Để giúp người dân chủ động vươn lên trong cuộc sống, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị tập trung giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo thông qua các mô hình, cách làm hiệu quả.
Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác giảm nghèo của huyện đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Năm 2023, toàn huyện có 2.001 hộ nghèo, chiếm 10,19% thì đến nay giảm còn 1.570 hộ nghèo, chiếm 7,92%.
Trò chuyện cùng P.V trong ngôi nhà vừa được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và địa phương xây tặng với kinh phí hơn 75 triệu đồng, ông Rơ Châm Jon (làng Chan, xã Ia Pnôn) không giấu được sự xúc động.
Ông bày tỏ: “Mình rất vui khi được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh xây tặng ngôi nhà mới. Trước đây, nhà mình thuộc diện khó khăn. Nhờ chính quyền địa phương giúp đỡ, gia đình từng bước vươn lên, hiện là hộ cận nghèo. Sang năm, mình cố gắng lao động sản xuất để thoát khỏi diện hộ cận nghèo”.
Thời gian qua, cùng với việc vận động các nguồn lực hỗ trợ người dân xây nhà, huyện Đức Cơ cũng đã triển khai nhiều giải pháp, cách làm hiệu quả nhằm kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, đặc biệt là giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Anh Ksor Tuyên (làng Sung Kép, xã Ia Kla) là một trong những hộ nghèo. Gia đình anh có 2 người con, vợ thường xuyên đau ốm. Thấu hiểu được hoàn cảnh của gia đình, đầu năm 2023, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, anh Tuyên được cấp 1 con bò sinh sản.
Đồng thời, xã cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cũng như cách chăm sóc cà phê, điều. Đến nay, bò đã đẻ 1 con bê, 5 sào cà phê cũng cho thu hoạch. Nhờ đó, đầu năm 2024, anh đã tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo.
Anh cho hay: “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, mình đã có cuộc sống khá hơn trước. Chính vì thế, mình xin ra khỏi diện hộ nghèo để nhường lại cho các gia đình khác có hoàn cảnh khó khăn hơn”.
Ông Hoàng Đức Anh-Chủ tịch UBND xã Ia Kla-cho biết: Năm 2023, toàn xã có 216 hộ nghèo, chiếm 11,07%. Để giúp người dân thoát nghèo, xã hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Tiêu biểu là triển khai mô hình trồng dâu, nuôi tằm. Mô hình này có sự tham gia của 13 hộ gia đình, trong đó đa số là hộ nghèo và cận nghèo tham gia với tổng diện tích 15 ha, bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Theo ông Nguyễn Đình Tiến-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện: Thông qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, người dân có điều kiện để vươn lên thoát nghèo. Năm 2024, nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai trên địa bàn huyện là hơn 11,7 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn chuyển tiếp hơn 6,7 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn này, huyện đã triển khai 15 mô hình đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo tại 7 xã; thực hiện 5 mô hình phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp tại 3 xã, thị trấn. Ngoài ra, các chương trình như đào tạo nghề, giải quyết việc làm cũng được triển khai, bước đầu đã mang lại hiệu quả.
Nét mới trong công tác giảm nghèo ở huyện Đức Cơ là không chỉ dựa vào các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia mà các tổ chức chính trị-xã hội, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn huyện cùng chung tay vào cuộc.
Theo đó, năm 2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện thông qua các doanh nghiệp đã xây tặng 5 ngôi nhà “Đại đoàn kết” và tặng 6 con bò cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn. Cùng với đó, các công ty thuộc Binh đoàn 15 đứng chân trên địa bàn cũng đã giải quyết việc làm cho hơn 2 ngàn lao động địa phương.
Trao đổi với P.V, ông Siu Luynh-Phó Chủ tịch UBND huyện-khẳng định: Năm 2024, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Năm 2025, huyện sẽ tiếp tục tập trung vào việc tạo sinh kế, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án để giảm nghèo bền vững.