(GLO)- Chợ chiều ven đô buôn bán khá tấp nập nhờ hàng hóa không chỉ tươi ngon mà giá còn khá rẻ so với các khu chợ trung tâm TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Ngày Tết, không ít chị em người Jrai đã tranh thủ đưa rau củ ra các khu chợ chiều ven đô để bán kiếm thêm thu nhập.
Chợ rau, chợ cá
2 giờ chiều ngày mùng 2 Tết, chị Ksor Nhít (làng Nha Prông, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) đem một gùi đầy hành lá và rau ngò đưa ra chợ chiều hẻm 626 Lê Duẩn bày bán. Giữa con hẻm đã có đến hàng chục người bày bán các loại rau, củ, quả, chị ngồi lặng lẽ mặc… ai mua thì mua. “2 ngàn đồng/bó. Mua 3 bó 5 ngàn đồng”-chị ra giá với khách bằng chất giọng còn pha ngái âm điệu Jrai. Ở các khu chợ chiều như thế này, khách hiếm khi phải mặc cả bởi mọi món đều có giá chung, rất dễ mua bán. “Ngồi 1 giờ đồng hồ mình đã bán được 1/3 gùi rồi. Chợ ngày Tết ít người bán hơn ngày thường nên bán chạy hơn”-chị Nhít nói.
|
Rau củ được bày bán chiều mùng 2 Tết tại chợ chiều Chư Á. Ảnh: Lê Hòa |
Ở một góc khác, mẹ con chị Ye (làng Nha Hyơn, xã Chư Á, TP. Pleiku) cũng đưa hoa lay ơn ra chợ bán. “Nhà mình trồng được gần 1 sào nhưng trước Tết khó bán quá, giờ hoa già bông nên cố gắng hái đưa ra chợ bán sớm được đồng nào hay đồng ấy”-chị Ye cho biết. Giá hoa lay ơn rẻ, hoa già nụ và dài bông nên không ít người sẵn lòng rút hầu bao mua ủng hộ mẹ con chị Ye 1-2 bó lay ơn coi như giúp nhà vườn. Tương tự, vợ chồng anh Krít (làng Choét 2, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) cũng đưa ra đủ loại rau củ: su lơ, xà lách, dưa leo, cà rốt, rau muống, đậu cô ve, cà chua… ra chợ chiều hẻm 626 Lê Duẩn bày bán. “Giá rau củ chỉ tương đương dịp trước Tết thôi, trung bình 12-15 ngàn đồng/kg cải bắp, đậu cô ve, dưa leo, cà chua. Riêng su lơ xanh có giá 20 ngàn đồng, rau muống lên 5 ngàn đồng/bó nhỏ. Sau Tết, mọi người ngán đồ ăn nhiều mỡ, ngọt nên rau xanh bán rất đắt hàng”-anh Krít phấn khởi nói.
Ở chợ chiều Chư Á, hàng hóa tươi sống còn được bày bán phong phú hơn. Nhân mấy ngày Tết, bà con “đánh liều” đưa hàng hóa ra sát mép quốc lộ 19 để bán cho khách đi đường. Ở đây có gần như đủ loại rau củ, từ xà lách, cải ngồng, ngọn bí, bầu bí, dưa leo đến trái cây… Đặc biệt, sau ngày mùng 1 Tết không mở chợ, người làng vẫn đi đánh bắt lươn cá nên cá đồng, lươn, chạch… đưa ra chợ rất nhiều. Giá bán chỉ chênh cao so với ngày thường tầm 5-10 ngàn đồng/kg: cá lóc nuôi (80 ngàn đồng/kg), cá rô phi loại nhỏ, cá rô ta (50-100 ngàn đồng/kg), lươn đồng (200-250 ngàn đồng/kg tùy độ lớn nhỏ)…
|
Chợ chiều hẻm 626 Lê Duẩn đã đông đúc người mua, người bán chiều ngày mùng 2 Tết. Ảnh: Lê Hòa |
Mua bán dễ chịu
Xách về một túi xà lách, rau thơm, hành ngò lớn, chị Nguyễn Thị Thúy An-chủ một quán ăn sáng trên đường Lê Duẩn gần đó vui vẻ nói: “Tôi bán bún phở nhiều năm ở đây nhưng chợ chiều rẻ, rau củ tươi ngon nên toàn ghé đây mua về trộn rau sống bán bún phở. Giá rau củ vậy là rẻ so với trung bình các năm. Năm nào hầu như quán tôi cũng mở bán từ ngày mùng 2 Tết vì khách đi vui chơi, tham quan đi lại ngang đây nhiều”.
|
Cá, lươn, ếch đồng được các chị đưa ra chợ chiều Chư Á bán ngày mùng 2 Tết. Ảnh: Lê Hòa |
Theo em Mai (làng Bông Phun, xã Chư Á, TP. Pleiku) cho biết: “Đầu năm, nhiều gia đình người Kinh quan niệm ăn cá lóc lấy may nên từ sáng mùng 2 Tết em đã đưa cá lóc lên bán tại chợ Phù Đổng rồi chiều lại lấy thêm hàng đưa ra chợ chiều Chư Á bán. Ngày nay em cũng bán được hai chục kg cá”. Ngồi bán bên cạnh, chị Ye cũng chi sẻ niềm vui: “Riêng buổi chiều nay đưa hoa ra chợ mình bán được vài chục bó. Tương tự, chị Mai (làng Do Guah, xã Chư Á) cũng phấn khởi vì chỉ một lát, 2 gùi su lơ xanh chị cắt từ vườn ra đã bán cạn. “Ngày thường mình ít khi bán chạy hàng được như này. Khách lại mua bán dễ chịu, có người còn lì xì cho mình nữa. Mai mình sẽ đưa rau ra bán tiếp”-chị Mai phấn khởi nói.
…Bên cạnh những chợ trung tâm được đầu tư xây dựng phục vụ nhu cầu giao thương cho người dân, tại ngoại thành Pleiku hiện nay tồn tại không ít chợ chiều”ven đô-nơi phần đông những người buôn bán là chị em người Jrai sinh sống tại các làng lân cận. Nhờ hàng hóa từ vườn đến tay người tiêu dùng, hạn chế các tầng bước trung gian nên giá cả luôn mềm hơn so với các nơi khác. Đặc biệt, người bán vì còn thuần nông dân nên mặc cả, bán buôn rất hiền lành, ít khi lớn tiếng, khó chịu…
Lê Hòa