Gia Lai: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý, vận hành lưới điện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm gần đây, Công ty Điện lực Gia Lai đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, vận hành lưới điện, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đảm bảo an toàn lao động, mang lại độ tin cậy cho khách hàng.
Điện lực Chư Sê quản lý vận hành 507 trạm biến áp, gần 800 km đường dây trung và hạ thế trải dài trên 15 xã, thị trấn. Nhằm giảm thiểu nguy cơ mất an toàn cho người lao động nhưng vẫn kịp thời phát hiện các khiếm khuyết của thiết bị có thể gây ra sự cố lưới điện, ngay từ đầu năm 2022, đơn vị đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý vận hành như: sử dụng thiết bị flycam kiểm tra lưới điện, công nghệ rửa sứ hotline, camera nhiệt, máy siêu âm thiết bị điện (CBM)… 
Anh Nguyễn Hồng Thiên-Đội phó Đội Quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp-cho biết: “Khi sử dụng flycam, nhân viên điện lực chỉ cần đứng ở chân đồi, bờ ruộng là có thể kiểm tra chi tiết được các vị trí cột, quan sát hành lang tuyến từ trên cao, kiểm tra ở những cung đoạn đường dây có địa hình phức tạp, khó tiếp cận trực tiếp hoặc mất nhiều thời gian để tiếp cận; thực hiện tiếp cận kiểm tra sứ cách điện, dây dẫn, dây chống sét, tình trạng thiết bị điện, phụ kiện... Nhờ đó mà mỗi ngày, nhóm quản lý có thể kiểm tra hàng chục km đường dây, tăng năng suất lao động, hiệu quả công việc”.
Cũng nhờ sử dụng thiết bị flycam kiểm tra lưới điện mà công nhân quản lý vận hành có thể tiếp cận gần với thiết bị đang mang điện, quay phim và chụp lại hình ảnh rõ nét với độ chính xác, tin cậy cao. Đến nay, đơn vị đã tiến hành bay kiểm tra hơn 150 km đường dây trung thế, 10.000 thiết bị trên lưới, qua đó phát hiện 5 vị trí sứ bị phóng, lão hóa.
Nhân viên Điện lực Chư Sê kiểm tra hệ thống lưới điện được chụp bằng flycam. Ảnh: Khang Nghi
Nhân viên Điện lực Chư Sê kiểm tra hệ thống lưới điện được chụp bằng flycam. Ảnh: Khang Nghi
Công nghệ rửa sứ hotline cũng đã được các đơn vị thuộc Công ty Điện lực Gia Lai áp dụng từ lâu. Mỗi năm, Công ty Điện lực Gia Lai giao cho các đơn vị phải tổ chức rửa, vệ sinh sứ cách điện trên đường dây và trạm biến áp từ 3 đến 4 đợt để chống rò rỉ, tổn thất điện năng và loại bỏ các nguy cơ mất an toàn về điện. Thiết bị này rất hữu ích đối với khu vực Tây Nguyên vì lưới điện chủ yếu đi qua các vùng đất đỏ, bụi nhiều vào mùa khô, nhanh làm cho sứ bị bẩn, tạo dòng rò trên bề mặt cách điện, lâu ngày nếu không được xử lý sẽ gây sự cố làm mất điện trên diện rộng. Từ đầu năm đến nay, Điện lực Chư Sê đã thực hiện 2 đợt vệ sinh hotline với hơn 3.500 thiết bị được vệ sinh, bảo dưỡng.
Bên cạnh đó, vào mùa khô, Điện lực Chư Sê đã sử dụng camera nhiệt kiểm tra lưới điện khi phụ tải tăng cao, hệ thống điện mặt trời phát công suất lớn lên lưới. Đặc biệt, đơn vị chú trọng kiểm tra tại các vị trí dao cách ly, máy cắt, đầu cực máy biến áp, lèo, mối nối, aptomat… nhằm phát hiện sớm hiện tượng phát nhiệt bất thường do quá tải hay lỗi thiết bị. Nhờ đó, đơn vị đã phát hiện 6 vị trí phát nhiệt bất thường trên lưới điện, tiến hành xử lý và sửa chữa kịp thời, không để xảy ra sự cố.
Thời gian qua, Điện lực Phú Thiện đã từng bước chuyển đổi số trong công tác quản lý kỹ thuật từ chương trình PMIS. Ông Hoàng Văn Mã-Giám đốc Điện lực Phú Thiện-cho hay: “Chương trình PMIS là ứng dụng dùng thay thế cho các công việc trước đây thực hiện bằng giấy tờ, thủ công có tính chất định kỳ, lặp lại, gây khó khăn cho công tác lưu trữ và tổng hợp dữ liệu. Ngoài chức năng quản lý toàn bộ lý lịch thiết bị hỗ trợ người sử dụng truy xuất các thông số đo đếm, chương trình còn thể hiện được các thông số vận hành, tổng hợp thông tin các sự cố, thí nghiệm định kỳ, sửa chữa, bảo dưỡng”.
Ngành điện thực hiên vệ sinh sứ bằng công nghệ hotline. Ảnh: Khang Nghi
Công nhân Điện lực Gia Lai vệ sinh sứ cách điện hotline. Ảnh: Khang Nghi
Nhờ đó, Điện lực Phú Thiện đã chuẩn xác các thông số, thiết bị, tình trạng vận hành đồng nhất với số liệu quản lý kỹ thuật, liên kết với chương trình kiểm tra hiện trường phục vụ kiểm tra định kỳ đường dây và trạm biến áp. Quý I-2022, đơn vị triển khai thực hiện 856 lượt kiểm tra không giấy, phát hiện và xử lý kịp thời 2 tồn tại trên lưới điện. Đây cũng là cơ sở cho việc lập các kế hoạch sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn, đầu tư xây dựng hàng năm. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã tập trung số hóa hồ sơ quản lý kỹ thuật, cập nhật lên chương trình 503 file lý lịch, thông số vận hành thiết bị. Qua đó, các thiết bị trên lưới điện như máy cắt, Recloser, LBS, DCL, FCO... đều được cập nhật chính xác thông tin, lịch sử vận hành trong PMIS. 
Để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, hiệu quả trong quản lý, vận hành, Công ty Điện lực Gia Lai đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường áp dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, Công ty đang dẫn đầu khu vực Tây Nguyên trong vấn đề này. “Điện lưới được đảm bảo chính là động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân và củng cố quốc phòng-an ninh trên địa bàn. Đó cũng chính là mục tiêu lớn nhất mà chúng tôi nỗ lực hướng tới”-ông Hoàng Văn Mã chia sẻ.
KHANG NGHI 

