Gia Lai: Nâng cao chất lượng dạy nghề gắn với nhu cầu lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Gia Lai luôn quan tâm đến công tác dạy nghề cho người lao động, nhất là thanh niên dân tộc thiểu số. Nhờ đó, người lao động có thêm kiến thức nghề, thuận lợi tìm việc làm để có thu nhập, ổn định cuộc sống.
Bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: Thời gian qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nắm bắt xu thế chung của xã hội, tập trung đào tạo nghề gắn với nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, nhất là doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động đòi hỏi lao động trực tiếp, tay nghề cao ở các lĩnh vực công nghệ tiên tiến.
Hiện toàn tỉnh có 20 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với gần 1.000 giáo viên đã được chuẩn hóa về chuyên môn. Thạc sĩ Phạm Văn Điều-Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Gia Lai-thông tin: Nhiều năm qua, nhà trường đặt ra nhiệm vụ đào tạo nghề bám sát thực tiễn, kết nối với doanh nghiệp đào tạo nghề có địa chỉ, gắn với nhu cầu xã hội. Bên cạnh đó, hàng năm, Phòng Vật tư thiết bị và Tiếp xúc doanh nghiệp của nhà trường tiếp xúc với các doanh nghiệp để nhận đặt hàng đào tạo nghề và tạo việc làm cho học sinh, sinh viên. Tính từ tháng 10-2020 đến nay, số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo tại nhà trường là hơn 5.000 lao động nhưng hiện chỉ đáp ứng được 1/5 số này.  
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Dạy nghề thường xuyên huyện Đak Đoa phối hợp Trường Cao đẳng Gia Lai dạy nghề xây dựng cho lao động. Ảnh. Đinh Yến.jpg
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Đak Đoa phối hợp Trường Cao đẳng Gia Lai dạy nghề xây dựng cho người lao động. Ảnh: Đinh Yến

Có được kết quả trên, thời gian qua, Trường Cao đẳng Gia Lai đã ký kết biên bản ghi nhớ với một số doanh nghiệp, Hội Nông dân, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Đặc biệt, hiện nay một số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh cần số lượng lao động qua đào tạo là rất lớn. Do đó, học sinh, sinh viên học nghề tại trường rất thuận lợi tìm việc làm khi tốt nghiệp.  
Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2016-2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh, đào tạo gần 70.000 người, trong đó: cao đẳng 4.110 người; còn lại trung cấp, sơ cấp và đào tạo thường xuyên, góp phần nâng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo năm 2020 toàn tỉnh đạt 55%. Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, quy mô, cơ cấu và chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động sâu rộng đến mọi mặt kinh tế-xã hội, dịch Covid-19, bài toán về dân số, lao động… tạo ra nhiều thời cơ, thách thức lớn đối với giáo dục nghề nghiệp nói chung và giáo dục nghề nghiệp ở tỉnh ta nói riêng.
“Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải có một hệ thống giáo dục nghề nghiệp đủ tầm để đáp ứng những đổi mới mạnh mẽ, để không chỉ đảm đương được trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trực tiếp phục vụ sản xuất, kinh doanh mà còn đáp ứng yêu cầu hội nhập, cạnh tranh, tiếp cận trình độ cao”-bà Rcom Sa Duyên nhấn mạnh.
Hợp tác xã May gia công An Phú (xã An Phú, TP. Pleiku) liên kết dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nữ trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đinh Yến
Hợp tác xã May gia công An Phú (xã An Phú, TP. Pleiku) liên kết dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nữ trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đinh Yến
Theo dự báo của ngành chức năng, giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, nhu cầu đào tạo, đào tạo lại và đào tạo thường xuyên của tỉnh hàng năm khoảng 25.000 người, tập trung vào các ngành, nghề phục vụ cho phát triển công nghiệp phụ trợ, dịch vụ, du lịch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động nông thôn chưa qua đào tạo hiện chiếm khoảng 69,6% lao động đang làm việc.
Vì vậy, để tạo bước chuyển biến thực sự trong đào tạo nghề trong tình hình mới, theo bà Rcom Sa Duyên thì ngành Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của các cấp, ngành, người dân và sự đồng hành của doanh nghiệp về phát triển nhân lực có kỹ năng nghề. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề. Chú trọng nội dung phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trong các kế hoạch, chương trình phát triển ngành, địa phương; dự báo, xây dựng, cập nhật dữ liệu mở về nhu cầu lao động có kỹ năng nghề theo từng lĩnh vực, ngành nghề, trình độ đào tạo phù hợp với việc làm của doanh nghiệp, nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, nhất là những ngành nghề, kỹ năng mới, như: điện, điện tử, cơ khí chế tạo, dịch vụ. Tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp...
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm

Dự kiến bình quân mỗi cấp xã có khoảng 32 biên chế, chuyển 100% biên chế cấp huyện về xã

Dự kiến bình quân mỗi cấp xã có khoảng 32 biên chế, chuyển 100% biên chế cấp huyện về xã

(GLO)- Định hướng một số nhiệm vụ về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện sắp xếp, Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp dự kiến bình quân mỗi cấp xã có khoảng 32 biên chế.

Trao bò giống cho 3 hộ nghèo huyện Đak Pơ

Trao bò giống cho 3 hộ nghèo huyện Đak Pơ

(GLO)- Ngày 14-4, tại Trung tâm Giống vật nuôi huyện Đak Pơ, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) tổ chức bàn giao mô hình sinh kế thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Mô hình trồng ngô ngọt của phụ nữ Ia Broăi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Vũ Chi

Phụ nữ Ia Broăi thay đổi nếp nghĩ, cách làm

(GLO)- Với sự đồng hành của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Ia Broăi (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai), nhiều hội viên phụ nữ dân tộc thiếu số đã từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện gia đình, mang lại thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống.

Sở Tài chính Gia Lai đề xuất phân bổ lại kinh phí chi thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát từ nguồn hỗ trợ của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam

Sở Tài chính Gia Lai đề xuất phân bổ lại kinh phí chi thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát từ nguồn hỗ trợ của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam

(GLO)- Ngày 11-4, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai có Công văn số 1269/STC-QLNS về việc đề xuất phân bổ lại kinh phí chi thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

Đoàn lãnh đạo cấp cao tỉnh Gia Lai thăm, chúc Tết tỉnh Preah Vihear

Đoàn lãnh đạo cấp cao tỉnh Gia Lai thăm, chúc Tết tỉnh Preah Vihear

(GLO)- Tiếp tục chuyến công tác tại Vương quốc Campuchia, sáng 10-4, Đoàn lãnh đạo cấp cao tỉnh Gia Lai do đồng chí Trương Văn Đạt-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết tỉnh Preah Vihear nhân dịp Tết Cổ truyền Chol Chnam Thmay.

Canh cánh nỗi lo thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô

Canh cánh nỗi lo thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô

(GLO)- Hiện nay, nhiều giếng đào và giếng khoan tại một số thôn, làng trong tỉnh Gia Lai bắt đầu cạn khiến người dân thiếu nước sinh hoạt. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương đã chuẩn bị các phương án hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do thiếu nước sinh hoạt hàng ngày.