Gia Lai: Quảng bá thương hiệu để xuất khẩu nông sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cùng với đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra thị trường nước ngoài đóng vai trò rất quan trọng nhằm mở ra cơ hội xuất khẩu cho nông sản chủ lực của địa phương.

Xây dựng hình ảnh sản phẩm địa phương

Những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh có bước phát triển khá toàn diện theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và thích ứng với biến đổi khí hậu; phương thức sản xuất có sự chuyển biến tích cực từ khâu giống, ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, liên kết chuỗi giá trị bền vững và thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ; gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản.

Toàn tỉnh hiện có 146 mã số vùng trồng với tổng diện tích hơn 7.769 ha và 32 mã số cơ sở đóng gói với tổng công suất đóng gói khoảng 1.245-1.395 tấn quả tươi/ngày phục vụ xuất khẩu sang thị trường các nước: Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Hoa Kỳ; có khoảng 233.522 ha cây trồng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 4C, GlobalGAP, Organic, Rainforest Alliance, FLO (chiếm 41,5% tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh).

Hiện nay, Việt Nam đã ký 5 nghị định thư xuất khẩu chính ngạch chanh dây, sầu riêng, măng cụt, tổ yến sào và chuối sang thị trường Trung Quốc giúp nhà vườn, hợp tác xã, doanh nghiệp nắm bắt các tiêu chuẩn, quy định một cách rõ ràng, minh bạch, mở ra con đường xuất khẩu chính ngạch đối với 4 sản phẩm cây ăn quả và tổ yến sào trên địa bàn tỉnh.

Gia Lai có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Ảnh: V.T

Gia Lai có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Ảnh: V.T

Gia Lai hiện có 311 sản phẩm OCOP cấp tỉnh (trong đó 49 sản phẩm đạt 4 sao và 262 sản phẩm đạt 3 sao) của 154 chủ thể (30 doanh nghiệp, 42 hợp tác xã, 82 cơ sở sản xuất kinh doanh). Cùng với đó, tỉnh cũng có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, cùng nhiều mặt hàng đặc sản, đặc trưng có chất lượng tốt được người tiêu dùng đánh giá cao. Đây là điều kiện thuận lợi để đưa sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, cơ cấu ngành hàng nông sản xuất khẩu trực tiếp của tỉnh chỉ mới dừng ở mức xuất thô là chính đối với các sản phẩm cà phê nhân, hạt tiêu, còn lại là sơ chế và chế biến các mặt hàng trái cây. Một số sản phẩm chế biến sâu được đưa ra nước ngoài với số lượng nhỏ theo dạng hành lý xách tay để bán cho người Việt sinh sống ở nước ngoài.

Để hỗ trợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm, từ đầu năm đến nay, tỉnh có các chương trình tổ chức đoàn công tác ra nước ngoài. Cụ thể, tháng 4-2023, tỉnh tổ chức đoàn giao dịch thương mại tại Singapore nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tiếp cận thị trường, nắm bắt thông tin về ngành hàng, thị trường, các quy định về thủ tục xuất khẩu, đổi mới phương thức kinh doanh và khai thác thị trường xuất khẩu. Hay gần đây là chuyến công tác của lãnh đạo tỉnh tại một số địa phương của Ấn Độ. Trước đó, cuối năm 2022, tỉnh cũng đã tổ chức cho các doanh nghiệp tham dự hội chợ triển lãm tại Lào.

Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: Để quảng bá, giới thiệu nông sản, đặc sản của địa phương, cùng với việc hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất đưa sản phẩm tham gia các chương trình xúc tiến thương mại ở nước ngoài, Sở Công thương cũng đang xây dựng kịch bản làm clip cho từng sản phẩm chủ lực của tỉnh. Bên cạnh đó, hàng tháng, Sở Công thương đều tham gia hội nghị giao ban với tham tán thương mại các nước do Bộ Công thương tổ chức. Do đó, việc xây dựng clip giới thiệu, quảng bá sản phẩm để Sở Công thương làm cầu nối gửi cho các tham tán thương mại là vô cùng cần thiết và hiệu quả.

Tạo cơ hội kết nối B2B

Bà Đỗ Thị Mỹ Thơm-Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm (huyện Mang Yang) chia sẻ: “Qua các lần tham gia xúc tiến thương mại ở nước ngoài, HTX đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất kinh doanh, hoàn thiện sản phẩm đáp ứng yêu cầu của từng thị trường. Chuyến đi Ấn Độ vừa qua là cơ hội để HTX tìm hiểu về thị trường tiềm năng này. Trong tháng 9-2023, HTX tham gia chương trình xúc tiến thương mại tại Trung Quốc. Đây là thị trường mà thời gian qua HTX đã xuất khẩu các sản phẩm chanh dây, mỗi tháng 800-900 tấn tươi. Do đó, chúng tôi sẽ có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm quả chanh dây tươi, chanh dây đông lạnh, dịch chanh dây cấp viên sấy thăng hoa, trà detox chanh dây để đi vào kênh siêu thị và chợ đầu mối ở Trung Quốc”.

