Đổi thay trên vùng tả ngạn sông Ayun

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- 48 năm sau ngày giải phóng, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nỗ lực của người dân, 5 xã vùng căn cứ cách mạng phía Nam sông Ayun gồm: Lơ Pang, Kon Chiêng, Kon Thụp, Đê Ar và Đak Trôi (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đã có bước chuyển mình mạnh mẽ.

Nông thôn khởi sắc

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, 5 xã phía Nam sông Ayun là vùng căn cứ cách mạng, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bom đạn chiến tranh. Sau ngày giải phóng, nơi đây được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư mọi mặt từ điện, đường, trường, trạm đến hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Đặc biệt, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, diện mạo các xã đã thay đổi nhanh chóng, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt.

Vui mừng trước những đổi thay của quê hương, ông Đinh Sek (làng Đak Bết, xã Đak Trôi) cho biết: “Đến nay, đường giao thông nông thôn, đường nội đồng đều được bê tông hóa, cứng hóa. Dân làng cũng biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, tăng thu nhập. Trẻ em đều được đến trường, được khám-chữa bệnh đầy đủ”.

Nông dân làng Ktu (xã Kon Chiêng) chuyển đổi diện tích mì kém năng suất sang trồng cây hoa hòe để nâng cao thu nhập. Ảnh: Phạm Ngọc

Nông dân làng Ktu (xã Kon Chiêng) chuyển đổi diện tích mì kém năng suất sang trồng cây hoa hòe để nâng cao thu nhập. Ảnh: Phạm Ngọc

Trong thời kỳ đổi mới, xã Kon Chiêng anh hùng cũng được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm và nhiều công trình phục vụ dân sinh khác. Đồng thời, chính quyền xã tập trung hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người đạt 22 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm. Đặc biệt, tuyến tỉnh lộ 666 đi qua địa bàn 5 xã phía Nam sông Ayun nối xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) với quốc lộ 19 đã mở lối giao thương giúp người dân nơi này có điều kiện xây dựng cuộc sống ấm no.

Già làng Blôch (làng Git, xã Kon Chiêng) vui vẻ nói: “Những ngày đầu sau giải phóng, cuộc sống của dân làng gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Hệ thống cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư, đường sá đi lại khó khăn, không có trường học, trạm y tế, điện... Còn hôm nay, điện, đường, trường, trạm được Nhà nước đầu tư đồng bộ, con cháu được đến trường. Bà con cũng bảo nhau thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển sản xuất nên thu nhập được cải thiện đáng kể”.

Người dân làng Groi (xã Kon Thụp) phát triển chăn nuôi để tăng thu nhập. Ảnh: Nguyễn Hồng

Người dân làng Groi (xã Kon Thụp) phát triển chăn nuôi để tăng thu nhập. Ảnh: Nguyễn Hồng

Còn theo ông Phan Nguyễn Vi Sa-Phó Chủ tịch UBND xã Kon Thụp, địa phương đã tranh thủ các nguồn lực để hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo tính đến cuối năm 2022 giảm còn 24,9%, thu nhập bình quân đầu người đạt 27 triệu đồng/năm. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được xã tập trung thực hiện. Đến nay, xã đã đạt 13/19 tiêu chí.

Chung sức xây dựng quê hương

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất anh hùng, anh Byar-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Ktu (xã Kon Chiêng) rất đỗi tự hào và luôn tự nhủ phải không ngừng nỗ lực học tập, lao động sản xuất để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Anh chia sẻ: “Thế hệ trẻ chúng tôi luôn ý thức mình được sinh ra và lớn lên trong hòa bình là nhờ sự hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước. Do đó, chúng tôi không ngừng nỗ lực học tập, lao động sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Từ các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, dân làng đã áp dụng hiệu quả, từng bước nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Với 5 sào cà phê, 1 ha cao su, 1,5 ha mì và đàn heo hơn 20 con, gia đình tôi thu được khoảng 100 triệu đồng/năm”.

Ông Lê Trọng-Chủ tịch UBND huyện Mang Yang: Hiện nay, 5 xã phía Nam sông Ayun đang trở thành vùng thu hút nhiều hộ từ các nơi tìm đến đầu tư phát triển cây ăn quả, cà phê và chanh dây.

