Chợ chiều Phú Túc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-

Có ai đó đã từng nói, muốn tìm hiểu về một vùng đất, hãy đến phiên chợ của nơi ấy. Và chợ chiều thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) là nơi như thế khi hội tụ những nét đặc sắc rất riêng của miền quê vùng chảo lửa mà hiếm nơi nào có được.

Chợ chiều Phú Túc vốn là phiên chợ tự phát trên vỉa hè của các tuyến đường xung quanh chợ Phú Túc như Hai Bà Trưng, Nguyễn Văn Trỗi…Chợ bắt đầu khoảng 15 giờ hàng ngày đến khi tối mịt. Chợ có hơn 30 “sạp” hàng hoá của những nông dân chân đất trong vùng.

Các loại rau củ tươi rói, bắt mắt với người mua. Ảnh: Văn Ngọc

Các loại rau củ tươi rói, bắt mắt với người mua. Ảnh: Văn Ngọc

Trở về từ nương rẫy, chị Ksor H’Vơt (buôn Kết, thị trấn Phú Túc) mang chiếc gùi đựng hơn chục bó tiang liang ra chợ bán. Sau những cơn mưa, cây tiang liang trên rừng trổ lá non mơn mởn. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, chị đi bẻ những ngọn lá non rồi dùng dây cỏ buộc thành từng bó ngay ngắn xếp vào gùi. Mỗi bó, chị bán với giá 5 ngàn đồng. Cặm cụi tìm trong những bụi le, chị H’Vơt cũng bẻ được hơn chục búp măng tươi roi rói.

Một bó tiang liang non mơn mởn chỉ bán với giá 5 ngàn đồng. Ảnh: Văn Ngọc

Một bó tiang liang non mơn mởn chỉ bán với giá 5 ngàn đồng. Ảnh: Văn Ngọc

Và đó là những món hàng mà chị H’Vơt tranh thủ đem ra chợ chiều với hy vọng sẽ kiếm thêm đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống. Nhà có 3 con đang tuổi ăn tuổi học, vợ chồng chị làm lụng vất vả với hơn 5 sào mì song cuộc sống vẫn rất khó khăn. Song từ khi tranh thủ nhặt nhạnh những sản vật trên rừng quanh nương rẫy, mỗi ngày chị có thêm 50-100 ngàn đồng để đong thêm cân gạo, mua cho lũ nhỏ thêm cái bánh hay dành dụm mua được bộ quần mới. Hơn cả, mỗi bữa cơm tối của gia đình có thêm con cá, miếng thịt.

“Mùa này tiang liang đang non và ngon lắm nên mình hái về bán. Nhiều người rất thích ăn lá này, vừa ăn kèm với các món nướng, lại có thể giã làm muối chấm hay giã cùng với cá khô ăn đều ngon. Có người còn mua để làm quà gửi đi xa nữa. Gặp mùa khác thì mình có khi đi hái lá giang, cỏ thơm, hoặc đi bắt kiến về để bán. Buổi trưa mình đi khoảng 1 giờ hái lá, bẻ măng, chiều về bán khoảng 2 giờ rồi còn về nấu cơm. Dù không được bao nhiêu nhưng cũng có thêm ít đồng lo ăn mặc cho con”-chị H’Vơt tâm sự.

Một túi bóng có sẵn nguyên liệu của món lá mì xào chỉ có giá 10 ngàn đồng. Ảnh: Văn Ngọc

Một túi bóng có sẵn nguyên liệu của món lá mì xào chỉ có giá 10 ngàn đồng. Ảnh: Văn Ngọc

Cạnh đó, bà Ksor H’Rin (buôn Dù, thị trấn Phú Túc) cũng lụi cụi buộc bì lá mì trông rất bắt mắt cho khách lựa chọn. Có lẽ hiếm ở chợ nào bán sẵn món lá mì xào cà đắng như ở chợ chiều Phú Túc. Trong túi bóng là lá mì đã được vò nhuyễn với “combo” cà dại, cà đắng, ớt, măng, hoa đu đủ đực và được bán với giá…10 ngàn đồng.

