Gia Lai khẩn trương hoàn thiện mặt bằng, bố trí tái định cư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Các dự án sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng giao thông, hệ thống điện, nước sinh hoạt.

Ngay sau khi hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, các địa phương có dự án sẽ tập trung triển khai công tác hỗ trợ di dời nhằm giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.

Hoàn thiện mặt bằng

Sau thời gian nỗ lực thi công, mặt bằng khu tái định cư suối Cạn (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) đã hoàn thành trong niềm phấn khởi của người dân. Trên tuyến đường bê tông dẫn vào khu tái định cư, những trụ điện hàng nối hàng thẳng tắp cùng với hệ thống điện chiếu sáng, nước sinh hoạt đã được lắp đặt hoàn thiện sẵn sàng chào đón người dân về nơi ở mới.

Ông Phan Văn Vinh-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Thiện, đơn vị chủ đầu tư dự án-cho biết: Giai đoạn 1 của dự án đã thi công gần 100% khối lượng công trình và đang chuẩn bị nghiệm thu bàn giao, đưa vào sử dụng. Hiện cơ sở hạ tầng đảm bảo việc bố trí mặt bằng cho 38 hộ dân khu vực suối Cạn đến xây dựng nhà ở.

Trong đó, đã san gạt nền với tổng diện tích 3,8 ha, xây dựng đường giao thông nội bộ có tổng chiều dài hơn 853 m cùng hệ thống trụ, đường dây điện chiếu sáng, nước sinh hoạt (giếng khoan, bể lọc) với tổng mức đầu tư 10 tỷ đồng.

“Chúng tôi đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành một số phần việc còn lại để làm cơ sở triển khai tiếp giai đoạn 2, đó là thực hiện phương án di dời người dân về nơi ở mới. Bước tiếp theo sẽ tổ chức bốc thăm và giao đất tái định cư cho người dân”-ông Vinh thông tin.

Dự án bố trí, ổn định dân cư vùng thiên tai suối Cạn (xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) đã hoàn thiện mặt bằng cùng hệ thống đường giao thông, điện, nước sinh hoạt đủ điều kiện để người dân đến định cư. Ảnh: M.P

Dự án bố trí, ổn định dân cư vùng thiên tai suối Cạn (xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) đã hoàn thiện mặt bằng cùng hệ thống đường giao thông, điện, nước sinh hoạt đủ điều kiện để người dân đến định cư. Ảnh: M.P

Theo ông Vinh, Dự án sắp xếp, bố trí lại dân cư xã Chư A Thai đã thi công được hơn 70% khối lượng. Hiện chủ đầu tư đang đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, bàn giao mặt bằng trước tháng 6-2024 để người dân di dời, xây dựng nhà cửa.

Khu tái định cư này được bố trí tại làng Kinh Pêng có diện tích 4,9 ha với tổng mức đầu tư 22 tỷ đồng. Sau khi hoàn thiện cơ sở hạ tầng sẽ bố trí 60 hộ dân tạm cư nơi chân núi Hlong và 16 hộ dân ở làng Drôk (xã Chư A Thai) về định cư.

Dự án khu tái định cư xã Đê Ar (huyện Mang Yang) hiện cũng đã hoàn thành việc san ủi mặt bằng và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như: hệ thống đường giao thông, điện, nước sinh hoạt.

Ông Đỗ Văn Bính-Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Mang Yang-cho biết: Khu tái định cư xã Đê Ar có tổng diện tích 11,2 ha, sau khi hoàn thiện sẽ hỗ trợ đất ở cho 120 hộ thuộc diện dân di cư tự do thiếu đất ở, đất sản xuất sinh sống trên địa bàn huyện; bình quân mỗi hộ được cấp khoảng 400 m2.

“Hiện các địa phương đang hoàn tất thủ tục bình xét đối tượng được cấp đất. Theo kế hoạch, bước tiếp theo, huyện sẽ tiến hành phân lô, cấp đất và di dời các hộ dân di cư tự do đến khu tái định cư xã Đê Ar”-ông Bính cho hay.

Triển khai kế hoạch di dời

Cụm dân cư tự phát suối Cạn dù rất gần với trung tâm huyện Phú Thiện nhưng được xem như một thế giới biệt lập, thường xuyên bị cô lập vào mùa mưa lũ. Nhưng giờ, chuyện buồn bên dòng suối Cạn dần được khép lại khi khu tái định cư gần như hoàn thiện cơ sở hạ tầng, chờ các hộ dân di dời về nơi ở mới thuận lợi hơn.

Chị Kpă H’Lúi (cụm dân cư suối Cạn) cho biết: Đa số người dân ở đây đều nghèo. Nhà cửa tạm bợ, bốn bề che chắn bằng những tấm tôn mỏng cũ nát. Không có cơ sở hạ tầng thiết yếu, người dân sống trong cảnh không điện-đường-trường-trạm. Chuyện học hành của con trẻ cũng bị bỏ bê theo cuộc mưu sinh của người lớn.

