Giảm mức hỗ trợ BHYT hộ gia đình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sắp tới đây, có thể người tham gia BHYT theo hộ gia đình sẽ chỉ được hỗ trợ giảm 20% mức đóng thay vì giảm tới 60% như quy định hiện hành.
Dự thảo Luật BHYT (sửa đổi) vừa được Bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến có những thay đổi tác động không nhỏ đến quyền lợi của người tham gia BHYT, nhất là đối tượng BHYT theo hộ gia đình.
Nhiều thay đổi
Theo Bộ Y tế, sau 5 năm thực hiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, tỉ lệ bao phủ BHYT đã tăng từ 71,3% (năm 2014) qua các năm và hiện đạt 89,8%. Năm 2015, có khoảng 130 triệu lượt khám chữa bệnh (KCB) BHYT, con số của năm 2018 là trên 176 triệu lượt. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật BHYT còn những hạn chế, trong đó khoảng 10% dân số chưa tham gia BHYT dù theo quy định của luật là bắt buộc; chất lượng KCB chưa đáp ứng nhu cầu của người dân; tình trạng trục lợi BHYT ngày càng phức tạp, xuất phát từ cả phía người dân (cố tình đi khám bệnh nhiều lần) và các cơ sở y tế (chỉ định dịch vụ kỹ thuật quá mức cần thiết…). Với những hạn chế này, các chuyên gia cho rằng cần sửa đổi Luật BHYT hiện hành.
Dự thảo Luật BHYT sửa đổi có nhiều thay đổi tác động đến quyền lợi của người tham gia BHYT
Dự thảo Luật BHYT sửa đổi có nhiều thay đổi tác động đến quyền lợi của người tham gia BHYT
Dự thảo sửa đổi Luật BHYT vừa được đưa ra lấy ý kiến tiếp tục để xuất mức đóng bằng tối ta 6% tiền lương tháng, trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động (NLĐ) đóng 1/3. Trong thời gian NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định thì mức đóng bằng 6% tiền lương tháng trước khi nghỉ thai sản. Một điểm thay đổi đáng kể đối với nhóm hộ gia đình đó là mức đóng BHYT của người thứ nhất tối đa bằng 6% lương cơ sở và từ người thứ hai trở đi đóng bằng 80% mức đóng của người thứ nhất. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, mức đóng BHYT được Chính phủ quy định hiện bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Ngoài ra, một thay đổi khác liên quan đến quyền lợi của người tham gia BHYT tại dự thảo này, khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến chỉ được thanh toán 95% chi phí thay vì 100% như hiện hành.
Theo ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế, thành viên Ban Soạn thảo dự thảo sửa đổi Luật BHYT, việc điều chỉnh này nhằm bảo đảm công bằng cho các nhóm đối tượng tham gia BHYT khác, nhất là nhóm học sinh - sinh viên. Hiện đối tượng này đang được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%, trong khi đó với những gia đình đông thành viên, mức hỗ trợ tối đa lên tới 60%. Hơn nữa theo đại diện Bộ Y tế, hầu hết những người tham gia BHYT theo hộ gia đình là nhóm có điều kiện kinh tế, không phải là đối tượng nghèo, cận nghèo, trong khi mức đóng lại thấp hơn nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ là không công bằng.
Sẽ có gói BHYT bổ sung
Với khoảng 10 triệu người chưa tham gia BHYT, nhiều ý kiến cho rằng phần nào nguyên nhân của tình trạng này là do một bộ phận người dân không thấy được tính hấp dẫn của chính sách BHYT; do chất lượng KCB chưa đạt được như mong muốn và nhu cầu ngày càng cao.
Góp ý cho dự thảo sửa đổi Luật BHYT, đại diện BHXH tỉnh Nam Định cho rằng với mức tham gia BHYT dưới 1 triệu đồng/năm thì người dân sẽ vẫn chấp nhận được (hiện mức đóng là hơn 800.000 đồng/năm) tuy nhiên, nếu điều chỉnh mức đóng kịch trần cùng với việc giảm mức hỗ trợ với thành viên tham gia BHYT hộ gia đình chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc người dân tham gia BHYT. "Thay vì mức đóng 321.000 đồng/năm (thấp nhất) thì tới đây, với việc điều chỉnh mức lương cơ sở và điều chỉnh mức đóng tối đa, thành viên tham gia hộ gia đình phải chi trả hơn 1 triệu cho tấm thẻ BHYT. Điều này có thể làm khó cho nhiều gia đình" - đại diện BHXH tỉnh Nam Định phân tích.
Tại dự thảo Luật BHYT sửa đổi, Bộ Y tế đã đề xuất gói BHYT bổ sung trên cơ sở tự nguyện đối với những người tham gia. Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, trong một tọa đàm về phát triển bền vững đối tượng tham gia BHYT gần đây, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng nên thực hiện chính sách BHYT nhiều mệnh giá cho nhiều gói dịch vụ khác nhau, phù hợp với nhu cầu hằng ngày của người dân. Tuy nhiên, trước hết, BHXH Việt Nam cần phải bảo đảm cho bằng được gói dịch vụ y tế cơ bản.
Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đang xây dựng những quy trình, quy định để có thể thực hiện chính sách BHYT nhiều mệnh giá. Khi có sự kết nối đó, người dân sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn, tham gia những gói BHYT do các tổ chức, các doanh nghiệp đưa ra, cùng với gói BHYT cơ bản do BHXH Việt Nam cung cấp.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp vào dự thảo luật, ông Phạm Lương Sơn cho rằng việc xây dựng, sửa đổi Luật BHYT cần bảo đảm các nguyên lý chung, tính đến các đối tượng, điều kiện đặc thù nhưng cũng cần hướng tới bước đột phá, tìm ra những nguyên lý để kết hợp BHYT với nhiều loại hình khác, từ đó nâng cao tính linh hoạt, bao phủ, phục vụ người tham gia ngày càng tốt hơn. 

