Vàng O và Cadimi kéo giảm cả ngành rau quả
Đầu năm nay, thị trường Trung Quốc phát hiện các chất cấm là vàng O và Cadimi trong sản phẩm sầu riêng nhập khẩu khiến 2 nguồn cung chính là Thái Lan và VN đều gặp khó trong việc đưa hàng đến tay người tiêu dùng nước này.

Cập nhật mới nhất từ Hiệp hội Rau quả VN (VINAFRUIT) cho thấy ước tính sơ bộ trong tháng 2, xuất khẩu rau quả của VN chỉ đạt 303 triệu USD; giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2024. Cũng cần lưu ý thêm là tháng 2.2024 trùng vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, nên nếu tính đúng tính đủ thì tỷ lệ sụt giảm còn lớn hơn khá nhiều. Đây cũng là tháng thứ hai liên tiếp kim ngạch xuất khẩu rau quả giảm sâu. Trước đó, kim ngạch tháng 1 chỉ đạt 375 triệu USD, giảm đến 29% so với tháng 1.2024. Trong đó, thị trường tiêu thụ rau quả lớn nhất của VN là Trung Quốc cũng sụt giảm tương ứng, chỉ đạt 174 triệu USD, giảm gần 42% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 2 tháng, xuất khẩu rau quả đạt gần 677 triệu USD, giảm hơn 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là sản phẩm chủ lực sầu riêng không xuất được.
Đến nay, ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT, nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) xác nhận với Thanh Niên: Hoạt động xuất khẩu sầu riêng đã được nối lại bình thường từ ngày 17.1. Điều kiện nhập khẩu của phía bạn là phải có giấy kiểm nghiệm sản phẩm bảo đảm không có chất vàng O và Cadimi.
"Vấn đề chúng ta là người bán, phải đáp ứng yêu cầu của khách hàng thì mới bán được sản phẩm. Còn từ sau ngày 17.1, lượng hàng xuất khẩu có tăng lại chưa còn phụ thuộc vào nguồn hàng của chúng ta và nhu cầu của thị trường. Hiện nay vẫn đang là thời điểm trái vụ nên sản lượng ít cũng có thể là một phần nguyên nhân. Bên cạnh đó, có thể các doanh nghiệp cũng đang làm quen với những yêu cầu mới của thị trường nên cần có sự thận trọng. Chúng ta muốn bán được hàng thì phải tuân thủ tốt yêu cầu của họ, đây là quy luật thị trường", ông Hiếu nói.
Theo quan sát của Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị, từ đầu tháng 2 đến nay, lượng xe chở sầu riêng xuất qua Trung Quốc chỉ bằng 5 - 10% so với cùng kỳ năm 2024. Cơ quan hải quan và các đơn vị chức năng tại cửa khẩu vẫn luôn tạo thuận lợi, nhất là có những luồng xuất khẩu riêng để hàng hóa di chuyển được ưu tiên với hiệu suất cao nhất. Còn tại Chi cục Hải quan Tân Thanh, nhiều lô hàng sầu riêng không đáp ứng đủ các quy định của phía Trung Quốc nên đã phải quay đầu trở về VN.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký VINAFRUIT, chia sẻ: "Tôi có trao đổi trực tiếp với các quan chức thương mại ở Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM và họ cũng khẳng định hoạt động thương mại, đặc biệt là nông sản giữa VN và Trung Quốc, do lãnh đạo cấp cao của 2 nhà nước xác lập. Chính vì vậy hoạt động này sẽ được duy trì và phát triển ổn định về lâu dài. Tuy nhiên, những vấn đề mang tính kỹ thuật và đặc biệt là liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng thì bắt buộc chúng ta cần phải tuân thủ. Hiện tại, các lô hàng đáp ứng đủ tiêu chuẩn - không có dư lượng vàng O và Cadimi vẫn được nhập khẩu bình thường".
Doanh nghiệp làm ăn với thị trường Trung Quốc vẫn còn tư duy đây là thị trường dễ tính nên chưa thật sự nghiêm túc và có sự đầu tư chuẩn mực, bài bản. Đây cũng là lúc chúng ta nên thực sự thay đổi tư duy khi làm ăn với Trung Quốc, đặc biệt với mặt hàng sầu riêng - một sản phẩm có giá trị kinh tế cao.
Ông Henry Bùi, Giám đốc Trung tâm kiểm định Hoàn Vũ
Phải nghiêm túc như thị trường Âu, Mỹ
Trong những ngày gần đây, giá sầu riêng tại vườn ở ĐBSCL tăng trở lại từ 5.000 - 10.000 đồng/kg so với cuối tuần trước. Sầu riêng loại A, giống Thái dao động từ 85.000 - 90.000 đồng/kg, sầu riêng Ri6 từ 60.000 - 65.000 đồng/kg.