Nhằm hỗ trợ làng Pờ Yầu (xã Lơ Pang) vươn lên phát triển, những năm qua, huyện Mang Yang đã đầu tư làm đường ra khu sản xuất; hỗ trợ cây-con giống; quy hoạch, sắp xếp lại khu dân cư; nâng cấp, sửa chữa nhà dột nát... Cùng với đó, công tác tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật cho bà con cũng được chú trọng. Ông Ayư-Phó Bí thư Đảng ủy xã Lơ Pang-cho hay: Làng Pờ Yầu hôm nay đã có nhiều khởi sắc, bà con không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, từng bước vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no.

Đường đến làng Pyầu được đổ bê tông thông suốt giúp người dân đi lại thuận tiện. Ảnh: Phạm Ngọc

Đường đến làng Pyầu được đổ bê tông thông suốt giúp người dân đi lại thuận tiện. Ảnh: Phạm Ngọc

Theo ông Đinh Vưn-Bí thư Đảng ủy xã Đak Trôi, ngoài quan tâm đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, Nhà nước còn có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ người dân. Đến nay, xã đạt 7/19 tiêu chí nông thôn mới và phấn đấu duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được. Cuối năm 2023, xã phấn đấu đạt thêm 3 tiêu chí. Để hiện thực hóa mục tiêu này, xã tập trung mọi nguồn lực hoàn thiện hạ tầng nông thôn, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Dù phấn khởi trước những đổi thay của địa phương nhưng theo ông Võ Đình Huy-Chủ tịch UBND xã Kon Chiêng, đời sống người dân nơi đây còn gặp khó khăn. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm hơn 28%. Nguyên nhân chính là do trình độ dân trí hạn chế, vẫn còn ảnh hưởng bởi các tập tục lạc hậu. Người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp với các cây trồng chủ lực như cà phê, cao su, mì, lúa nước… nhưng do thời tiết bất lợi, giá cả bấp bênh, trong khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao đã ảnh hưởng đến thu nhập.

Chủ tịch UBND xã Kon Chiêng nêu quyết tâm: “Thời gian tới, bên cạnh tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, xã sẽ đẩy mạnh tuyên truyền người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập. Cùng với đó, xã tiếp tục đẩy mạnh tái canh, cải tạo vườn cà phê nhằm phục hồi, nâng cao năng suất vườn cây; đồng thời, phối hợp với các phòng, ban của huyện hướng dẫn bà con chọn giống cây trồng chất lượng cao, tập huấn kỹ thuật chăm sóc và phòng ngừa các loại dịch bệnh trên cây trồng; tiếp tục tuyên truyền, triển khai các chương trình lai tạo đàn bò… Đặc biệt, xã sẽ triển khai mô hình trồng cây dược liệu (sâm dây) áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập để giảm nghèo bền vững”.

Trao đổi với P.V, ông Lê Trọng-Chủ tịch UBND huyện Mang Yang-cho biết: Trong giai đoạn 2021-2025, Nhà nước đầu tư cho 5 xã phía Nam sông Ayun trên 135 tỷ đồng, chưa kể các nguồn vốn và dự án khác. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng các xã sẽ dần hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Đặc biệt, các dự án chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật được cơ quan chuyên môn của huyện ưu tiên thực hiện thường xuyên, giúp người dân áp dụng vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi.

Có thể bạn quan tâm

Sức sống mới ở xã Anh hùng Ia Hrung

Sức sống mới ở xã Anh hùng Ia Hrung

(GLO)- Trong không khí sôi động của những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi về thăm xã Anh hùng Ia Hrung (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai). Nhiều công trình dân sinh được đầu tư, những ngôi nhà mới khang trang, đường bê tông sạch sẽ... là minh chứng cho sự khởi sắc của vùng quê nghèo.
Người có uy tín chung sức xây dựng quê hương

Người có uy tín chung sức xây dựng quê hương

(GLO)- Những năm qua, tỉnh Gia Lai luôn quan tâm xây dựng đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), phát huy vai trò của người có uy tín trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bình yên làng Lơ Pơ

Bình yên làng Lơ Pơ

(GLO)- Nằm sâu giữa đại ngàn Trường Sơn, làng Lơ Pơ (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn còn giữ vẻ bình yên đến lạ. Để vào được làng, du khách phải men theo nhiều đoạn đường đất uốn lượn rồi vượt qua những con đường mòn vắt vẻo giữa đồi núi quanh co.

Sức sống mới ở làng tái định cư

Sức sống mới ở làng tái định cư

(GLO)- Sau gần 30 năm chuyển về nơi ở mới, cuộc sống của người dân 5 làng tái định cư thuộc xã Đăk Trôi (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đã thay đổi tích cực. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững, từng bước xây dựng cuộc sống no đầy.