Giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số: Gắn với xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Từ năm 2002 đến nay, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, các địa phương đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chính sách liên quan đến việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Việc thực hiện các chính sách này đã góp phần thúc đẩy đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số phát triển, được người dân đồng tình ủng hộ nhưng cũng bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần sớm được khắc phục để mang lại hiệu quả cao hơn.

Hiệu quả bước đầu

Theo ông Sơn Phước Hoan-Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, tính từ năm 2002 đến năm 2011, cả nước có 557.834 hộ đồng bào dân tộc thiểu số cần được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất. Các địa phương đã hỗ trợ được cho 231.284 hộ, đạt 41,5% so với tổng số hộ có nhu cầu cần hỗ trợ theo kế hoạch đã được phê duyệt. Kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất được đảm bảo từ các nguồn: ngân sách nhà nước (chủ yếu là ngân sách Trung ương) chiếm 80%; vốn trái phiếu Chính phủ để tái định cư các dự án thủy điện lớn chiếm khoảng 14%; còn lại là vốn tín dụng ưu đãi, huy động của doanh nghiệp, dân cư và các nguồn tài chính hợp pháp khác. Theo ông Đào Xuân Tuế-Phó vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ tài chính), tổng vốn đầu tư để thực hiện các chính sách này trong 10 năm qua khoảng 40 ngàn tỷ đồng, bình quân khoảng 4 ngàn tỷ đồng/năm.

 

Bí thư Tỉnh ủy Hà Sơn Nhin phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: N.X
Bí thư Tỉnh ủy Hà Sơn Nhin phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: N.X

Tại địa bàn tỉnh Gia Lai, tính đến hết năm 2011 đã giải quyết đất ở cho 2.032 hộ với diện tích khoảng 149 ha; giải quyết đất sản xuất theo chương trình 132 cho 11.920 hộ (đạt 76,82%) với 3.895 ha (đạt 58,25%); Chương trình 134 đã giải quyết đất sản xuất cho 1.740 hộ (đạt 89,2%) với 960 ha (đạt 69,8%). Đồng thời, tỉnh cũng đã xây dựng 5 điểm dân cư tập trung cho 380 hộ (đạt 41% so với đề án) với 250 ha (đạt 59%); tái định cư dự án thủy điện, đã giải quyết cho 855 hộ với 930 ha; tái định cư dự án thủy lợi cũng đã giải quyết cho 625 hộ với diện tích 625 ha. Tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất trên địa bàn tỉnh là hơn 95 tỷ đồng.           

Tại Hội thảo “Chính sách về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số-Thực trạng và giải pháp” do Hội đồng dân tộc của Quốc hội khóa XIII phối hợp với Cơ quan viện trợ Cộng hòa Ai Len tổ chức tại TP. Quy Nhơn mới đây, các đại biểu có chung nhận định: Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất đã giải quyết được những vấn đề bức xúc của các hộ dân tộc thiểu số nghèo, người dân ở các địa bàn thường xuyên bị thiên tai… góp phần ổn định được một bộ phận dân cư tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới; hạn chế tình trạng du canh, du cư, di dân tự do, phá rừng…

Đồng bào dân tộc thiểu số được cấp đất ở, đất sản xuất, được làm chủ trên mảnh đất quê hương, nên đã phấn khởi, yên tâm làm ăn, từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống; có nơi đã xuất hiện các mô hình sản xuất hiệu quả. Đặc biệt, hiệu quả của chính sách này không chỉ giải quyết những khó khăn, bức xúc về kinh tế trước mắt, hỗ trợ trực tiếp cho công tác xóa đói, giảm nghèo, gắn kinh tế với quốc phòng mà còn có ý nghĩa chính trị-xã hội sâu sắc, góp phần vào việc ổn định an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Những vướng mắc, bất cập

Cũng theo ông Sơn Phước Hoan, tổng số hộ còn phải tiếp tục hỗ trợ đất ở, đất sản xuất là hơn 211.000 hộ, chiếm 58,5% so với tổng số hộ có nhu cầu cần hỗ trợ theo kế hoạch đã được phê duyệt. Đồng thời, khi thực hiện chính sách này, nhiều địa phương chưa gắn quy hoạch đất đai, quy hoạch phát triển sản xuất với quy hoạch dân cư và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu để phục vụ đời sống, sản xuất cho đồng bào để ổn định cuộc sống.

Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai-Hà Sơn Nhin, cho biết: Hiện nay tại các khu tái định cư trên địa bàn tỉnh hầu như không có nơi nào đạt được tiêu chí “di dân đến nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ”. Mặc dù tỉnh đã có nhiều cố gắng nhưng hiện vẫn còn một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số đang thiếu hoặc không có đất sản xuất và đất ở; không gian sinh tồn ngày càng thu hẹp, môi trường sống, sản xuất và sinh hoạt ngày càng xấu đi. Điều này đã tác động không nhỏ đến tâm tư, tình cảm, truyền thống, phong tục tập quán của đồng bào.

Đáng quan tâm hơn, theo Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai-Hà Sơn Nhin và Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Đak Lak- Bùi Thị Kim Nga, do công tác quy hoạch còn nhiều bất cập nên trong khi đồng bào thiếu đất sản xuất thì nhiều nông-lâm trường, công ty lâm nghiệp làm ăn kém hiệu quả nhưng lại đang sở hữu diện tích đất khá lớn mà địa phương không thể thu hồi hoặc mua lại để cấp cho dân. Tình trạng đồng bào thiếu đất sản xuất và nạn dân di cư tự do đã khiến cho nhiều cánh rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ ở các tỉnh Tây Nguyên đã và đang bị xâm hại nghiêm trọng, tàn phá để lấy đất sản xuất, gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Ngoài ra, nhiều đại biểu còn cho rằng, nguồn lực để thực hiện các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số hiện còn hạn chế; định mức giao đất ở, đất sản xuất chưa phù hợp với đặc điểm của từng vùng, miền, còn nhiều bất hợp lý; giá đất trên thực tế rất cao (từ 50 đến 100 triệu đồng/ha; có nơi 300 triệu đồng/ha) nhưng mức hỗ trợ theo định mức của Nhà nước cho phép bình quân chỉ có 4 triệu đồng/ha là quá thấp nên việc điều hòa, chuyển nhượng đất để cấp lại cho dân không thực hiện được…

Và giải pháp

Từ những vướng mắc, bất cập vừa nêu, tại hội thảo, nhiều đại biểu đã kiến nghị các cấp, các ngành cần tiếp tục quan tâm thực hiện tốt các chính sách giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai-Hà Sơn Nhin cho rằng: Đất đai là tư liệu sản xuất cực kỳ quan trọng của đồng bào dân tộc thiểu số. Do vậy, Quốc hội cần xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai cho phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là chú trọng giải quyết tốt vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào.

Đặc biệt, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tỉnh Tây Nguyên đều có chung đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương rà soát, sắp xếp, giải thể bớt các nông-lâm trường, công ty lâm nghiệp làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ để thu hồi diện tích đất sử dụng không hiệu quả hoặc không đúng mục đích để giải quyết đất ở, đất sản xuất cho người dân đang thiếu đất. Đồng thời, nên xem xét chuyển đổi mô hình hoạt động của các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ theo hướng gắn quản lý, bảo vệ rừng với giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân sống gần rừng và xem đây là một hướng giải quyết đất sản xuất cho người dân.

Trong công tác quy hoạch, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai-Hà Sơn Nhin cũng đề nghị cần bảo đảm không gian sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở từng thôn, làng phải gắn liền và hài hòa giữa không gian văn hóa và nơi ở, nơi sản xuất. Trước mắt, cần khẩn trương rà soát và quy hoạch tổng thể về khu dân cư, đất sản xuất ở từng làng, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới trong khoảng thời gian 20-30 năm sau. Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, khi hết hạn thuê đất, các doanh nghiệp thực hiện việc trả đất lại cho chính quyền để giao đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số ổn định, lâu dài.

Nguyễn Xuân

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Ảnh Hà Duy

Chủ đầu tư phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, cụ thể từng tháng

(GLO)- Đó là một trong những yêu cầu tại Công văn số 2671/UBND-KTTH do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành nhằm đề nghị các sở, ban, ngành; các địa phương; các chủ đầu tư triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.

Kho xăng dầu của Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tại xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) hiện chưa được chấp thuận đấu nối vào quốc lộ. Ảnh: V.T

Cửa hàng xăng dầu đấu nối vào đường giao thông: Vướng mắc cần tháo gỡ

(GLO)- Theo Luật Giao thông đường bộ và các quy định liên quan, các công trình xây dựng, trong đó có cửa hàng xăng dầu nằm dọc quốc lộ, tỉnh lộ phải xây dựng ngoài phạm vi hành lang an toàn đường bộ và thực hiện đấu nối đúng vị trí được UBND cấp tỉnh phê duyệt.