Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Gia Lai ra đời trong bối cảnh đời sống phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn chính thống để phát triển sinh kế. Với nguồn vốn ban đầu chỉ 15 tỷ đồng, Quỹ hoạt động tại 5 huyện, 26 xã.
Mục tiêu đặt ra ngay từ đầu không nhỏ: hỗ trợ phụ nữ có thu nhập thấp, đặc biệt là phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận dịch vụ tài chính phù hợp và thuận tiện, giúp chị em phát triển kinh tế, nâng cao vị thế, chủ động quản lý cuộc sống của chính mình.
Từ đó, góp phần thực hiện mục tiêu lớn hơn mà Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp đã đề ra: phát huy quyền năng kinh tế của phụ nữ, đóng góp vào sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.
10 năm qua, từ con số khởi điểm khiêm tốn, đến nay, Quỹ đã triển khai các hoạt động giải ngân cho vay tại 92 xã, phường, thị trấn của 12 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Dư nợ cho vay của Quỹ đạt trên 38,4 tỷ đồng với hơn 4.000 thành viên. Tỷ lệ nợ quá hạn nằm trong tầm kiểm soát chỉ 0,69%, cho thấy niềm tin và trách nhiệm chị em phụ nữ dành cho nguồn quỹ mang đậm ý nghĩa nhân văn này.
Không chỉ dừng lại ở vai trò cho vay vốn, Quỹ còn là mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện. Những lớp tập huấn về kỹ năng tài chính, khởi nghiệp, quản lý sản xuất, kết nối thị trường; những món quà Tết, học bổng, sinh kế nhỏ nhưng ý nghĩa; quy mô hoạt động mở rộng đến tận vùng sâu, vùng xa… tất cả đã tạo nên một hệ sinh thái nhân văn-nơi phụ nữ được đồng hành, nâng đỡ, truyền cảm hứng để đứng vững và vươn lên.

Nhiều câu chuyện cảm động đã được viết nên từ những dòng vốn nhỏ, từ sự sẻ chia kịp thời đúng lúc. Tại xã Ia Rbol (thị xã Ayun Pa), trước đây, nhiều chị em từng phải vay “nóng” với lãi suất cao. Nhờ được tiếp cận nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Gia Lai, gần 100 hội viên phụ nữ đã mạnh dạn đầu tư nuôi dê, bò, trồng mía, thuốc lá. Không chỉ trả nợ đúng hạn, họ còn có thể lo cho con ăn học, sửa sang nhà cửa.
Bà Nay H’Lina-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Rbol-đánh giá: “Các chị em dần trở thành những người phụ nữ tự tin, làm chủ kinh tế gia đình. Đó là những chuyển biến tích cực trong đời sống hội viên dân tộc thiểu số mà chúng tôi ghi nhận trong 10 năm có sự đồng hành của quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo”.
Được Ngân hàng Nhà nước công nhận là chương trình tài chính vi mô chính thức từ năm 2017, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Gia Lai có bước ngoặt quan trọng trong quá trình nâng cao tính pháp lý, chuẩn hóa mô hình hoạt động, tạo điều kiện để phát triển quy mô một cách bài bản và minh bạch hơn.
Trong 1 thập kỷ qua, toàn tỉnh có 425 hộ gia đình thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay từ quỹ này. Sự vươn lên của mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng có chung điểm tựa tài chính, tinh thần mà Quỹ hỗ trợ mang lại đã tiếp thêm niềm tin và hy vọng thoát nghèo cho nhiều phụ nữ khác.
Thành công của Quỹ cũng là minh chứng sống động cho tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong hành trình phát triển. Trong bối cảnh mặt bằng thu nhập và đời sống đang từng bước cải thiện, công cuộc chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Gia Lai đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức mới.
Theo ông Hồ Minh Trung-Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Gia Lai: “Việc mở rộng địa bàn hoạt động đến các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thiết kế các gói vay phù hợp cho từng nhóm đối tượng, tăng cường tư vấn, đào tạo, hỗ trợ khởi nghiệp, đẩy mạnh quản lý tín dụng số, thanh toán không dùng tiền mặt để hiện đại hóa hoạt động cho vay… là những bước đi cần thiết để thích ứng và phát triển bền vững hơn trong giai đoạn tới. Hy vọng tất cả chúng ta tiếp tục đồng hành trong hành trình đầy ý nghĩa này”.
10 năm là chặng đường của một quỹ nhỏ nhưng mang theo ý nghĩa lớn, đang mở ra một hành trình mới. Ông Hồ Minh Trung cho biết thêm: Đây không chỉ là nơi trao vốn, mà còn trao niềm tin cho phụ nữ nghèo, cận nghèo và phụ nữ vùng dân tộc thiểu số. Họ vươn lên mạnh mẽ cùng với kỷ nguyên đổi mới của đất nước khi được tạo điều kiện từ môi trường, chính sách đến những hành động hỗ trợ cụ thể, thiết thực từ cộng đồng.