Hai mẹ con tử vong do tai nạn giao thông ở Chư Sê: Nỗi đau người ở lại...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau tai nạn kinh hoàng, 2 mẹ con đã tử vong tại chỗ và để lại nỗi đau thương cho những người ở lại. Người mẹ già, người chồng cùng đứa con côi cút đã khóc hết nước mắt vì vĩnh viễn mất đi 2 người thân yêu. 
Đã vài ngày kể từ khi vụ tai nạn xảy ra ngay trước cửa nhà mình, chị Phan Thị Thu Sương (làng Ia Sa, xã Hbông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) vẫn còn ám ảnh. Khoảng 18 giờ ngày 19-1, chị đang cắm cúi làm việc nhà thì nghe tiếng còi khá dài của một chiếc ô tô từ xa tiến lại gần. Sau đó, tiếng va chạm mạnh cùng tiếng người la hét vang lên khiến chị lao ra đường. Lúc này, trước đầu xe khách có 1 người phụ nữ nằm bất tỉnh. Nhìn xuống phía sau xe, chị phát hiện một cháu bé chừng 2 tuổi nằm ở lòng đường nên đã gọi tài xế cùng xuống kiểm tra thì cháu đã tử vong. 
“Lúc ấy, tôi đưa tay vào mũi cháu xem thử thì thấy cháu đã ngừng thở. Mọi người bế cháu lại với mẹ thì người mẹ đưa tay với quờ quạng ôm con vào lòng, cố gượng dậy đôi chút nhưng sau đó gục xuống rồi lịm hẳn. Khi xe cấp cứu tới thì chị đã tử vong. Ai chứng kiến cảnh ấy cũng xót xa khôn tả”-chị Sương bồi hồi. 
Sau tai nạn, lực lượng chức năng xác định 2 nạn nhân là chị Đinh Thị Dung (SN 1993, trú tại làng Queng Xí Nghiệp, xã Hbông) và con gái Vũ Thị Phương Thảo 14 tháng tuổi. Thời điểm xảy ra tai nạn, chị Dung điều khiển xe máy chở theo cháu Thảo đi theo hướng Chư Sê-Phú Thiện thì xảy ra va chạm với xe khách giường nằm của nhà xe Tân Niên do Nguyễn Tấn Phương (SN 1981, trú tại thôn Trung An, xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) điều khiển theo hướng ngược lại.
Không khí tang thương tại gia đình bà Đinh Thị Luân (mẹ đẻ chị Dung) ở làng Queng Xí Nghiệp, xã Hbông, huyện Chư Sê. Ảnh: Lê Gia
Không khí tang thương tại gia đình bà Đinh Thị Luân (mẹ đẻ chị Dung) ở làng Queng Xí Nghiệp, xã Hbông, huyện Chư Sê. Ảnh: Lê Gia
Sáng 21-1, anh Vũ Đức Lanh vẫn không thể tin vợ và con gái đã nằm trong chiếc quan tài chờ đem đi chôn cất. Kết hôn năm 2008, anh chị đã có với nhau 2 người con, con trai lớn hiện đang học lớp 2. Từ những khoảng thời gian vất vả nhất, hai vợ chồng đã cùng nhau vượt qua để nỗ lực xây dựng tổ ấm. Vợ chồng anh sống ở tổ 6, thị trấn Chư Sê. Ngày xảy ra tai nạn, chị Dung chở con gái về thăm nhà mẹ đẻ ở làng Queng Xí Nghiệp. 
Anh Lanh kể: “Thường ngày, tôi vẫn hay chở hoặc đi xe máy đằng trước để kèm vợ đi cùng. Hôm đó, tôi có việc bận nên không thể đi cùng. Trước lúc đi, tôi vẫn còn dặn con về chơi vài hôm rồi ba xuống đón. Nào ngờ cơ sự lại như vậy”. 
Tiễn vợ con không lâu thì anh Lanh nhận được điện thoại thông báo về vụ tai nạn. Anh cuống cuồng gọi xác minh thì hay tin 2 mẹ con đã nằm dưới gầm xe khách nên vội vàng đến hiện trường. Khi mọi người mở khăn che mặt của vợ con ra, anh không tin vào mắt mình. Cô con gái bé bỏng của anh mãi mãi không còn nữa. Người vợ cùng sẻ chia bao ngọt bùi cũng ra đi mãi mãi. 
“Căn nhà đang vui vẻ tiếng nói cười giờ chỉ còn 2 cha con. Rồi cảnh gà trống nuôi con, nghĩ đến đó thôi tôi cũng chẳng dám nghĩ nữa”-anh Lanh nghẹn ngào. 
LÊ GIA

Có thể bạn quan tâm

Mẹ mất, em Thái Thị Mỹ Diệu (ở giữa) trở thành trụ cột gia đình và chăm sóc 2 em. Ảnh: N.N

Xót lòng 3 trẻ mồ côi

(GLO)- Mẹ qua đời, cha bỏ nhà đi , em Thái Thị Mỹ Diệu (SN 2006, hẻm 174 Nguyễn Văn Cừ, tổ 7, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) phải bỏ dở việc học để chăm sóc 2 em nhỏ.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc tại huyện Đak Đoa về việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Đak Đoa: 42/148 hộ hỗ trợ nhà ở, đất ở được cấp giấy CNQSDĐ

(GLO)- Sáng 16-12, Đoàn giám sát HĐND tỉnh do bà Đinh Ly An-Trưởng Ban Dân tộc làm trưởng đoàn đã giám sát tại huyện Đak Đoa về “việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”.

Nhờ nguồn vốn vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, bà Nguyễn Thị Nga (bìa trái, làng Sur B, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) đã đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Ảnh: S.C

“Bà đỡ” của người dân vùng khó

(GLO)- Thông qua chương trình tín dụng ưu đãi, người dân các xã vùng khó khăn của Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) được vay 100 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Chương trình này được ví như “bà đỡ” của người dân vùng khó.