Qua các chuyến đi, các doanh nghiệp, HTX có cơ hội kết nối B2B (hình thức kinh doanh giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp thông qua bán buôn, giao dịch trực tiếp cũng như thương mại điện tử). Bà Nguyễn Thị Bích Thu-Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) cho biết: Trong các chuyến công tác nước ngoài, đoàn đã tổ chức làm việc với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp nước bạn; làm việc với nhà ga, sân bay, các khu thương mại, tham gia hội thảo về hợp tác phát triển thương mại, logistics, kết nối B2B.

Sau các chuyến đi, nhiều chủ thể sản xuất các sản phẩm hồ tiêu, cà phê, mật ong, hạt điều, chanh dây, bò khô, rượu đinh lăng… được quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, đối tác cũng như hiểu rõ các quy định, thủ tục, tiêu chuẩn của các quốc gia và tổ chức quốc tế (về phương pháp sản xuất, chế biến, bảo đảm các tiêu chí về môi trường, kiểm dịch động/thực vật, sử dụng nhân công, quy cách đóng gói, nhãn mác, bao bì có chỉ dẫn bằng tiếng Anh, các chứng chỉ về chất lượng theo quy định).

Một số sản phẩm như: mật ong Phương Di đã xuất bán qua Lào bằng hình thức gửi hàng qua đường bộ hoặc sản phẩm bò khô Huy Vũ và rượu Trường Sinh đã có đơn hàng xuất ghép theo kho hàng của TP. Hồ Chí Minh sang Singapore, cung ứng cho chuỗi nhà hàng nước bạn. Đó là thành công bước đầu của việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc trưng của tỉnh ra nước ngoài. Đây sẽ là bước đệm quan trọng để doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu. “Trong tháng 9 này, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Hội chợ Thương mại ASEAN-Trung Quốc lần thứ 20 (CAEXPO 2023) tại tỉnh Nam Ninh. Chuyến đi sẽ hỗ trợ cho khoảng 7-8 đơn vị, ưu tiên các doanh nghiệp, HTX sản xuất ở các ngành hàng nông sản, sản phẩm có thế mạnh về xuất khẩu như cà phê, hồ tiêu, mật ong, điều, chanh dây, sản phẩm từ dược liệu”-bà Thu thông tin.

Mật ong là một trong những mặt hàng có nhiều tiềm năng xuất khẩu sang các nước Châu Á. Ảnh: Vũ Thảo

Mật ong là một trong những mặt hàng có nhiều tiềm năng xuất khẩu sang các nước Châu Á. Ảnh: Vũ Thảo

Việc được hỗ trợ, quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra nước ngoài mở ra cơ hội mới về kết nối B2B với đối tác nước bạn. Nếu sản phẩm được xuất đi đã xây dựng được thương hiệu thì giá trị sẽ được nâng lên nhiều lần so với xuất thô nguyên liệu qua kênh trung gian như hiện nay. Theo Giám đốc Sở Công thương, đối với xuất khẩu, khi hướng vào thị trường nào thì phải sản xuất theo yêu cầu của thị trường đó. Đặc biệt, để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của các chiến lược quảng bá, giới thiệu đặc sản địa phương, việc chú trọng tới hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm, bảo hộ chỉ dẫn địa lý là một trong những phương thức hiệu quả để kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo nền tảng để khẳng định vị thế và hình ảnh sản phẩm trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, để tận dụng những lợi thế mà các FTA mang lại, ngành Công thương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp thông tin kịp thời về các chính sách, thị trường nước ngoài, các quy chuẩn, hàng rào kỹ thuật của các nhà nhập khẩu để doanh nghiệp xây dựng kế hoạch cụ thể, từ đó tạo ra nguồn hàng có chất lượng đáp ứng đầy đủ yêu cầu của thị trường nước ngoài.

Có thể bạn quan tâm

Tết nhân ái đến với bà con xã Gào

Tết nhân ái đến với bà con xã Gào

(GLO)- Sáng 11-1-2025, tại xã Gào (TP. Pleiku), Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai phối hợp với Hội Chữ thập đỏ TP. Pleiku và các đơn vị, câu lạc bộ, hội, nhóm thiện nguyện...tổ chức chương trình Tết nhân ái giúp người nghèo, khó khăn vui Xuân, đón Tết cổ truyền của dân tộc.