Giám sát thực hiện cơ chế tự chủ tài chính và chế độ chính sách tại Trung tâm Y tế huyện Kông Chro và thị xã An Khê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-

Ngày 5-10, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh Gia Lai tiến hành giám sát “Việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính và chế độ chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động trong cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2023” tại Trung tâm Y tế huyện Kông Chro và Trung tâm Y tế thị xã An Khê.

Đoàn giám sát do ông Huỳnh Thế Mạnh-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh Gia Lai làm trưởng đoàn. Tham gia đoàn có bà Ayun H’Bút-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan. Làm việc với đoàn giám sát có đại diện lãnh đạo HĐND, UBND huyện Kông Chro, đại diện lãnh đạo HĐND, UBND thị xã An Khê.

Quang cảnh buổi giám sát tại Trung tâm Y tế huyện Kông Chro. Ảnh: Ngọc Minh

Quang cảnh buổi giám sát tại Trung tâm Y tế huyện Kông Chro. Ảnh: Ngọc Minh

Theo báo cáo tại buổi giám sát, Trung tâm Y tế huyện Kông Chro hiện có 26 bác sĩ, 15 y sĩ, 38 điều dưỡng, 17 nữ hộ sinh, 5 kỹ thuật Y, 12 dược sĩ, 16 dân số viên, 13 chức danh khác và 5 lao động. Trung tâm có 5 phòng chức năng, 10 khoa và 14 Trạm Y tế xã, thị trấn. Số giường bệnh tại Trung tâm Y tế là 65 giường và 70 giường bệnh tại các Trạm Y tế xã, thị trấn.

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kông Chro Phan Văn Chơi cho rằng, giai đoạn 2020-2022, dịch bệnh Covid-19 phức tạp nên tình hình thu dung bệnh nhân ít, dẫn đến không đủ kinh phí để chi trả lương, phụ cấp theo lương cho người lao động. Bên cạnh đó, chế độ tiền lương và các phụ cấp theo lương còn thấp, đời sống của viên chức gặp nhiều khó khăn, tư tưởng dao động, không an tâm công tác. “Trong 3 năm đã có 7 trường hợp thôi việc, bỏ việc để làm việc tại các cơ sở y tế tư nhân có nguồn thu nhập cao hơn”-ông Chơi cho biết.

Ông Trần Đức Phương-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế thị xã An Khê phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: Ngọc Minh

Ông Trần Đức Phương-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế thị xã An Khê phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: Ngọc Minh

Còn ông Trần Đức Phương-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế thị xã An Khê cho hay: Trung tâm Y tế thị xã gồm: Hệ Bệnh viện có 10 khoa lâm sàng, cận lâm sàng, 4 phòng chức năng và Hệ Y tế dự phòng với Khoa Phòng chống dịch bệnh, Khoa An toàn vệ sinh thực phẩm và 11 Trạm Y tế xã, phường. Giai đoạn 2020-2022, đơn vị đã cố gắng hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao; đảm bảo đời sống, thực hiện nghiêm túc mọi chế độ chính sách đối với viên chức, người lao động. Đối với việc triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, đơn vị có làm phương án tự chủ cho giai đoạn 2020-2022; còn việc thực hiện chế độ chính sách cho công chức, viên chức, người lao động trong cơ sở y tế công lập giai đoạn 2020-2022 thì đơn vị thực hiện theo các Nghị định, Thông tư quy định.

“Qua 3 năm chống dịch Covid-19, các cán bộ, viên chức ngành Y đều làm việc như nhau, không phân biệt người có phụ cấp ưu đãi nghề cao hay thấp. Tuy nhiên, theo Nghị định số 05/2023/NĐ-CP của Chính phủ, người được tăng phụ cấp lên 100%, người lại giữ nguyên phụ cấp. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý làm việc của các cán bộ”-ông Phương nói.

Bác sĩ tại Trung tâm Y tế thị xã An Khê kiểm tra hồ sơ, bệnh án khám-chữa bệnh cho người dân trên địa bàn. Ảnh: Ngọc Minh

Bác sĩ tại Trung tâm Y tế thị xã An Khê kiểm tra hồ sơ, bệnh án khám-chữa bệnh cho người dân trên địa bàn. Ảnh: Ngọc Minh

Tại các nơi giám sát, các đơn vị đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc như: Thiếu hụt cán bộ ảnh hưởng đến công tác khám-chữa bệnh; tự chủ nguồn thu, hoạch toán chi; đánh giá mức độ tự chủ; các chế độ, phụ cấp; đơn giá khám chữa bệnh; cách thức tổ chức cơ chế tự chủ tài chính giai đoạn 2020-2022; các điều kiện thực hiện cơ chế tự chủ ảnh hưởng đến cơ sở vật chất, trang-thiết bị, vật tư y tế; số lượng, cơ cấu cán bộ; công tác quản lý điều hành của Ban giám đốc trung tâm y tế; đấu thầu tập trung; mối quan hệ giữa trung tâm y tế và bảo hiểm xã hội…

Kết luận tại các buổi giám sát, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh Huỳnh Thế Mạnh đề nghị Trung tâm Y tế huyện Kông Chro và thị xã An Khê cần bổ sung số liệu vào báo cáo rõ hơn; phát huy vai trò chức năng, nhiệm vụ khám-chữa bệnh cho người dân trên địa bàn ngày càng tốt hơn; quan tâm đến đời sống, nâng cao thu nhập để công chức, viên chức, người lao động gắn bó với ngành nghề, với công việc của mình. Các sở, ngành liên quan tìm giải pháp hướng dẫn cho các Trung tâm Y tế tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo quy định. Đối với các đề xuất, kiến nghị đoàn ghi nhận, tiếp thu, tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét, nghiên cứu.

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.