Gây quỹ giúp phụ nữ nghèo: Mô hình nhỏ, hiệu quả lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thông qua mô hình “Làm rẫy tập thể”, “Làm công gây quỹ”, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đã vận động hội viên chung tay giúp đỡ nhiều phụ nữ thoát nghèo.
 

Giúp hội viên phụ nữ nghèo

Năm 2011, Hội LHPN xã Sró triển khai mô hình “Làm công gây quỹ” tại làng Bờ Ya. Đến nay, toàn xã có 5 chi hội thực hiện mô hình “Làm công gây quỹ” và 3 chi hội “Làm rẫy tập thể” với 3,1 ha mì. Trong 6 tháng đầu năm nay, các chi hội đã gây quỹ được hơn 170 triệu đồng. Từ số tiền này, các chi hội đã mua 3 con dê hỗ trợ hội viên nghèo phát triển chăn nuôi; cho 49 hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất.

 Hội viên phụ nữ làng Hle Hlang (xã Yang Trung, huyện Kông Chro) chăm sóc rẫy mì tập thể. Ảnh: Ngọc Minh
Hội viên phụ nữ làng Hle Hlang (xã Yang Trung, huyện Kông Chro) chăm sóc rẫy mì tập thể. Ảnh: Ngọc Minh


Chủ tịch Hội LHPN xã Nguyễn Thị Đào cho biết: “Toàn xã có 8 chi hội. Trước đây, các chi hội hoạt động chủ yếu dựa vào tiền hội phí hàng năm. Trong khi đó, phần lớn hội viên là người dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Vì vậy, căn cứ vào tình hình thực tế của từng chi hội, chúng tôi triển khai mô hình gây quỹ. Từ đó, giảm gánh nặng trong việc đóng hội phí, đồng thời tạo nguồn quỹ dồi dào hỗ trợ chị em phát triển kinh tế”.

Với mong muốn giúp gia đình chị Đinh Thị Biar vươn lên thoát nghèo bền vững, Chi hội Phụ nữ làng Sró (xã Sró) đã hỗ trợ 1 con dê, cho nuôi rẽ 1 con bò và cho mượn 5 triệu đồng. Chị Biar phấn khởi nói: “Đến nay, đàn dê đã phát triển lên 15 con và đàn bò có 4 con. Có thêm thu nhập, vợ chồng tôi chuyển đổi hơn 1 ha mì sang trồng đậu xanh, bí đỏ. Hàng năm, gia đình thu về gần 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí, cao gấp đôi so với trồng mì”.

Nhận thấy hiệu quả từ mô hình “Làm rẫy tập thể” và “Làm công gây quỹ”, năm 2016, Chi hội Phụ nữ làng Nhang Lớn đã triển khai mô hình với 100% hội viên tham gia. Đến nay, Chi hội có 10 con bò cho 10 hội viên nghèo nuôi rẽ. Hàng năm, từ mô hình gây quỹ, Chi hội thu về 70 triệu đồng. Chi hội trưởng Đinh Thị Biên cho hay: “Từ nguồn thu này, những năm qua, Chi hội đã giải quyết dứt điểm tình trạng khó khăn khi huy động, xây dựng quỹ Hội và kịp thời chi cho nhiều hoạt động khác như: mua quà thăm hỏi chị em đau ốm, duy trì hoạt động của đội cồng chiêng nữ, dệt thổ cẩm, phong trào văn hóa-văn nghệ, giao lưu giữa các thôn, làng; mua hoa, cây cảnh về trồng ở các tuyến đường”.

Nhân rộng mô hình

Cùng chúng tôi đi thăm rẫy mì của Chi hội Phụ nữ làng Hle Hlang, bà Trịnh Thị Nhung-Chủ tịch Hội LHPN xã Yang Trung-chia sẻ: Đến nay, 4 thôn, làng của xã đều có mô “Làm rẫy tập thể” hoặc “Làm công gây quỹ” thu hút hầu hết hội viên phụ nữ tham gia.

 

Từ mô hình gây quỹ bằng hình thức “Làm rẫy tập thể”, “Làm công gây quỹ” đã có nhiều hội viên nghèo ở huyện Kông Chro được hỗ trợ con giống phát triển chăn nuôi. Ảnh: Ngọc Minh
Từ mô hình gây quỹ bằng hình thức “Làm rẫy tập thể”, “Làm công gây quỹ” đã có nhiều hội viên nghèo ở huyện Kông Chro được hỗ trợ con giống phát triển chăn nuôi. Ảnh: Ngọc Minh


Theo bà Nhung, với những chi hội có thể mượn đất của làng, thuê đất hoặc sử dụng đất nhàn rỗi của hội viên để trồng mía, mì, đậu đỗ thì triển khai mô hình “Làm rẫy tập thể”. Đối với chi hội không có nguồn đất sẽ triển khai mô hình “Làm công gây quỹ”. Số tiền thu được ngoài dùng cho các hoạt động, chi hội sẽ mua con giống hỗ trợ cho hội viên phụ nữ nghèo; đồng thời tổ chức các chuyến tham quan, du lịch nhân dịp lễ, Tết để động viên tinh thần hội viên. Với mô hình “Làm rẫy tập thể” hoặc “Làm công gây quỹ”, năm 2021, 100% chi hội có quỹ với tổng số tiền hơn 818 triệu đồng và 20 con bò, 6 con dê. Nguồn quỹ này đã hỗ trợ con giống, cây giống và cho vay không tính lãi, giúp 271 hội viên phụ nữ phát triển kinh tế gia đình.

Bà Đinh Thị Toại-Chủ tịch Hội LHPN huyện Kông Chro-cho biết: Từ nguồn quỹ này, Hội đã có kinh phí để triển khai các hoạt động như: khen thưởng hàng năm đối với các hội viên tiêu biểu xuất sắc; làm tốt công tác nhân đạo từ thiện; tặng quà cho các đối tượng chính sách nhân ngày lễ, Tết; tặng quà cho tân binh lên đường làm nghĩa vụ quân sự và tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước; phối hợp mở các lớp tập huấn kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Cùng với đó, hội viên phụ nữ nghèo, đơn thân còn được giúp đỡ về ngày công lao động, vốn vay từ nguồn quỹ Hội để phát triển kinh tế. Qua đó, chị em ngày càng tin tưởng và gắn bó với tổ chức Hội. “Thời gian tới, các cơ sở Hội tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của mô hình gây quỹ; rà soát quỹ đất tại các thôn, làng, từ đó vận động chị em sản xuất để gây quỹ”-bà Toại thông tin.

 

 NGỌC MINH

 

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.