm huyện Đak Đoa quy tụ 15 gian hàng tư vấn, tuyển dụng lao động của các tập đoàn, cơ sở đào tạo và hơn 100 doanh nghiệp, tổ chức ủy quyền sơ tuyển việc làm thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh với nhu cầu tuyển dụng hơn 50.000 vị trí việc làm ở các ngành, nghề. Trong đó, nhiều vị trí việc làm hấp dẫn như: quản lý, kỹ sư, kế toán tổng hợp, giám sát, thẩm định giá, điện máy, điện dân dụng, bao bì, nội thất gỗ, công nhân may... và cơ hội làm việc ở nước ngoài thông qua đi thực tập sinh và xuất khẩu lao động. 
Nhiều doanh nghiệp đến với Hội chợ việc làm có nhu cầu tuyển dụng từ 500 đến 2.000 vị trí việc làm với mức lương khởi điểm từ 7 triệu đồng đến hàng chục triệu đồng/người/tháng như Công ty TNHH Elite Long Thành (Đồng Nai). Ông Võ Linh-quản lý sản xuất Công ty TNHH Elite Long Thành-cho biết: Đơn vị đang có nhu cầu tuyển dụng 1.500 công nhân may làm việc tại lô D (Khu Công nghiệp Lộc An, tỉnh Đồng Nai). Làm việc tại Công ty, người lao động được hưởng mức lương trung bình từ 7 triệu đồng đến 15 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, người lao động được đảm bảo đầy đủ các chế độ theo quy định. Công nhân ngoài tỉnh còn được xe đón miễn phí đến Công ty, hỗ trợ tiền nhà trọ tháng đầu tiên; hỗ trợ tiền ăn 3 bữa (sáng, trưa, tối). Công ty còn có chương trình tuyển cộng tác viên tuyển dụng. Cộng tác viên tuyển được công nhân may có tay nghề sẽ được thưởng 1 triệu đồng/người vào làm việc tháng thứ nhất và 2 triệu đồng/người làm việc tháng thứ 2... “Vì vậy, người lao động có nhu cầu làm việc tại đơn vị, chúng tôi sẵn sàng tiếp đón chu đáo. Sau Hội chợ việc làm huyện Đak Đoa, sáng 22-2, những lao động được đơn vị tuyển dụng trực tiếp sẽ bố trí xe đón miễn phí vào Công ty làm việc”-ông Vinh nhấn mạnh.
Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai phỏng vấn tuyển dụng lao động tại Hội chợ việc làm. Ảnh: Đinh Yến
Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai phỏng vấn tuyển dụng lao động tại Hội chợ việc làm. Ảnh: Đinh Yến
Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển trí tuệ Labor Supply Amazon có nhu cầu tuyển 8.000 lao động nam nữ để cung ứng cho các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và đi xuất khẩu lao động. Ông Lê Công Hùng-Giám đốc Marketing Công ty-cho hay: 7 năm Công ty đi vào hoạt động, bình quân mỗi năm đơn vị cung ứng cho các doanh nghiệp từ 2.500 đến 3.000 lao động. Lao động có tuổi đời từ 18 đến 52 chỉ cần nộp hồ sơ là chứng minh nhân dân/căn cước công dân thì được bố trí vị trí việc làm phù hợp, với mức lương từ 9 đến 13 triệu đồng/tháng. Lao động có nhu cầu về tỉnh Bình Dương làm việc sẽ có xe đưa đón miễn phí. Ngoài ra, người lao động còn được hỗ trợ tìm nhà trọ, trả tiền trọ trước khi đến làm việc…
Với Công ty TNHH một thành viên ứng dụng công nghệ mới và du lịch, đơn vị tuyển dụng thực tập sinh làm việc có thời hạn tại Nhật Bản trong thời gian tới với hơn 300 vị trí. Ông Nguyễn Xuân Quang-phụ trách tuyển dụng Công ty-cho hay: Tham gia hội chợ lần này, Công ty có nhu cầu tìm những ứng viên phù hợp với vai trò thực tập sinh tại Nhật Bản. Đây đang là thị trường thu hút lao động lớn hiện nay bởi ngành nghề đa dạng như: nhựa, sơn, điện tử, cơ khí, hàn tiện, phay, bào, mộc, bao bì, thủy-hải sản, thực phẩm, phụ tùng ô tô, kỹ sư xây dựng, cơ khí chế tạo… Tuy nhiên, ông Quang khuyến cáo người lao động nên liên hệ với các công ty chính thống để đảm bảo quyền lợi, tránh đi theo nguồn bất hợp pháp dẫn đến bị lừa, tiền mất tật mang.
Tạo việc làm cho người lao động