“Giờ mỗi lần đi ngang khu tái định cư, thấy đường sá khang trang, điện, nước được đầu tư bài bản, ai nấy đều vui mừng. Bà con mong sớm dọn về nơi ở mới, ổn định cuộc sống với tương lai tươi sáng hơn”-chị H’Lúi phấn khởi nói.

Công nhân đang hoàn thiện hệ thống mương thoát nước tại dự án bố trí, ổn định dân cư vùng thiên tai Suối Cạn (xã Ia Sol, huyện Phú Thiện). Ảnh: M.T

Công nhân đang hoàn thiện hệ thống mương thoát nước tại dự án bố trí, ổn định dân cư vùng thiên tai Suối Cạn (xã Ia Sol, huyện Phú Thiện). Ảnh: M.T

Năm 2023, HĐND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư các dự án: bố trí, ổn định dân cư vùng thiên tai suối Cạn (huyện Phú Thiện); bố trí dân di cư tự do tập trung huyện Mang Yang; bố trí dân di cư tự do tại thôn Đoàn Kết (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông) với tổng vốn đầu tư gần 70 tỷ đồng. Đặc biệt, cũng trong năm 2023, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hơn 142,5 tỷ đồng, tỉnh đã triển khai 16 dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư tại 11 địa phương.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Khóa-Chủ tịch UBND xã Ia Sol-khẳng định: “Dự kiến trong tháng này, chính quyền sẽ tổ chức họp dân thông báo việc di dời về nơi ở mới, đồng thời tổ chức bốc thăm, phân lô. Việc quy hoạch hạ tầng kỹ thuật nơi ở mới đảm bảo đầy đủ các điều kiện về điện, đường, hệ thống nước sinh hoạt cũng như vị trí đất ở được bố trí một cách hợp lý, khoa học.

Người dân ở cụm dân cư tự phát suối Cạn ngày một được “kéo” gần hơn với các điều kiện sống thiết yếu, thuận tiện đi lại, sản xuất và tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe”.

Còn Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Thiện thì cho biết: “Huyện đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành tháo gỡ khó khăn, hướng dẫn nguồn kinh phí thực hiện cũng như mức hỗ trợ trực tiếp về nhà ở cho các hộ thụ hưởng dự án để làm cơ sở triển khai bước tiếp theo.

Trong đó, huyện cũng đề nghị tỉnh bố trí kinh phí 11,3 tỷ đồng và phê duyệt chủ trương đầu tư để thực hiện dự án giai đoạn 2, đảm bảo yêu cầu mục tiêu đề ra”.

Chủ đầu tư và đơn vị thi công kiểm tra tiến độ, việc đảm bảo thiết kế như hợp đồng cam kết Dự án sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư buôn Ma Giai, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa. Ảnh: M.T

Chủ đầu tư và đơn vị thi công kiểm tra tiến độ, việc đảm bảo thiết kế như hợp đồng cam kết Dự án sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư buôn Ma Giai, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa. Ảnh: M.T

Trao đổi về kế hoạch di dời người dân đến nơi ở mới, ông Lê Trọng-Chủ tịch UBND huyện Mang Yang-thông tin: “Huyện đã chỉ đạo các xã có hộ dân nằm trong danh sách di dời tiến hành rà soát, hỗ trợ từng trường hợp cụ thể. Đối với các hộ thật sự khó khăn thì huyện sẽ làm việc với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn để hỗ trợ người dân di dời đúng lộ trình, kế hoạch đề ra.

Đặc biệt, trong quá trình xây dựng nhà ở, huyện sẽ lồng ghép các nguồn lực của các chương trình mục tiêu quốc gia và đề nghị Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện hỗ trợ vay vốn làm nhà ở, chuyển đổi nghề nghiệp nhằm giúp người dân an cư, phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo”.

Có thể bạn quan tâm

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo ở làng Bua, xã Ia Pnôn. Ảnh: V.H

Đức Cơ quan tâm tạo sinh kế cho hộ nghèo

(GLO)- Cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) chiếm 10,19%. Nhưng đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 7,92%. Để có được kết quả này, huyện đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, đặc biệt là tạo sinh kế giúp hộ nghèo chủ động vươn lên trong cuộc sống.

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

An Khê chủ động phòng ngừa cháy nổ tại chợ

Phòng ngừa cháy nổ tại các chợ An Khê

(GLO)- Thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) có 12 chợ truyền thống. Thời điểm này, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, các ban quản lý chợ, chính quyền địa phương, lực lượng Công an chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy nổ.

Khoảng lặng ở Tây Hồ

Khoảng lặng thôn Tây Hồ

(GLO)- Khoảng lặng chúng tôi muốn nói đến chính là cuộc sống của những người từng mắc bệnh phong, sống lặng lẽ ở xóm cùi thuộc thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai).

Xã Gào đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo

Xã Gào đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo

(GLO)- Bên cạnh phát huy hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, thời gian qua, xã Gào (TP. Pleiku) đã đẩy mạnh công tác truyền thông giảm nghèo bằng nhiều hình thức. Qua đó, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao thu nhập của người dân và giảm nghèo bền vững.