Kiến và trứng kiến còn tươi chưa qua sơ chế cũng được bán tại đây. Ảnh: Văn Ngọc

Kiến và trứng kiến còn tươi chưa qua sơ chế cũng được bán tại đây. Ảnh: Văn Ngọc

Bà H’Rin cho biết: “Mỗi bì có thể nấu cho 3-4 người ăn thoải mái. Mua về chỉ cần thêm mắm muối, ai thích ăn cá hấp hay thịt ba chỉ thì bỏ thêm vào rồi xào lên một chút là có thể ăn ngay. Ở đây rất nhiều người thích ăn lá mì nhưng không có thời gian sơ chế vì vò lá mì mất nhiều thời gian. Tôi già rồi, làm nương không khỏe như lũ trẻ nên chịu khó làm thêm món này rồi mang ra chợ bán để đỡ đần con cháu, bán khi nào hết thì về chứ không để sang ngày mai được”.

Tôm cá vừa được đánh bắt trên sông Ba bày bán ở chợ chiều. Ảnh: Văn Ngọc

Tôm cá vừa được đánh bắt trên sông Ba bày bán ở chợ chiều. Ảnh: Văn Ngọc

Ở vùng đất nằm bên bờ sông Ba, chợ chiều cũng không thể thiếu những loại cá, tôm mà con sông này ban tặng. Những mớ tép tươi rói nhảy tanh tách đến những chú cá chốt, cá bống, cá trắng…đều dễ dàng tìm thấy ở chợ chiều Phú Túc. Chị Nguyễn Thị Hiền (thôn Bình Minh, xã Phú Cần) chia sẻ: “Sáng sớm, vợ chồng tôi đi gỡ lưới được bao nhiêu sẽ bỏ vào phiên chợ buổi sáng, rồi tiếp tục thả lưới cho buổi chiều nên tôm cá rất tươi. Người mua rất thích những đồ tươi vừa được vớt ở sông lên nên tôi chỉ bán khoảng 1 giờ là hết”.

Ở phiên chợ còn có những sản vật của địa phương như kiến và trứng kiến tươi, nấm mối, cà đắng, dưa gang, ớt, hoa đu đủ đực…có thể khơi gợi vị giác của bất kỳ du khách nào. Không ai nhớ rõ chợ chiều Phú Túc có tự bao giờ, song nó đã đi vào miền ký ức của biết bao người dân nơi đây, đặc biệt với những người xa quê hương.

Hoa đu đủ đực, nấm, kiếm mang đặc trưng ẩm thực Jrai mang nét riêng cho chợ chiều Phú Túc. Ảnh: Văn Ngọc

Hoa đu đủ đực, nấm, kiếm mang đặc trưng ẩm thực Jrai mang nét riêng cho chợ chiều Phú Túc. Ảnh: Văn Ngọc

Anh Nguyễn Ngọc Sơn (TP. Hồ Chí Minh) bồi hồi: “Vì công việc mà tôi phải đi làm xa nhưng lúc nào cũng nhớ mãi hương vị của các món ăn dân dã, bình dị ở quê. Bởi vậy mỗi lần về, tôi lại đi chợ chiều để tìm hương vị ấy, nó đặc trưng mà không nơi nào có được. Vợ tôi không phải người ở Krông Pa nhưng cũng rất thích đi chợ chiều, nhìn món gì cũng tươi, cũng ngon và đều muốn mua. Tôi vẫn thường nhờ người nhà mua rồi gửi xe vào, nhưng thú vị nhất vẫn là được đi dạo chợ thế này. Tôi nghĩ chợ chiều có thể là một điểm đến du lịch rất hấp dẫn vì tôi tin nhiều người thích khám phá sẽ bị mê hoặc”.