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu nghe nhạc bằng băng cassette quay trở lại

Trào lưu nghe nhạc bằng băng cassette quay trở lại

(GLO)- Sau một thời gian gần như bị lãng quên, nhiều người có xu hướng quay trở lại nghe nhạc bằng băng cassette. Với họ, đây không chỉ là phương tiện để nghe nhạc, mà còn là nơi để tìm lại ký ức của một thời đã qua. 

Gia Lai: Phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết 13 TTHC trong lĩnh vực bảo trợ xã hội và phòng-chống tệ nạn xã hội

Gia Lai: Phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết 13 TTHC trong lĩnh vực bảo trợ xã hội và phòng-chống tệ nạn xã hội

(GLO)- Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung vừa ký ban hành Quyết định số 363/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết đối với 13 thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực bảo trợ xã hội và phòng-chống tệ nạn xã hội thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Y tế.

Dự kiến bình quân mỗi cấp xã có khoảng 32 biên chế, chuyển 100% biên chế cấp huyện về xã

Dự kiến bình quân mỗi cấp xã có khoảng 32 biên chế, chuyển 100% biên chế cấp huyện về xã

(GLO)- Định hướng một số nhiệm vụ về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện sắp xếp, Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp dự kiến bình quân mỗi cấp xã có khoảng 32 biên chế.

Trao bò giống cho 3 hộ nghèo huyện Đak Pơ

Trao bò giống cho 3 hộ nghèo huyện Đak Pơ

(GLO)- Ngày 14-4, tại Trung tâm Giống vật nuôi huyện Đak Pơ, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) tổ chức bàn giao mô hình sinh kế thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Mô hình trồng ngô ngọt của phụ nữ Ia Broăi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Vũ Chi

Phụ nữ Ia Broăi thay đổi nếp nghĩ, cách làm

(GLO)- Với sự đồng hành của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Ia Broăi (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai), nhiều hội viên phụ nữ dân tộc thiếu số đã từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện gia đình, mang lại thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống.

Sở Tài chính Gia Lai đề xuất phân bổ lại kinh phí chi thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát từ nguồn hỗ trợ của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam

Sở Tài chính Gia Lai đề xuất phân bổ lại kinh phí chi thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát từ nguồn hỗ trợ của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam

(GLO)- Ngày 11-4, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai có Công văn số 1269/STC-QLNS về việc đề xuất phân bổ lại kinh phí chi thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.