Gia Lai: Tăng cường đối thoại về chính sách bảo hiểm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngoài nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, công tác phối hợp tuyên truyền, giao lưu trực tuyến, đối thoại trực tiếp cũng được ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) Gia Lai đặc biệt quan tâm. Hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, nâng tỷ lệ tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Giao lưu trực tuyến là hoạt động được BHXH tỉnh duy trì tổ chức trong những năm gần đây. Riêng từ đầu năm đến nay, BHXH tỉnh đã tổ chức 2 đợt giao lưu trực tuyến trên website BHXH tỉnh (www.bhxhgl.gov.vn) thu hút đông đảo người dân, doanh nghiệp tham gia và trực tiếp giải đáp hàng chục thắc mắc gửi về chương trình.
Công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT được BHXH tỉnh thực hiện bằng việc ký kết quy chế phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể. Nhờ đó, chính sách bảo hiểm được tuyên truyền sâu rộng đến đông đảo các tầng lớp nhân dân. Một trong những hình thức tuyên truyền được người dân đánh giá cao là đối thoại trực tiếp. Qua ký kết tuyên truyền, BHXH các địa phương đã phối hợp tổ chức nhiều buổi đối thoại trực tiếp, thu hút hàng trăm lượt người dân tham gia.
 Bảo hiểm Xã hội tỉnh tổ chức giao lưu trực tuyến về chính sách BHXH, BHYT. Ảnh: N.Y
Bảo hiểm Xã hội tỉnh tổ chức giao lưu trực tuyến về chính sách BHXH, BHYT. Ảnh: N.Y
Tại các buổi đối thoại trực tiếp, ngoài việc được phổ biến quy định mới, các chính sách về BHXH, BHYT, những thắc mắc của người dân đều được giải đáp cụ thể. Bà Nguyễn Thị Hải (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Pah) cho biết: “Tôi muốn tham gia BHXH tự nguyện nhưng chưa rõ một số quy định về chính sách này cũng như mức hỗ trợ ra sao. Đầu tháng 8-2018, tôi có tham gia buổi đối thoại trực tiếp do BHXH huyện Chư Pah phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tổ chức tại xã Nghĩa Hòa. Qua đó, tôi hiểu rõ hơn quyền lợi thiết thực khi tham gia BHXH tự nguyện và lên kế hoạch tham gia trong thời gian tới”.  
Nói về công tác tuyên truyền, ông Nguyễn Tiến Trường-Giám đốc BHXH huyện Chư Pah-cho biết: Trong năm 2018, BHXH huyện phối hợp với Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tổ chức được 2 buổi đối thoại trực tiếp nhằm tuyên truyền cho hội viên và nhân dân những chính sách mới về BHXH, BHYT. Qua đối thoại, cơ quan BHXH cũng kịp thời nắm bắt những vướng mắc trong khi triển khai thực hiện, từ đó có hướng điều chỉnh phù hợp nhằm đảm bảo tốt quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT.
“Ngoài ra, cán bộ BHXH còn đến từng xã, từng thôn để tuyên truyền trực tiếp và giải thích cặn kẽ, chi tiết về những quyền lợi thiết thực khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho người dân hiểu để tham gia, nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trên địa bàn huyện. Tính đến đầu tháng 11-2018, số người tham gia BHYT trên địa bàn huyện đạt trên 98% dân số; tỷ lệ lao động tham gia BHXH đạt 12,9%/lực lượng lao động; tỷ lệ lao động tham gia BHTN đạt 10,91%/lực lượng lao động. Tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn Chư Pah được gần 70 tỷ đồng”-Giám đốc BHXH huyện Chư Pah thông tin.
Hội Nông dân tỉnh là một trong những đơn vị ký kết quy chế phối hợp cùng ngành BHXH trong công tác tuyên truyền thời gian qua. Theo ông Phạm Nhuần-Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh, năm 2016, Hội Nông dân tỉnh và BHXH tỉnh ký kết Chương trình phối hợp tuyên truyền vận động hội viên, nông dân tham gia BHXH, BHYT giai đoạn 2016-2020. Từ đó đến nay, ngoài phát thông tin tuyên truyền thường xuyên trên bản tin Hội Nông dân tỉnh, Hội còn lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt Hội. Một số cấp Hội đã tổ chức đối thoại trực tiếp chính sách BHXH, BHYT với cán bộ, hội viên, nông dân các địa phương Đức Cơ, Chư Pưh, thị xã An Khê và TP. Pleiku; phối hợp với BHXH tỉnh tổ chức Hội thi tuyên truyền viên BHXH…
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh, công tác tuyên truyền, nhất là hình thức đối thoại trực tiếp về chính sách BHXH, BHYT đã mang lại hiệu quả thiết thực, hướng tới phạm vi đối tượng cụ thể, có sức thuyết phục, lan tỏa rộng rãi, góp phần nâng tỷ lệ hội viên, nông dân nói riêng và người dân nói chung tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tăng lên. Các buổi tuyên truyền, đối thoại đưa thông tin đầy đủ đến người dân, giúp bà con hiểu đúng bản chất tốt đẹp, tính ưu việt của chính sách BHXH, BHYT, mang lại lợi ích thiết thực cho bản thân, gia đình người tham gia và xã hội. “Hội Nông dân tỉnh có gần 175 ngàn hội viên nông dân; trong đó có gần 90% hội viên tham gia BHYT hộ gia đình. Hội Nông dân tỉnh đặt mục tiêu 100% cán bộ, hội viên nông dân tham gia BHYT hộ gia đình; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với BHXH trong tuyên truyền vận động, đa dạng hóa, tuyên truyền sát đối tượng và tổ chức tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh đó, Hội sẽ thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra; phối hợp với BHXH làm đại lý thu BHXH, BHYT”-ông Phạm Nhuần cho biết thêm.  
Như Ý
-------------------
Chuyên đề có sự phối hợp của Bảo hiểm Xã hội Gia Lai.

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.