Có thể bạn quan tâm

Cô gái Jrai và hành trình lan tỏa ẩm thực truyền thống

E-magazineCô gái Jrai và hành trình lan tỏa ẩm thực truyền thống

(GLO)- Từng hờ hững với những món ăn truyền thống của dân tộc mình nhưng giờ đây, chị Rơ Châm H’Liên (SN 1989; làng Ó, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) đã trở thành “sứ giả” của ẩm thực Jrai. Nhiều đoạn video clip ngắn của H'Liên về những món ăn dân dã đang gây sốt trên mạng xã hội với hàng triệu lượt xem.

Độc đáo món xôi nếp ngũ sắc

Độc đáo món xôi nếp ngũ sắc

(GLO)- Nếu một lần được thưởng thức món xôi nếp ngũ sắc của người Thái, bạn sẽ không thể quên hương vị đậm đà, thơm ngon của nó. Tại ngày hội ẩm thực được tổ chức trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh Gia Lai vừa qua, du khách còn biết thêm về cách làm ra món xôi độc đáo này.

Học ăn

Học ăn

(GLO)- Tục ngữ có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Tôi hiểu ăn trong câu nói trên là ăn cho lễ phép, gọn gàng, có quy tắc cư xử trong khi ăn.
11 tỉnh, thành phố tham gia Ngày hội ẩm thực Gia Lai

11 tỉnh, thành phố tham gia Ngày hội ẩm thực Gia Lai

(GLO)- Tối 5-7, tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh Gia Lai, Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San khai mạc Ngày hội ẩm thực nhằm tôn vinh sự đa dạng trong văn hóa ẩm thực Gia Lai và các tỉnh lân cận, qua đó góp phần đẩy mạnh quảng bá du lịch.
Xáo chuối: Món ăn nhớ về lịch sử

Xáo chuối: Món ăn nhớ về lịch sử

(GLO)- Trong hầu hết mâm cỗ cúng đình miếu ở vùng An Khê và Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) đều có món xáo chuối. Đây là món đạm bạc nhưng lại hàm ẩn nhiều giá trị lịch sử và nhân văn mà người dân nơi đây muốn gửi gắm, trao truyền cho các thế hệ sau.
Thương nhớ cá đồng

Thương nhớ cá đồng

(GLO)- Khác với miền Nam quanh năm ấm áp, sản vật dồi dào, miền Bắc 4 mùa xuân, hạ, thu, đông rõ rệt nên thường là mùa nào thức ấy. Trong đó, loài cá, đặc biệt là cá đồng thì phải đúng mùa ăn mới thơm ngon.
Ẩm thực Việt Nam chinh phục người dân Nam Phi

Ẩm thực Việt Nam chinh phục người dân Nam Phi

Với mong muốn mang đến hương vị phong phú của các món ăn Việt Nam khác nhau đến với người dân Nam Phi, ngày 2/3, nhà hàng Obento tại thành phố Johannesburg đã tổ chức sự kiện Ẩm thực Việt Nam được đông đảo thực khách địa phương quan tâm.
“Đại thụ” về ẩm thực ở làng Tiêng 2

“Đại thụ” về ẩm thực ở làng Tiêng 2

(GLO)- Bà H’Nut được coi là “đại thụ” về ẩm thực truyền thống ở làng Tiêng 2 (xã Tân Sơn, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai)Ở tuổi 70, bà là người duy nhất ở làng đã dành trọn đời mình để giữ vẹn nguyên hương vị ẩm thực Jrai bao đời.
Những mùa kiệu... ngọt

Những mùa kiệu... ngọt

(GLO)- Ngày Tết cổ truyền của dân tộc, trong mâm cơm của gia đình người Việt, nhất là ở phía Nam, món dưa kiệu là món không bao giờ thiếu. Không gì bằng món dưa kiệu (ngâm cùng với đu đủ xanh, cà rốt, củ cải... tùy sở thích của người dùng) ăn cùng với bánh tét, bánh chưng.