Giá khoai lang Nhật giảm mạnh, nông dân lao đao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm trước, người nông dân tại huyện Phú Thiện vui mừng vì khoai được giá, thế nhưng năm nay, người nông dân lại đang lâm vào tình trạng lao đao, thua lỗ vì giá khoai lang Nhật bỗng chốc giảm mạnh từ 13.000 đồng xuống còn 3.000 đồng/kg.

Năm 2011, khoai lang Nhật được người dân xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện canh tác, đến nay, toàn xã có gần 200 ha. Toàn bộ diện tích trồng khoai lang này được người dân canh tác trên đất ruộng trồng lúa. Tháng 11, 12 Dương lịch, người dân bắt đầu xuống giống khoai lang, sau khoảng 4 tháng, khoai lang cho thu hoạch.

 

Nông dân lo lắng vì giá khoai lang giảm mạnh. Ảnh: N.T
Nông dân lo lắng vì giá khoai lang giảm mạnh. Ảnh: N.T

Tại thôn Kinh Môn, xã Chư A Thai, từng bì khoai lang được lần lượt xếp từng hàng sau thu hoạch. Từng hàng khoai lang cứ nối dài mãi vì không có thương lái đến mua mặc dù giá khoai lang đã “lao dốc không phanh”. Gia đình ông Phạm Khắc Dũng (thôn Kinh Môn, xã Chư A Thai) trồng 3,5 ha khoai lang trên đất trồng lúa. Năm 2017, nhờ giá khoai cao, được mùa, gia đình ông thu về 500 triệu đồng. Trừ hết chi phí, ông lãi trên 350 triệu đồng. Mùa vụ 2018, ông tiếp tục xuống giống khoai ngay sau khi thu hoạch xong vụ lúa Hè Thu. Thế nhưng, vụ khoai năm nay lại đang khiến gia đình ông điêu đứng. “Thời điểm đầu mùa, thương lái đến mua khoai rất cao, khoảng 13.000 đồng/kg, nhưng khi đó lại không có nhà nào thu hoạch cả. Dần dần khoai mất giá, đến khi chỉ còn 6.500 đồng/kg thì gia đình tôi bán được khoảng 1ha khoai, thu về hơn 100 triệu đồng. Giờ còn lại 2,5 ha khoai lang dù ở mức 3.000 đồng/kg thì vẫn không có ai đến mua.Từ khi thu hoạch đến giờ đã hơn 5 tháng, khoai đã bắt đầu bị hư hỏng”, ông Dũng buồn rầu kể.

1,6 ha khoai lang đã thu hoạch đang chờ người đến mua là của gia đình bà Trương Thị Lâm (thôn Kinh Môn, xã Chư A Thai). Càng trông ngóng thương lái đến mua bao nhiêu, gia đình càng thất vọng bấy nhiêu. Vì dù có bán rẻ mạt cũng chẳng có ai đến mua. Mùa vụ năm 2017, với giá khoảng 10.000 đồng/kg, gia đình bà cũng thu về lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng, nhưng đến mùa vụ năm nay, bà Lâm như ngồi trên đống lửa. Bà Lâm chia sẻ: “Năm nay thì mất trắng, thua lỗ rồi. Đến giờ này giá khoai chỉ còn 3.000 đồng/kg, thậm chí là 2.000 đồng/kg mà cũng không có người nào đến hỏi mua khoai. Tôi đang lo sắp tới khoai xuống giá nữa hoặc bị hư hỏng thì cũng bị thiệt hại nhiều”.

 

Mặc dù đang đứng trước nguy cơ bị mất trắng, thậm chí thua lỗ, nhưng những người dân tại xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện vẫn đặt niềm tin vào loại nông sản đã từng cho thu nhập cao này. Vì ở những mùa vụ năm trước, giá khoai lang cao, người dân lại có thu nhập lớn mà đất lại được cải tạo dù được người dân canh tác liên tục. Đồng thời, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu trên địa bàn xã rất thích hợp với cây khoai lang Nhật. Trung bình mỗi ha khoai cho thu từ 20-30 tấn củ, mang về lợi nhuận không dưới 100 triệu/ha cho bà con nông dân, gấp hai lần so với cây lúa.

Với 10 ha khoai lang, ông Dương Văn Mậu (thôn Phú Tiên, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) cũng đang điêu đứng vì 5 tháng nay thu hoạch đã không có người đến mua. Tính đến giờ gia đình ông đã lỗ 30 triệu đồng. Thế nhưng ông Mậu vẫn quả quyết: “Mình ngã ở đâu thì đứng lên chỗ ấy, nên tôi vẫn tiếp tục trồng. Trồng cây cũng có năm này năm kia. Chờ mùa vụ sau sẽ gỡ gạc lại phần lỗ của năm nay”.

 

Những hàng khoai lang Nhật đã thu hoạch nhưng không có người đến mua.
Những hàng khoai lang Nhật đã thu hoạch nhưng không có người đến mua. Ảnh: N.T

May mắn hơn các gia đình khác, gia đình bà Lê Thị Thảo (thôn Phú Tiên, xã Chư A Thai) cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Gia đình chỉ có 2 sào khoai lang, không bị lỗ nhiều như những nhà khác nên chị càng quyết tâm năm sau vẫn trồng tiếp khoai lang Nhật, bởi theo chị Thảo thì: “1 sào được 3 tấn, với giá 3.000 đồng/kg thì gia đình tôi chỉ mất công sức chăm bón không thu lời. Vụ sau giá lên thì sẽ lời hơn trồng lúa nhiều nên tôi vẫn chọn trồng khoai lang”.

Trước tình trạng trên, ông Bùi Trọng Thành-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện đã đưa ra khuyến cáo: “Các địa phương cần khuyến cáo bà con không nên mở rộng diện tích trồng khoai trong các năm tới, tránh tình trạng thương lái ép giá. Nông dân không chạy theo lợi nhuận trước mắt đối các mặt hàng có giá cả không ổn định. Đồng thời, có ký kêt với doanh nghiệp ngay từ đầu vụ, đảm bảo đầu ra của sản phẩm. Huyện cũng đang nỗ lực cùng nông dân tìm doanh nghiệp, thương lái để bao tiêu sản phẩm, tránh thiệt hại cho nông dân”.

Ngọc Thu

Có thể bạn quan tâm

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

(GLO)- Ngày 17-1, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam ký Quyết định số 377/QĐ-BNN-VPĐP phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm cấp Quốc gia đợt III-2024.

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.