Gia Lai: Đảm bảo không khan hàng, sốt giá dịp Tết Nguyên đán 2021

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Để đảm bảo nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các doanh nghiệp đầu mối phối hợp với các đơn vị sản xuất, nhà cung cấp chủ động nguồn cung dự trữ, điều tiết giá hàng hóa nhằm góp phần bình ổn thị trường.
Nguồn hàng dồi dào
Đến nay, Siêu thị Co.op Mart Pleiku đã chuẩn bị xong lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 với tổng trị giá 112 tỷ đồng. Bà Châu Hoàng Thy-Phó Giám đốc Siêu thị-cho hay: Hàng hóa tập trung chủ yếu ở nhóm thực phẩm công nghệ, thực phẩm tươi sống, hàng may mặc, hàng tiêu dùng thiết yếu và các loại hàng đặc trưng Tết.
Siêu thị Co.op Mart Pleiku chủ động hàng hóa phục vụ Tết. Ảnh: Vũ Thảo
Siêu thị Co.op Mart Pleiku chủ động hàng hóa phục vụ Tết. Ảnh: Vũ Thảo

“Trong phương án dự trữ hàng hóa năm nay, Co.op Mart cũng kịp thời bổ sung dự phòng số lượng tương đối các mặt hàng phục vụ công tác phòng-chống dịch Covid-19 như: khẩu trang, dung dịch sát trùng, nước rửa tay. Để đảm bảo chất lượng hàng hóa, Co.op Mart tăng cường tần suất kiểm soát chất lượng hàng hóa lên từ 5 đến 10 lần so với những tháng kinh doanh thông thường. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ thực hiện chuỗi chương trình giảm giá trực tiếp đến 50% cho hàng ngàn sản phẩm”-bà Thy cho biết thêm.
Trong khi đó, ông Võ Ngọc Trọng-Giám đốc Vinmart Pleiku-thông tin: Tổng lượng hàng dự trữ được đơn vị tính toán tăng đến hơn 50% với trị giá hàng dự trữ gần 20 tỷ đồng trong 40 ngày (trước Tết 30 ngày và sau Tết 10 ngày). Nhóm hàng sẽ có sức tiêu thụ tăng mạnh nhất là thực phẩm công nghệ, thực phẩm tươi sống; tiếp đến là nhóm hàng may mặc, tiêu dùng, gia dụng… Mặc dù bị tác động bởi tình hình dịch Covid-19 nhưng dự báo sức tiêu thụ vào dịp Tết vẫn tăng trưởng mạnh. Do đó, đơn vị đã chủ động nhập hàng dự trữ, đáp ứng kịp thời và đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân.
Dự báo sức mua dịp Tết sẽ tăng so với các tháng bình thường khoảng 11-15%. Vì vậy, ngoài chuẩn bị một lượng hàng hóa khá dồi dào để phục vụ Tết, các doanh nghiệp lớn còn đưa ra một số chương trình khuyến mãi, giảm giá bán ngay trong đợt cao điểm kinh doanh Tết.
Lượng hàng dự trữ lên đến 15.680 tỷ đồng
Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho hay: “Nhằm tổ chức tốt thị trường hàng hóa phục vụ nhân dân đón Tết, Sở phối hợp với các sở, ngành, doanh nghiệp kinh doanh thương mại xây dựng kế hoạch phục vụ Tết với phương châm không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Theo đó, Sở đã xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa cho 2 tháng trước, trong và sau Tết với tổng trị giá 15.680 tỷ đồng, tăng khoảng 12% so với mức bình quân các tháng trong năm. Riêng tháng cận Tết (tháng 2-2021), dự báo nhu cầu mua sắm tăng khoảng 30% nên lượng hàng hóa thiết yếu dự trữ đạt khoảng 9.100 tỷ đồng. Sở Công thương cũng yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối có kế hoạch tập kết hàng hoá về kho dự trữ, tổ chức các đợt khuyến mãi, giảm giá trong dịp cao điểm kinh doanh Tết để kích cầu tiêu dùng”.
Ảnh: Vũ Thảo
Siêu thị Điện máy Xanh (279 Nguyễn Tất Thành, TP. Pleiku) triển khai nhiều chương trình khuyến mãi kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm. Ảnh: Vũ Thảo
Lượng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021: khoảng 4,2 ngàn tấn gia súc, gia cầm; 3,1 ngàn tấn cá tươi; 8,3 ngàn tấn rau củ quả; 12 triệu quả  trứng; 600 ngàn chai rượu; 429 ngàn két bia chai; 1,16 triệu thùng bia lon; 850 ngàn thùng nước giải khát và nước khoáng; 550 tấn bánh mứt và kẹo; 9,7 ngàn m3 xăng dầu; 230 ngàn bình khí dầu mỏ hóa lỏng cùng nhiều mặt hàng điện tử và hàng công nghiệp khác…