Người dân sẽ không phải chi tiền túi khi có BHYT
Ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế, cho biết trong dự thảo Luật BHYT sửa đổi, quyền lợi của người tham gia BHYT sẽ được điều chỉnh - quỹ BHYT không chỉ chi trả cho các dịch vụ KCB như hiện nay mà còn chi trả cho các dịch vụ dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu để bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho người dân. Về lâu dài, quỹ BHYT sẽ được sử dụng có hiệu quả, người dân sẽ không phải chi tiền túi khi có BHYT. Kỳ vọng lớn nhất được đặt ra đối với dự thảo Luật BHYT sửa đổi đó là thực hiện được mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân, mọi người dân đều tham gia BHYT, quỹ BHYT phải bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT để giảm chi tiền túi của họ.
Theo NGỌC DUNG (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Người 39 năm làm già làng

Người 39 năm làm già làng

(GLO)- Ở tuổi 89, ông Han-già làng làng Chăm Nek (phường Chi Lăng, TP. Pleiku) vẫn siêng năm lao động, truyền dạy những kiến thức, kinh nghiệm cho bà con dân làng phát triển kinh tế, xây dựng đời sống.

Thêm một bếp ăn thiện nguyện ấm lòng người nghèo Gia Lai

Thêm một bếp ăn thiện nguyện ấm lòng người nghèo Gia Lai

(GLO)- Khai trương ngày 24-4 vừa qua, Bếp ăn thiện nguyện 2K Thị Huy (38 Tôn Thất Tùng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai, đối diện cổng sau Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã góp phần chia sẻ khó khăn với người nghèo, nhất là bệnh nhân nghèo đang nằm điều trị tại các bệnh viện.
Chư Băh giảm nghèo bền vững nhờ các chương trình mục tiêu quốc gia

Chư Băh giảm nghèo bền vững nhờ các chương trình mục tiêu quốc gia

(GLO)- Với sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của người dân, xã Chư Băh (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo, phấn đấu không còn hộ nghèo vào năm 2025.
Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu

Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu

(GLO)- Thời gian đã nhuộm màu mái tóc, song ký ức của một thời xếp bút nghiên lên đường chiến đấu vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của những người lính già. Sau 49 năm kể từ ngày thống nhất đất nước, họ vẫn nhắc nhớ về những tháng ngày gian khổ mà rất đỗi tự hào.

Pleiku xây dựng làng nông thôn mới thông minh

Pleiku xây dựng làng nông thôn mới thông minh

(GLO)- Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai, bộ mặt thôn làng ở TP. Pleiku đã có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.

Bình yên làng Lơ Pơ

Bình yên làng Lơ Pơ

(GLO)- Nằm sâu giữa đại ngàn Trường Sơn, làng Lơ Pơ (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn còn giữ vẻ bình yên đến lạ. Để vào được làng, du khách phải men theo nhiều đoạn đường đất uốn lượn rồi vượt qua những con đường mòn vắt vẻo giữa đồi núi quanh co.