Đỏ mắt ngóng chồng sa bẫy "việc nhẹ lương cao" ở Campuchia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những giọt nước mắt luôn chực chờ trào ra trên đôi mắt chị V.T.T.N. (SN 1993, trú tại làng Riêng, xã Ia Boòng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) khi nhắc đến người chồng đang sa bẫy “việc nhẹ lương cao” ở Campuchia. Đồng tiền ít ỏi kiếm được từ bán bánh mì thuê không đủ mua thuốc cho 2 đứa con nhỏ triền miên bệnh tật thì lấy đâu ra 100 triệu đồng gửi sang bên kia biên giới để chuộc chồng nên chị N. chỉ biết tất tả ngược xuôi gửi đơn thư cầu cứu.
Trò chuyện cùng chúng tôi, chị V.T.T.N. kể: Gia cảnh khốn khó nên chồng chị-anh Đ.V.H. (SN 1988) bỏ lại vợ trẻ con thơ, lẳng lặng bắt xe đò ra miền Bắc kiếm việc làm thuê. Điểm dừng chân mấy ngày đầu là một trường cao đẳng ở tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, mấy ngày sau, người thân nhận tin báo anh đang ở một sòng bạc mãi tận Campuchia. “Ngày 1-7-2022, chồng em báo đang ở Quảng Ninh. Anh ấy bảo ra đây học nghề ở một trường cao đẳng và đi bốc vác để có tiền trang trải chi phí ăn uống, học hành trong 4 tháng không lương, vợ con cứ yên tâm. Ngày 9-7, em không thể liên lạc với anh ấy. Đến ngày 11-7 thì em nghe Công an xã Ia Boòng báo có người tìm thấy chiếc vali vứt lại tại khu vực sát đường biên giới với Campuchia ở gần Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh). Trong vali có một số giấy tờ cá nhân, hồ sơ xin việc mang tên Đ.V.H. và một số giấy tờ mang tên V.T.T.N. nên lực lượng chức năng tiến hành xác minh. Em xác nhận vali này của chồng mình và báo Công an xã về việc chồng mất tích. Sau đó thì con ốm nặng phải nhập viện cấp cứu, em lu bu lo cho con. Mãi đến ngày 24-7, qua mạng xã hội, chồng em nhắn tin về bảo đang làm việc ở một casino do người Trung Quốc quản lý tại Campuchia. Khi nghe hỏi có phải đã vứt lại vali ở Tây Ninh, anh ấy bảo là người dẫn đường bắt phải làm thế, không làm không được”-chị N. nghẹn giọng.
Chị V.T.T.N. chia sẻ với P.V chuyện chồng bị bọn buôn người lừa đảo đi làm việc ở Campuchia. Ảnh: Nguyễn Tú
Chị V.T.T.N. chia sẻ với P.V chuyện chồng bị bọn buôn người lừa đảo đi làm việc ở Campuchia. Ảnh: Nguyễn Tú
Sau khoảng lặng như để ngăn dòng nước mắt chực trào, người phụ nữ trẻ gốc miền Trung kể tiếp: “Gia cảnh chúng em thực sự rất khó khăn. Sau khi cưới nhau, vợ chồng chỉ biết làm thuê làm mướn nuôi 2 đứa con thường xuyên đau ốm. Bố mẹ chồng cho ngôi nhà ở nơi hẻo lánh của xã Ia Boòng nên chúng em quyết định ra thị trấn Chư Sê thuê nhà trọ ở và làm mướn. Ở Chư Sê, anh ấy làm nghề giao hàng nhanh, còn em đi phụ người ta bán bánh mì. Một lần bất cẩn làm thất lạc kiện hàng trị giá 17 triệu đồng, anh H. không nói với em mà vay “tín dụng đen” để đền, rồi lãi mẹ đẻ lãi con. Dù gia đình hai bên đã cho ít tiền để trả bớt nhưng vẫn chưa hết nợ. Vì thế nên anh ấy phải đi tìm việc ở miền Bắc với ước mong có tiền trả dứt điểm số nợ”.
Gia đình anh H. trước khi bị lừa qua biên giới làm việc nhẹ lương cao. Ảnh: Gia đình cung cấp
Gia đình anh H. trước khi bị lừa qua biên giới Campuchia làm việc nhẹ lương cao. Ảnh: Gia đình cung cấp
Chuyến đi miền Bắc tìm việc không ngờ lại khiến anh H. sa bẫy của bọn tội phạm buôn người bên kia biên giới. Chị N. kể tiếp: “Hai vợ chồng quy ước 1 ký hiệu để nhắn tin với nhau trên mạng xã hội. Qua mấy lần nói chuyện, anh H. kể là trong khi tìm việc trên mạng thì sập bẫy bọn lừa đảo. Chúng còn gửi tiền để anh mua vé máy bay vào miền Nam rồi bắt anh vượt biên sang Campuchia. Sau đó, anh được đưa đến 1 ngôi nhà của người nước ngoài ở gần biên giới, xung quanh mênh mông sông nước. Ở ngôi nhà này, chúng bảo chồng em lừa mấy người khác xuất ngoại trái phép, phải đền 100 triệu đồng hoặc đi làm thuê cấn nợ. Dù anh ấy không lừa ai nhưng cũng phải cắn răng đi làm. Khi bị dọa bắn chết, đánh đập và bỏ đói, chồng em nói không làm thì bị áp tải chở về nơi đầu tiên và lại bị dọa bán sang một nơi khác. Hiện rất khó nhắn tin cho anh ấy. Ngoài bị quản lý chặt, bắt làm thâu đêm suốt sáng, anh H. còn bị nhốt trong phòng riêng. Chồng em nói là sau mấy vụ nổi loạn, bỏ trốn, chủ mấy sòng bạc không còn cho người Việt ở chung phòng nữa mà trà trộn người nhiều nước lẫn mấy đối tượng nghiện hút hoặc nhốt phòng riêng. Mới hôm trước, chồng em chụp lại vị trí đang ở và nhắn tin sẽ tìm cách trốn về Việt Nam vì biết nhà không có tiền chuộc, nếu anh bị bắn chết thì coi như xong một kiếp người, đừng quá đau buồn mà gắng nuôi con nên người”. Chị N. nấc nghẹn rồi than thở: “Thật sự bây giờ, em không biết làm sao, không thể xoay đâu ra 100 triệu đồng tiền chuộc, chỉ biết động viên chồng gắng làm để giữ mạng. Nhà chồng cũng không có tiền. Thậm chí, bữa nghe anh H. bị lừa qua Campuchia, 2 anh trai sợ mẹ già ốm nặng hay tin mà bị sốc nên đã đưa về quê ở với họ hàng. Em mong cơ quan chức năng giải cứu giúp để chồng tôi được toàn mạng trở về với vợ con”.
Theo ông Cù Minh Thông-Chủ tịch UBND xã Ia Boòng: Vợ chồng anh H. đã chuyển đến địa phương khác sinh sống nhiều năm. Tuy nhiên, liên quan đến thông tin anh này bị lừa qua Campuchia làm việc, xã đã nắm sự việc ban đầu, báo cáo lên cấp trên. “Công an xã cũng đã mời anh trai của anh H. lên làm việc để nắm thông tin, thông báo việc cơ quan chức năng tìm thấy vali có chứa một số giấy tờ liên quan tại khu vực biên giới tỉnh Tây Ninh. Chúng tôi cũng đang triển khai các hoạt động tuyên truyền để người dân biết, tránh sa bẫy lừa đảo việc làm bên kia bên giới”-ông Thông nói.
HOÀNH SƠN
 

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.