
Việc hoàn thành các bước thủ tục là “một dấu mốc quan trọng” hướng tới việc chính thức triển khai Quỹ đầu tư tái thiết Mỹ – Ukraine, theo bà Svyrydenko. Trên trang mạng xã hội, nhà lãnh đạo này viết: “Ukraine đã hoàn thành tất cả các thủ tục cần thiết đúng thời hạn”, đồng thời cho biết phía Ukraine đã trao văn bản xác nhận hoàn tất quy trình cho bà Julie Davis, quyền Đại biện Mỹ tại Ukraine.
Phó Thủ tướng Ukraine khẳng định: “Đây là thỏa thuận dựa trên nguyên tắc bình đẳng, phù hợp với lợi ích quốc gia của Ukraine và được thiết kế để đảm bảo các dòng vốn đầu tư phục vụ trực tiếp cho công cuộc phục hồi và phát triển đất nước”.
Ngày 30/4 (giờ Mỹ), tại thủ đô Washington, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Phó thủ tướng thứ nhất Ukraine Yulia Svyrydenko đại diện hai nước ký thỏa thuận khoáng sản. Thỏa thuận được ký sau nhiều tháng đàm phán, đôi khi căng thẳng, và không có gì chắc chắn đến phút chót.
Nội dung thỏa thuận bao gồm việc Mỹ có quyền tiếp cận ưu tiên với các dự án khai thác khoáng sản mới của Ukraine, đồng thời thiết lập một quỹ đầu tư dành cho công cuộc tái thiết Ukraine trong giai đoạn 10 năm đầu.
Ngoài mục tiêu phát triển kinh tế, Ukraine kỳ vọng thỏa thuận này góp phần mở rộng các chương trình hỗ trợ quốc phòng từ phía Mỹ, trong đó có khả năng tăng cường các hệ thống phòng không như Patriot nhằm bảo vệ không phận.
Bà Svyrydenko khẳng định Ukraine sẽ giữ toàn quyền sở hữu các nguồn tài nguyên "trên lãnh thổ của chúng tôi và trong lãnh hải thuộc về Ukraine". "Chính Nhà nước Ukraine quyết định nơi nào và những gì cần bổ sung", bà nói. Theo quy định, thỏa thuận này vẫn cần được Quốc hội Ukraine chấp thuận.
Chuyên gia kinh tế Liam Peach và Hamad Hussain tại Capital Economics bình luận sau khi thỏa thuận khoáng sản Mỹ- Ukraine ký kết rằng, thỏa thuận mang lại “một số bảo đảm là chính quyền Trump không có kế hoạch bỏ rơi Ukraine”. Bởi vì thỏa thuận này thiết lập lợi ích kinh tế của Mỹ tại Ukraine. Ông Trump vì vậy có thể tiếp tục theo đuổi nỗ lực trung gian hòa giải cho hòa bình Nga - Ukraine.