Gần 42.000 lao động mất việc, doanh nghiệp tuyển dụng gặp khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn 1.200 doanh nghiệp ở 44 tỉnh, thành phải cắt giảm lao động do không có đơn hàng khiến nửa triệu lao động bị ảnh hương, gần 42.000 lao động bị mất việc. Các ngành hàng cắt giảm chủ yếu là dệt may, chế biến ở các tỉnh, thành phía Nam. 

Ồ ạt cắt giảm

Công ty TNHH An Giang Samho chuyên sản xuất giày da. Theo VnExpress, từ tháng 10 đến cuối tháng 12 đã có 5.300 lao động của công ty mất việc làm. Nguyên nhân là một đối tác lớn của công ty (chiếm 40% quy mô sản xuất) đã dừng đặt hàng; một số đơn hàng khác cắt giảm, thị trường xuất khẩu thu hẹp. Đây là lần đầu tiên, tỉnh An Giang chứng kiến trường hợp cùng một lúc hơn 5.000 công nhân bị cho nghỉ việc. 

Hai tháng qua Công ty TNHH T.H ở quận Bình Tân (TP. Hồ Chí Minh) không có đơn hàng để sản xuất nên dự kiến cắt giảm gần 1.400 lao động vào tháng 12 tới. Nhà máy T.H quy mô hơn 1.800 lao động, có 100% vốn Đài Loan, chuyên sản xuất giày xuất khẩu, thị trường chủ yếu châu Âu. Theo Báo Tin Tức, có gần 3.000 lao động của 26 doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh nhận được thông báo phải nghỉ việc trên tổng số 15.000 lao động (của 26 doanh nghiệp này), chiếm gần 1/5 lao động. Trong tháng 10, thành phố đã giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho hơn 11.000 người. Tương tự, ở tỉnh Đồng Nai, trong 5 tháng qua có khoảng 30.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng. Trong đó, Công ty TNHH gỗ Lee Fu đã cắt giảm gần 60% lao (hơn 1.000 người); tạm hoãn hợp động với 853 lao động. 

Công nhân Công ty TNHH An Giang Samho làm thủ tục nhận quà hỗ trợ từ LĐLĐ tỉnh An Giang. Ảnh nguồn Báo Lao Động
Công nhân Công ty TNHH An Giang Samho làm thủ tục nhận quà hỗ trợ từ LĐLĐ tỉnh An Giang. Ảnh nguồn Báo Lao Động

Theo số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, số doanh nghiệp bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động vào khoảng 1.230 doanh nghiệp tại 44 tỉnh, thành phố. Trong đó, doanh nghiệp dân doanh là 646 doanh nghiệp (chiếm 52,27%); doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 590 (47,73%). 

Các ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều là dệt may: 226 doanh nghiệp (18,28%); da giầy: 109 doanh nghiệp (8,82%); chế biến gỗ: 196 doanh nghiệp (15,86%); điện tử: 62 doanh nghiệp (5,02%); cơ khí: 31 doanh nghiệp  (2,51%); các loại hình doanh nghiệp khác: 612 doanh nghiệp (49,51%).

Tổng số lao động trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tới việc làm khoảng 472.210 lao động. Tại doanh nghiệp dân doanh có 118.889 lao động (chiếm 25,18%); doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: 353.324 lao động (chiếm 74,82%).

Ngành nghề dệt may: 131.340 lao động (chiếm 27,81%); da giầy: 171.414 lao động (36,30%); chế biến gỗ: 63.681 lao động (13,49%); điện tử: 19.535 lao động (4,14%); cơ khí: 5.239 lao động (1,11%); các ngành nghề khác 81.000 lao động (17,15%). Trong các khu công nghiệp có 172.088 lao động (36,44%) trong tổng số lao động bị ảnh hưởng.

Đặc biệt, có hơn 30.270 lao động nữ từ 35 tuổi trở lên và 9.441 lao động đang trong thời kỳ thai sản, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi bị ảnh hưởng.

Số người bị thôi việc, mất việc là 41.558 người (8,80%); 430.665 người (91,20%) bị giảm giờ làm, bao gồm giảm giờ làm hàng ngày, làm cách nhật, nghỉ hưởng lương ngừng việc, nghỉ không hưởng lương, tạm hoãn hợp đồng lao động.

Tính tới điểm hiện nay, có 30 doanh nghiệp nợ lương của 6.946 người lao động với tổng số tiền là 110,227 tỉ đồng; có 121 doanh nghiệp nợ BHXH của 32.315 lao động với tổng số tiền là 237,932 tỉ đồng.

