Đìu hiu chợ xã Ia Hla

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chỉ sau khoảng 3 tháng đi vào hoạt động, hầu hết tiểu thương đã rời chợ xã Ia Hla (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) để chuyển đến buôn bán tại những điểm đông dân. Tình trạng này khiến chợ xây dựng tiền tỷ trở nên đìu hiu, vắng bóng tiểu thương và vô cùng lãng phí.

Buôn bán ế ẩm, tiểu thương bỏ chợ

Chợ xã Ia Hla được xây dựng tại khu vực làng Tai Pêr với tổng kinh phí 3 tỷ đồng. Quy mô chợ hạng 3, diện tích nhà lồng hơn 431 m2, được phân thành 40 lô (mỗi lô 6 m2) và khu vực bán hàng tươi sống có mái che là 24 lô. Chợ khánh thành đi vào hoạt động từ tháng 9-2021 thu hút hơn 20 tiểu thương của xã Ia Hla, xã Ia Hlốp (huyện Chư Sê) đến kinh doanh. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 3 tháng, chợ xã Ia Hla đã phải bỏ không.

Trong khi chợ xã Ia Hla để cỏ dại mọc um tùm, trở thành điểm phơi nông sản, chăn thả bò thì cách đó chừng 200 m, tại ngã tư Tai Pêr, hàng ngày có khoảng 10 hộ dân mua bán các mặt hàng thực phẩm tươi sống. Cùng với đó, ở ngã tư Hra và các địa điểm khác cũng nhóm họp chợ tự phát.

Chợ xã Ia Hla xây dựng kiên cố nhưng lại bị bỏ hoang gần 3 năm nay. Ảnh: V.T

Chợ xã Ia Hla xây dựng kiên cố nhưng lại bị bỏ hoang gần 3 năm nay. Ảnh: V.T

Bà Tô Thị Thanh (xã Ia Hlốp) cho biết: “Năm 2021, công trình chợ xã Ia Hla được khánh thành đi vào hoạt động, toàn bộ tiểu thương vào chợ buôn bán. Tuy nhiên, chỉ 1-2 tháng sau đó, chợ ngày càng ế và lần lượt người bán bỏ ra bên ngoài. Bình thường, tôi bán ở ngã tư Tai Pêr 1 ngày được khoảng 1-1,5 triệu đồng, trong khi vào chợ Ia Hla mỗi ngày chỉ 200-250 ngàn đồng. Tình hình ế ẩm như vậy khiến chúng tôi đành trở lại ngã tư ngồi bán”.

Không riêng gì bà Thanh, bà Nguyễn Thị Mỹ Thương (xã Ia Hlốp) đã đến thuê mặt bằng ở ngã tư làng Tai Pêr để bán thực phẩm tươi sống hơn 10 năm nay. “Muốn tiểu thương vào chợ thì chính quyền địa phương phải quyết liệt dẹp hết việc mua bán trên khu vực này”-bà Thương đề xuất.

Còn bà Trần Thị Dung (làng Tai Pêr) thì nói: “Không phải chúng tôi không chấp hành, nhưng tất cả tiểu thương phải vào hết trong chợ, chứ bên ngoài khá thuận tiện cho người mua dừng xe thì trong chợ ai vào mua. Đó là chưa kể, chợ cách xa khu vực đông dân cư đến 200 m thì việc vào chợ mua thực phẩm xong, khách hàng quay ra tạp hóa mua những thứ khác cũng bất tiện”.

Trước tình hình đó, UBND xã Ia Hla đã thành lập Tổ tuyên truyền, vận động các tiểu thương vào chợ để kinh doanh và Tổ tham mưu, xử lý vi phạm hành chính, lấn chiếm lòng, lề đường, hành lang an toàn giao thông làm nơi kinh doanh, buôn bán. Hàng ngày, trước 5 giờ 30 phút, tổ công tác đã có mặt tại ngã tư Hra, Tai Pêr và các vị trí để làm nhiệm vụ.

Thời gian đầu, khi các tổ làm nhiệm vụ, một số tiểu thương còn vào chợ, nhưng khi lực lượng này về thì tiểu thương lại đem hàng hóa ra bên ngoài chợ bán. Bên cạnh đó, nhiều tiểu thương lấy lý do trong giấy phép kinh doanh có mặt hàng tươi sống nên bán trong nhà.

Quyết tâm đưa tiểu thương vào chợ

Để tránh lãng phí nguồn lực đầu tư, từ ngày 25-9-2024, UBND xã Ia Hla chỉ đạo Ban Quản lý chợ triển khai dọn vệ sinh, kiểm tra hệ thống điện nước trong nhà lồng, đồng thời chuẩn bị các điều kiện và thông báo cho các tiểu thương biết thời gian mở chợ.

Chính quyền địa phương đi vận động các hộ mua bán vào chợ xã Ia Hla trở lại bắt đầu từ ngày 25-9-2024. Ảnh: V.T

Chính quyền địa phương đi vận động các hộ mua bán vào chợ xã Ia Hla trở lại bắt đầu từ ngày 25-9-2024. Ảnh: V.T

Chủ tịch UBND xã Rah Lan Hoen cho biết: Đối với các tiểu thương đang lấn chiếm lề đường, hành lang an toàn giao thông, họp chợ sai quy định, không đảm bảo yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm tại ngã tư làng Tai Pêr, Hra và các địa điểm khác trên địa bàn xã, chính quyền yêu cầu phải vào chợ để kinh doanh kể từ 5 giờ sáng ngày 25-9.

Nếu tiểu thương nào cố tình không chấp hành thì đoàn kiểm tra liên ngành của huyện, các tổ công tác của xã sẽ tiến hành lập biên bản xử phạt hành chính và cưỡng chế hàng hóa theo quy định của pháp luật.

“Chúng tôi cũng tuyên truyền để cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ trong hệ thống chính trị 8 thôn, làng nêu cao tinh thần, trách nhiệm; không mua hàng tại ngã tư Tai Pêr, Hra và các địa điểm tự phát. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục kêu gọi các tiểu thương ở các xã lân cận như Ia Ko, Ia Hlốp vào đăng ký mua bán tại chợ để hình thành việc mua bán tập trung, góp phần phát triển hoạt động thương mại trên địa bàn”-ông Hoen nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.

Khoảng lặng ở Tây Hồ

Khoảng lặng thôn Tây Hồ

(GLO)- Khoảng lặng chúng tôi muốn nói đến chính là cuộc sống của những người từng mắc bệnh phong, sống lặng lẽ ở xóm cùi thuộc thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai).