Gia Lai chung tay hỗ trợ nạn nhân da cam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm gần đây, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Gia Lai phối hợp với các ban, ngành, địa phương dành nhiều sự quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của nạn nhân da cam bằng nhiều việc làm thiết thực.

Ảnh hưởng của chất độc da cam từ thời chiến tranh chống Mỹ khiến ông Đỗ Minh Khảm (thôn 1, xã Đak Hlơ, huyện Kbang) càng suy yếu. Mỗi khi trái gió trở trời, đôi chân ông bị co rút không thể di chuyển như người bình thường. Hơn 10 năm nay, bà Trịnh Thị Oanh-vợ ông cũng bị tai biến nằm liệt một chỗ. Những năm qua, vợ chồng ông Khảm ở trong căn nhà xập xệ dột nát với số tiền trợ cấp hàng tháng dành cho người bị ảnh hưởng chất độc da cam.

 Ông Bùi Thanh Hoàng-Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh tặng quà cho các nạn nhân da cam huyện Đak Pơ. Ảnh: Đinh Yến
Ông Bùi Thanh Hoàng-Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh tặng quà cho các nạn nhân da cam huyện Đak Pơ. Ảnh: Đinh Yến


Thấu hiểu hoàn cảnh vợ chồng ông Khảm, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã hỗ trợ 25 triệu đồng từ Quỹ “Vì Nạn nhân chất độc da cam” để xây dựng lại căn nhà. Đoàn xã Đak Hlơ kêu gọi nhóm từ thiện Gieo mầm hướng thiện TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ thêm 25 triệu đồng, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Kbang vận động được 5 triệu đồng chung tay cùng với gia đình ông Khảm xây dựng căn nhà mới. Sau hơn 2 tháng xây dựng, căn nhà được hoàn thiện với diện tích 63 m2. Phấn khởi khi dọn vào ở trong ngôi nhà mới, ông Khảm chia sẻ: “Nhiều hôm tôi mơ ước giá như mình được hỗ trợ xây nhà thì tốt biết bao. Nay đến lượt gia đình mình được hỗ trợ xây ngôi nhà như ý nguyện, tôi rất hạnh phúc”.

Bên cạnh hỗ trợ nhà ở, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh còn tạo sinh kế cho các nạn nhân và gia đình như: hỗ trợ nuôi dưỡng nạn nhân tại gia đình; thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, Tết; khám bệnh, chăm sóc sức khỏe... Riêng 6 tháng đầu năm nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã vận động hơn 550 triệu đồng để chăm sóc nạn nhân. Từ số tiền này, Hội đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho 60 nạn nhân da cam ở các huyện: Đức Cơ, Ia Grai, Mang Yang, Đak Pơ, Chư Sê và Ia Pa với kinh phí 30 triệu đồng; trao xe lăn cho 10 nạn nhân khuyết tật; hỗ trợ nuôi dưỡng thường xuyên cho 20 đối tượng là trẻ em bị ảnh hưởng chất độc da cam ở các huyện: Krông Pa, Đak Pơ, thị xã An Khê và thị xã Ayun Pa với kinh phí 90 triệu đồng.

Những năm qua, tỉnh ta thường xuyên chăm lo, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin với nhiều hoạt động thiết thực. Ông Bùi Thanh Hoàng-Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh-cho hay: Đến nay, các tổ chức Hội đã tiếp nhận tiền, vật chất ủng hộ với trị giá trên 25 tỷ đồng để giúp các nạn nhân da cam trong tỉnh. Từ nguồn lực trên, các cấp Hội đã làm 130 nhà ở cho nạn nhân, tặng trên 80 ngàn suất quà, trợ cấp khó khăn, hỗ trợ vốn sản xuất, cấp học bổng cho 230 nạn nhân (10 triệu đồng/người/năm), nuôi dưỡng thường xuyên 120 nạn nhân da cam là trẻ em tại cộng đồng. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cũng đã thành lập Trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng bán trú cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Hàng năm, Trung tâm nuôi dưỡng 25-30 trẻ em là con nạn nhân chất độc da cam và trẻ em khuyết tật tại TP. Pleiku. Ngoài ra, Hội còn thành lập nhà xông hơi giải độc cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin và người có công với cách mạng.

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có gần 13 ngàn người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó có 6 ngàn nạn nhân bị nhiễm trực tiếp và gần 7 ngàn người bị nhiễm gián tiếp. Cuộc sống của hầu hết các gia đình nạn nhân da cam đều rất khó khăn. Tuy nhiên, hiện chỉ có hơn 2.600 đối tượng được công nhận là nạn nhân chất độc da cam và được hưởng chế độ hỗ trợ theo Pháp lệnh Người có công. Số còn lại chỉ được hưởng chế độ bảo trợ xã hội người khuyết tật. Theo ông Bùi Thanh Hoàng, thời gian tới, Hội tiếp tục phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tiến hành rà soát, xem xét giải quyết chế độ cho nạn nhân da cam/dioxin.

 

 ĐINH YẾN
 

Có thể bạn quan tâm

Thêm một bếp ăn thiện nguyện ấm lòng người nghèo Gia Lai

Thêm một bếp ăn thiện nguyện ấm lòng người nghèo Gia Lai

(GLO)- Khai trương ngày 24-4 vừa qua, Bếp ăn thiện nguyện 2K Thị Huy (38 Tôn Thất Tùng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai, đối diện cổng sau Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã góp phần chia sẻ khó khăn với người nghèo, nhất là bệnh nhân nghèo đang nằm điều trị tại các bệnh viện.
Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu

Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu

(GLO)- Thời gian đã nhuộm màu mái tóc, song ký ức của một thời xếp bút nghiên lên đường chiến đấu vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của những người lính già. Sau 49 năm kể từ ngày thống nhất đất nước, họ vẫn nhắc nhớ về những tháng ngày gian khổ mà rất đỗi tự hào.

Pleiku xây dựng làng nông thôn mới thông minh

Pleiku xây dựng làng nông thôn mới thông minh

(GLO)- Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai, bộ mặt thôn làng ở TP. Pleiku đã có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.

Bình yên làng Lơ Pơ

Bình yên làng Lơ Pơ

(GLO)- Nằm sâu giữa đại ngàn Trường Sơn, làng Lơ Pơ (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn còn giữ vẻ bình yên đến lạ. Để vào được làng, du khách phải men theo nhiều đoạn đường đất uốn lượn rồi vượt qua những con đường mòn vắt vẻo giữa đồi núi quanh co.