Tuyển dụng lại gặp khó

Theo xu thế nhu cầu việc làm cuối năm tăng cao, những tưởng hàng chục ngàn công nhân mất việc sẽ dễ dàng tìm thấy việc làm. Song thực tế, các công ty vẫn khá khó khăn trong việc tuyển dụng. 

Mới đây, theo VnExpress, hàng chục nhà máy thuộc ngành điện tử, thực phẩm, may mặc ở vùng trọng điểm công nghiệp Đông Nam Bộ nhu cầu tuyển mới gần 9.000 lao động. Một số nhà máy muốn tuyển số lượng lớn công nhân như Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam ở Dĩ An tuyển 500 công nhân, Công ty TNHH ASG Vina chuyên may balo, túi xách ở Thuận An cần tuyển 100 công nhân; Công ty TNHH LC Foods… 

Ngay khi nghe tin gần 1.200 công nhân Tỷ Hùng bị cắt giảm, Thuận Phương Group đã nhanh chóng đến nhà máy, khu trọ để tuyên người nhưng sau 2 lần tuyển vẫn không có công nhân đến nhận việc chính thức dù mức lương khá hấp dẫn, từ 7-15 triệu đồng. Ở một số công ty khác cũng tương tự. Công ty TNHH May Shin Dong thông tin có gần 300 công nhân đến nhưng chỉ 9 người nhận việc. Tương tự 180 lao động đến Công ty TNHH WooYang ViNa II tìm hiểu, sau đó chỉ 5 người đồng ý đi làm. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở các công ty may, giày da trên địa bàn.

Nguyên nhân của “nghịch lý” trên là do lượng nhân công bị cắt giảm chủ yếu ở lĩnh vực dệt may, sản xuất trong khi các doanh nghiệp tuyển dụng lại thuộc khối bán lẻ thương mại. Hai lĩnh vực đều có những yêu cầu kỹ năng, kinh nghiệm khác biệt nhau nên công nhân ngại thay đổi công việc. Bởi khi sang lĩnh vực khác phải học lại từ đầu, lương lại không cao, lại gần Tết nên sẽ bị ràng buộc thời gian nghỉ Tết, mức thưởng Tết... Bên cạnh đó, tâm lý chung của nhiều công nhất mất việc là muốn tìm việc thời vụ để vừa được nhận trợ cấp thất nghiệp, chờ đủ năm được rút bảo hiểm xã hội một lần… Ngoài ra, một số lượng khá lớn công nhân hết tuổi nghề nhưng chưa đến tuổi hưu cũng khó có thể kiếm được việc làm. 

Vì thế, nhà nước cần có phương án dài hơi để hỗ trợ lao động lớn tuổi bị cắt giảm, giúp họ quay lại thị trường. Cơ quan chức năng cần dự báo chính xác về thị trường và có phương án hỗ trợ cho công nhân, cần tập trung tìm các giải pháp cho năm sau. Cùng với đó, Việt Nam cần khuyến khích, thu hút đầu tư các ngành phụ trợ phù hợp sức khỏe, kinh nghiệm, tay nghề của lao động; dùng kinh phí từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp đào tạo nghề thực chất, giúp họ chuyển đổi công việc.

PHƯƠNG VI (theo Báo Tin Tức, Lao Động, VnExpress, VOV)

Có thể bạn quan tâm

Thêm một bếp ăn thiện nguyện ấm lòng người nghèo Gia Lai

Thêm một bếp ăn thiện nguyện ấm lòng người nghèo Gia Lai

(GLO)- Khai trương ngày 24-4 vừa qua, Bếp ăn thiện nguyện 2K Thị Huy (38 Tôn Thất Tùng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai, đối diện cổng sau Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã góp phần chia sẻ khó khăn với người nghèo, nhất là bệnh nhân nghèo đang nằm điều trị tại các bệnh viện.
Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu

Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu

(GLO)- Thời gian đã nhuộm màu mái tóc, song ký ức của một thời xếp bút nghiên lên đường chiến đấu vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của những người lính già. Sau 49 năm kể từ ngày thống nhất đất nước, họ vẫn nhắc nhớ về những tháng ngày gian khổ mà rất đỗi tự hào.

Pleiku xây dựng làng nông thôn mới thông minh

Pleiku xây dựng làng nông thôn mới thông minh

(GLO)- Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai, bộ mặt thôn làng ở TP. Pleiku đã có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.

Bình yên làng Lơ Pơ

Bình yên làng Lơ Pơ

(GLO)- Nằm sâu giữa đại ngàn Trường Sơn, làng Lơ Pơ (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn còn giữ vẻ bình yên đến lạ. Để vào được làng, du khách phải men theo nhiều đoạn đường đất uốn lượn rồi vượt qua những con đường mòn vắt vẻo giữa đồi núi quanh co.