Từ 7 giờ sáng, tại Bến xe huyện Đak Đoa, đông đảo người lao động, trong đó nhiều người bị mất việc làm do dịch Covid-19, sinh viên vừa tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm và thanh niên, cán bộ hội viên phụ nữ, nông dân của 19 xã, thị trấn đã có mặt để tìm hiểu thông tin, vị trí tuyển dụng việc làm với mong muốn tìm được công việc phù hợp sở trường, năng lực bản thân.
Em Đoàn Thị Thanh Tuyền (thị trấn Đak Đoa) chia sẻ: “Em tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán năm 2020. Đến với hội chợ này, em mong muốn tìm được việc làm phù hợp với ngành học, có mức lương ổn định. Sau khi tìm hiểu thông tin và được các đơn vị tuyển dụng tư vấn kỹ càng, em đã chọn được vị trí dự tuyển phù hợp tại Ngân hàng Bản Việt-Chi nhánh Gia Lai”.
Anh Chuit (làng O Deh, xã Ia Pết) vui mừng khi tìm được công việc phù hợp với nguyện vọng tại hội chợ. Anh cho biết: “4 năm mình làm bảo vệ cho một doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương. Dịch bệnh mình về nhà và giờ mong tìm được công việc gần nhà. Qua Hội chợ việc làm, mình được tư vấn và giới thiệu làm lái xe cho một cơ sở ở địa phương, mức lương 7 triệu đồng/tháng. So với làm ở tỉnh Bình Dương thì mức lương đó hơi thấp. Nhưng gần nhà để có thời gian chăm sóc gia đình và con cái là tốt rồi”.
Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển trí tuệ Labor Supply- AMaRon tư vấn, phỏng vấn người lao động tại hội chợ việc làm. Ảnh: Đinh Yến
Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển trí tuệ Labor Supply Amazon phỏng vấn tuyển dụng lao động tại Hội chợ việc làm. Ảnh: Đinh Yến
Ông Lê Thanh Truyền-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh-cho biết: Những người có nhu cầu học tập hay tìm việc làm thích hợp được cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cũng như đại diện các cơ quan, doanh nghiệp hướng dẫn, phỏng vấn trực tiếp. Còn những lao động đã chọn được ngành nghề, doanh nghiệp và Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh hướng dẫn hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để sớm nhận vào làm việc. Lao động có nhu cầu đi làm ngay thì doanh nghiệp bố trí xe đưa đón miễn phí; hỗ trợ tiền trọ tháng đầu tiên. Những lao động chưa tìm được việc làm thích hợp thì để lại thông tin của mình và tiếp tục được giới thiệu, kết nối với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng để sớm tìm được việc làm phù hợp.
Hội chợ việc làm đã tư vấn và kết nối việc làm cho gần 1.700 lượt người; tuyển dụng trực tiếp 302 lao động vào làm việc tại gần 100 doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh. Trao đổi với P.V, ông Huỳnh Siểm-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa-cho hay: “Lần đầu huyện tổ chức Hội chợ việc làm nhưng đã thành công tốt đẹp. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức và tổ chức nhiều hội chợ việc làm hơn để phát huy vai trò cầu nối nhân lực giữa doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn huyện”.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm

Đoàn giám sát HĐND tỉnh giám sát tại thị xã Ayun Pa về “việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Nhiều địa phương gặp khó trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ nghèo

(GLO)- Thực hiện Dự án 1-Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi các địa phương đã triển khai hỗ trợ nhà ở, đất ở cho hộ nghèo. Tuy nhiên, một số địa phương gặp khó trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng này.

Anh Đinh Bưng (làng Nhoi, xã Tú An) phấn khởi khi được dùng nước sạch. Ảnh: A.P

Phát huy hiệu quả vốn vay chương trình nước sạch, vệ sinh

(GLO)- Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), hàng ngàn hộ dân trên địa bàn thị xã có thêm điều kiện đầu tư nâng cấp, xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.