"Giọt máu cho đi, tình người ở lại"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) luôn đạt và vượt chỉ tiêu về hiến máu tình nguyện (HMTN). Có được kết quả này là nhờ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người dân tích cực tham gia phong trào HMTN với phương châm: “Giọt máu cho đi, tình người ở lại”.
Nhiều tập thể, cá nhân điển hình
Anh Nay São-cán bộ Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Phú Thiện có tới 9 lần hiến máu cứu người. Khi còn là sinh viên, anh tham gia hiến máu với tần suất 1 lần/năm. Từ năm 2018 đến nay, anh tham gia hiến máu 2 lần/năm. Anh vui vẻ nói: “Đơn giản vì mình có sức khỏe, muốn đóng góp chút gì đó cho xã hội. Sau mỗi lần hiến máu, chỉ cần ăn uống điều độ, cơ thể trở lại bình thường, khỏe mạnh”.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền mà số lượng người tham gia hiến máu tình nguyện của huyện Phú Thiện luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền mà số lượng người tham gia hiến máu tình nguyện của huyện Phú Thiện luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Ảnh: Vũ Chi

Tương tự, chị Lục Thị Nhung (thôn Thanh Trang, xã Ia Peng) đã có tổng cộng 10 lần tham gia hiến máu từ năm 2016 đến nay. Năm 2021, chị vinh dự được Hội Chữ thập đỏ tỉnh tặng bằng khen. Chị Nhung cho biết: “Đây là việc nên làm vì có những người chỉ cần tiếp máu một lần là qua cơn nguy kịch, song cũng có người phải thay máu cả đời để duy trì sự sống. Mỗi lần đi hiến máu, tôi thường vận động chị em trong gia đình cùng tham gia. Tôi hạnh phúc vì mình và người thân có thể góp phần nhỏ bé để tiếp thêm niềm tin cho những bệnh nhân cần máu nối dài sự sống”.

Ia Ake luôn dẫn đầu trong 10 xã, thị trấn về số lượng người đăng ký tham gia trong các đợt phát động HMTN của huyện. Chị Đỗ Thị Thu-Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Ia Ake-cho hay: Ngay sau khi Ban Chỉ đạo vận động HMTN huyện ra thông báo, Hội đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người nắm được thông tin, hiểu được ý nghĩa nhân văn của phong trào, từ đó tình nguyện tham gia. Năm 2020, toàn xã có 55 người tham gia hiến máu; 6 tháng đầu năm nay, xã cũng dẫn đầu các địa phương trong huyện với 14 người tham gia.
Lan tỏa phong trào HMTN
Năm 2020, Ban Chỉ đạo vận động HMTN huyện Phú Thiện đã vận động được trên 1.300 người đăng ký tham gia; kết quả thu được 685 đơn vị máu an toàn, đạt 114% chỉ tiêu tỉnh giao. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Ban Chỉ đạo huyện tiếp tục vận động được 542 người đăng ký tham gia, thu về 223 đơn vị máu an toàn.
Đặc biệt, các đợt HMTN gần đây đã thu hút sự tham gia của đông đảo bà con dân tộc thiểu số. Chị Đỗ Thị Thu cho biết: Trước đây, bà con dân tộc thiểu số rất sợ khi nghe nói đến hiến máu, một phần lo ảnh hưởng đến sức khỏe, phần sợ lây nhiễm bệnh tật. Sau nhiều lần tuyên truyền, vận động, đặc biệt từ chia sẻ của chính những bạn trẻ người Jrai từng hiến máu đã làm thay đổi nhận thức của họ. Bây giờ, mỗi khi Hội Chữ thập đỏ xã thông báo chương trình hiến máu, bà con tham gia rất đông. Chính điều này đã giúp phong trào HMTN của xã đạt kết quả tốt, luôn dẫn đầu toàn huyện.
Trao đổi với P.V, ông Vũ Quang Nam-Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Phú Thiện-khẳng định: Xác định ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào, Ban Chỉ đạo vận động HMTN huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, đồng thời giao chỉ tiêu cụ thể đến từng cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn. Nhờ vậy, số lượng người tham gia hiến máu ngày càng đông, đủ các thành phần, từ đoàn viên, thanh niên, lực lượng vũ trang, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. “Mỗi giọt máu cho đi không chỉ mang lại cơ hội cho người bệnh mà còn thể hiện tình yêu thương, san sẻ trong cộng đồng. Vì vậy, hàng năm, Ban Chỉ đạo vận động HMTN huyện đều tổ chức vinh danh những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào hiến máu để tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng”-ông Nam nhấn mạnh.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Dự kiến bình quân mỗi cấp xã có khoảng 32 biên chế, chuyển 100% biên chế cấp huyện về xã

Dự kiến bình quân mỗi cấp xã có khoảng 32 biên chế, chuyển 100% biên chế cấp huyện về xã

(GLO)- Định hướng một số nhiệm vụ về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện sắp xếp, Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp dự kiến bình quân mỗi cấp xã có khoảng 32 biên chế.

Mô hình trồng ngô ngọt của phụ nữ Ia Broăi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Vũ Chi

Phụ nữ Ia Broăi thay đổi nếp nghĩ, cách làm

(GLO)- Với sự đồng hành của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Ia Broăi (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai), nhiều hội viên phụ nữ dân tộc thiếu số đã từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện gia đình, mang lại thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống.

Sở Tài chính Gia Lai đề xuất phân bổ lại kinh phí chi thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát từ nguồn hỗ trợ của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam

Sở Tài chính Gia Lai đề xuất phân bổ lại kinh phí chi thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát từ nguồn hỗ trợ của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam

(GLO)- Ngày 11-4, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai có Công văn số 1269/STC-QLNS về việc đề xuất phân bổ lại kinh phí chi thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.