Ông Đặng Phúc Nguyên cũng xác nhận hàng đã đi được nên giá sầu riêng tại các vùng nguyên liệu đang tăng trở lại. Dù số lượng chưa nhiều nhưng doanh nghiệp và người dân đang làm quen với các quy định mới liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng. Thị trường Trung Quốc hay các thị trường Âu, Mỹ nói chung thường xuyên cập nhật quy định về kiểm dịch thực phẩm và những thông tin này được cung cấp trực tiếp cho cơ quan chức năng VN. Do vậy, các bộ ngành khi tiếp nhận cần sớm thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng cũng như lên phương án ứng phó phù hợp, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng từ nông dân tới doanh nghiệp. Thời gian vừa qua, nhiều lô hàng buộc phải "quay đầu" đã gây thiệt hại đáng kể cho một số doanh nghiệp. "Chúng ta cần lưu ý là phía Trung Quốc kiểm định vàng O và Cadimi trên cả sầu riêng tươi lẫn sầu riêng đông lạnh. Việc kiểm định với sản phẩm đông lạnh nhằm tránh trường hợp sầu riêng tươi quay đầu sẽ "biến hình" thành sản phẩm đông lạnh", ông Nguyên khuyến cáo.
Ở góc độ kiểm định, ông Henry Bùi, Giám đốc Trung tâm kiểm định Hoàn Vũ, thông tin: Thời gian gần đây, tỷ lệ mẫu nhiễm vàng O và Cadimi ở trung tâm Hoàn Vũ giảm mạnh; số lượng hàng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc tăng đáng kể so với trước. Vàng O là hóa chất xử lý sau thu hoạch nên việc loại bỏ nó khỏi sản phẩm là điều tương đối đơn giản với các nhà sản xuất. Trong khi đó, Cadimi liên quan tới nhiều giai đoạn khác nhau trong quá trình sản xuất nên cần phải thận trọng hơn rất nhiều.
Ông Henry Bùi chia sẻ: Doanh nghiệp xuất hàng đi Trung Quốc cần thực sự thay đổi tư duy. Nếu doanh nghiệp xuất hàng sang thị trường EU, Mỹ luôn gắn kết chặt với người nông dân và khâu sản xuất để đảm bảo chất lượng nguyên liệu đầu vào thì doanh nghiệp bán hàng sang Trung Quốc vẫn còn tư duy "buôn chuyến". Ở thị trường EU, họ kiểm tra ngay tại cửa khẩu với tỷ lệ lên tới 30 - 50% lô hàng là chuyện bình thường. Nếu phát hiện vi phạm họ tiêu hủy luôn lô hàng chứ không có chuyện cho "quay đầu". Do vậy, rủi ro và thiệt hại là rất lớn nếu vi phạm. "Cũng vì vậy mà mỗi năm chúng tôi đồng hành cùng doanh nghiệp xuất 5.000 - 6.000 lô hàng nhưng không xảy ra rủi ro. Trong khi đó, doanh nghiệp làm ăn với thị trường Trung Quốc vẫn còn tư duy đây là thị trường dễ tính nên chưa thật sự nghiêm túc và có sự đầu tư chuẩn mực, bài bản. Đây cũng là lúc chúng ta nên thực sự thay đổi tư duy khi làm ăn với Trung Quốc, đặc biệt với mặt hàng sầu riêng - một sản phẩm có giá trị kinh tế cao", ông Henry Bùi bày tỏ.
Theo các chuyên gia, thời gian qua nguồn cung tại Trung Quốc bị đứt gãy và người tiêu dùng bắt đầu "lên cơn thèm sầu riêng". Tuy nhiên họ sẽ không đánh đổi sức khỏe nên chúng ta phải cung cấp những sản phẩm thật sự chất lượng. Tiềm năng của thị trường sầu riêng tại Trung Quốc còn rất lớn và chúng ta không nên để mất cơ hội.
Philippines xuất lô sầu riêng đông lạnh đầu tiên sang Trung Quốc
Theo truyền thông Philippines, Bộ Nông nghiệp nước này chính thức xuất khẩu lô sầu riêng tách vỏ đông lạnh đầu tiên sang thị trường Trung Quốc. Lô hàng có 1.050 hộp sầu riêng đông lạnh và 300 hộp sầu riêng tách hạt, có giá trị khoảng trên 8 triệu peso (khoảng 141.000 USD). Lô hàng xuất phát ngày 11.2 tại thành phố Davao, miền nam nước này và đến Quảng Châu (Trung Quốc) vào ngày 18.2. Davao là vùng sản xuất sầu riêng hàng đầu Philippines, chiếm hơn 2/3 tổng sản lượng sầu riêng cả nước.
Theo Chí Nhân (TNO)