Hình thành thói quen sử dụng vật dụng thân thiện với môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Hà (tổ 2, phường Trà Bá, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) thường sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt hàng ngày mà không hề nghĩ tới tác hại của chúng đối với sức khỏe và môi trường. Vì vậy, chị mua dự trữ nhiều đồ dùng bằng nhựa phòng khi đột xuất có nhiều khách tới nhà thì đem ra sử dụng. Hàng ngày, chị cũng mua thức ăn cho con đựng bằng túi ni lông.
Thế nhưng, 3 năm nay, chị Hà không dự trữ chén, đĩa, ly nhựa nữa mà thay vào đó là tìm mua thêm đồ sứ và các chai đựng nước sử dụng nhiều lần. Mỗi lần đi chợ, đối với thức ăn nóng, chị đều mang theo chiếc hộp sử dụng nhiều lần để đảm bảo tốt cho sức khỏe của con. Chị cho biết, thói quen này hình thành là do thấy báo đài đưa tin về tác hại của rác thải nhựa. Bên cạnh đó, tại nơi làm việc cũng tuyên truyền về thực hiện “lối sống xanh”. Từ đó, chị hiểu và cẩn thận hơn trong việc lựa chọn vật dụng sinh hoạt để đảm bảo tốt cho sức khỏe của gia đình.
Em Đào Xuân Gia Khang sử dụng cốc giấy và ống hút giấy khi uống nước tại nhà. Ảnh: Nhật Hào
Em Đào Xuân Gia Khang sử dụng cốc giấy và ống hút giấy khi uống nước tại nhà. Ảnh: Nhật Hào
Tương tự, gần 3 năm nay, em Đào Xuân Gia Khang (lớp 7/6, Trường THCS Trưng Vương, TP. Pleiku) cũng có thói quen sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường. Khang cho biết, sau bữa cơm, gia đình em hay làm các loại nước ép trái cây để uống. Trước đây, mẹ em thường mua các ống hút nhựa vì giá rẻ và rất tiện lợi, chỉ cần sử dụng xong là bỏ. Sau này, khi biết đến phong trào chống rác thải nhựa, mỗi lần đi siêu thị, em đều nhắc mẹ mua ống hút giấy, ống hút thủy tinh về sử dụng. Từ khi chuyển sang sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường, em thấy rất vui vì không chỉ đảm bảo tốt cho sức khỏe của bản thân và gia đình mà còn góp một phần nhỏ vào công tác phòng-chống rác thải nhựa để bảo vệ môi trường.
Hiện nay, phong trào sử dụng vật dụng thân thiện với môi trường đã lan tỏa trong các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp. Nhiều quán cà phê, trà sữa… đã chuyển sang sử dụng ly sứ, ly thủy tinh đựng thức uống tại chỗ cho khách và sử dụng ly giấy, ống hút giấy cho khách mang đi. Tại Gia Lai, nhiều siêu thị, cửa hàng tạp hóa cũng đã chú trọng nhập bán các sản phẩm thân thiện với môi trường. Trong đó, Siêu thị Co.op Mart Pleiku là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc bán các sản phẩm thân thiện với môi trường như: ống hút giấy, ly giấy, chén giấy, túi đựng thực phẩm nhiều lần… Hàng năm, Siêu thị còn triển khai “Tháng tiêu dùng xanh” bằng cách tổ chức cho cán bộ, công nhân viên và khách hàng, con em của khách hàng gấp các túi đựng thực phẩm bằng giấy ngay tại siêu thị để đựng thực phẩm mang về; tặng điểm thưởng hoặc có những ưu đãi hấp dẫn để khuyến khích khách hàng mua các sản phẩm thân thiện với môi trường. 
Khu vực bày bán các sản phẩm thân thiện với môi trường ở Siêu thị Co.op Mart Pleiku. Ảnh: Nhật Hào
Khu vực bày bán các sản phẩm thân thiện với môi trường ở Siêu thị Co.op Mart Pleiku. Ảnh: Nhật Hào
Có thể nói, việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe cũng như bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là giá cả các sản phẩm này còn cao hơn nhiều so với những sản phẩm nhựa dùng một lần. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, cá nhân vẫn chưa có thói quen sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Chính vì vậy, rất cần sự chung tay của toàn xã hội trong công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa. Từ đó, xây dựng giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu việc tiêu thụ sản phẩm nhựa dùng một lần, tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường đến cộng đồng và người dân.
NHẬT HÀO
 

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.