Đến nay, các doanh nghiệp đầu mối, siêu thị đã lên kế hoạch tập kết hàng hóa về kho dự trữ. Các doanh nghiệp có lượng hàng hóa dự trữ lớn như: Công ty cổ phần thương mại Bia Sài Gòn Tây Nguyên, Nhà máy Đường An Khê, Công ty Xăng dầu Bắc Tây Nguyên, PVoil-Chi nhánh Gia Lai, Công ty cổ phần Thương mại Gia Lai, Siêu thị Co.op Mart Pleiku, Hệ thống Vinmart+ …

Theo ông Phạm Văn Binh, bên cạnh việc đôn đốc chủ động hàng hóa dự trữ, Sở Công thương cũng chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại phối hợp với các siêu thị, doanh nghiệp tổ chức các chuyến bán hàng lưu động về nông thôn. Hiện nay, Công ty cổ phần Thương mại Gia Lai là đơn vị chủ lực với trên 40 đầu xe, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại khác với khoảng 60 đầu xe phân phối hàng cho các hệ thống bán lẻ, đại lý của công ty và tham gia đưa hàng về vùng sâu, vùng xa.
Ông Đinh Văn Hà-Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường-thông tin: “Những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có sức tiêu thụ rất cao trong dịp Tết là lương thực, thực phẩm, rượu, bia. Vì vậy, lực lượng Quản lý Thị trường sẽ tăng cường các đầu mối trinh sát, bám sát các địa bàn trọng điểm, kho hàng, bến bãi, cửa hàng tạp hóa lớn để tập trung kiểm tra, kiểm soát một cách chặt chẽ. Đồng thời, yêu cầu các cửa hàng ký cam kết về việc không tăng giá bán và bán hàng hóa theo đúng quy định của pháp luật, không bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gây nguy hại đến sức khỏe người dùng”.
VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hà Duy

Hội thảo bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững cao nguyên Kon Hà Nừng

(GLO)- Sáng 22-11, Viện Sinh thái học Miền nam, Trung Tâm Con người và Thiên nhiên phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) cao nguyên Kon Hà Nừng tổ chức hội thảo Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững Khu DTSQ cao nguyên Kon Hà Nừng đến năm 2030.

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

(GLO)- Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2024, toàn tỉnh có 15 mã số vùng trồng xuất khẩu được cấp mới với diện tích 332,09 ha xuất khẩu trên thị trường Trung Quốc và 4 mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu với tổng công suất 155 tấn quả tươi/ngày.

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Ảnh Hà Duy

Chủ đầu tư phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, cụ thể từng tháng

(GLO)- Đó là một trong những yêu cầu tại Công văn số 2671/UBND-KTTH do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành nhằm đề nghị các sở, ban, ngành; các địa phương; các chủ đầu tư triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.

Kho xăng dầu của Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tại xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) hiện chưa được chấp thuận đấu nối vào quốc lộ. Ảnh: V.T

Cửa hàng xăng dầu đấu nối vào đường giao thông: Vướng mắc cần tháo gỡ

(GLO)- Theo Luật Giao thông đường bộ và các quy định liên quan, các công trình xây dựng, trong đó có cửa hàng xăng dầu nằm dọc quốc lộ, tỉnh lộ phải xây dựng ngoài phạm vi hành lang an toàn đường bộ và thực hiện đấu nối đúng vị trí được UBND cấp tỉnh phê duyệt.