Dự án sắp xếp, ổn định dân cư tại Mang Yang:

"Điểm tựa" giúp người dân ổn định cuộc sống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, huyện Mang Yang triển khai dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư làng Pyâu (Lơ Pang), Đê Bơ Tơk (Đak Jơ Ta), Đê Kôn (Hra) nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế.

Theo đó, Dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư làng Pyâu (xã Lơ Pang), làng Đê Bơ Tơk (xã Đak Jơ Ta), làng Đê Kôn (xã Hra) được triển khai với các hạng mục gồm: đầu tư làm 6,5 km đường giao thông (làng Pyâu 2,18 km, làng Đê Bơ Tơk 2,42 km, làng Đê Kôn 1,9 km); ổn định dân cư cho 202 hộ dân (93 hộ ổn định tại chỗ, 109 hộ được bố trí tái định cư), trong đó làng làng Pyâu 95 hộ, làng Đê Bơ Tơk 74 hộ, làng Đê Kôn 33 hộ. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ đào giếng, cung cấp nước sinh hoạt tự chảy… Tổng kinh phí thực hiện dự án hơn 45 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án 2023-2025. Mục tiêu của dự án nhằm tạo điều kiện cho các hộ dân sớm ổn định đời sống, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần góp phần xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

he-thong-duong-giao-thong-nong-thon-o-lang-de-kon-xa-hra-duoc-dau-tugiup-nguoi-dan-di-lai-thuan-loi.jpg
Hệ thống đường giao thông nông thôn ở làng Đê Kôn (xã Hra) được đầu tư giúp người dân đi lại thuận lợi. Ảnh: Lê Nam

Gia đình chị Mrep (làng Đê Kôn, xã Hra) là 1 trong 33 hộ khó khăn về đất ở được Ban nhân dân thôn bình xét chuyển đến vị trí tái định cư, vui mừng cho biết: “Gia đình tôi có 5 nhân khẩu và thuộc diện hộ cận nghèo của xã. Nhiều năm nay, gia đình ở trong căn nhà chật hẹp, thiếu đất ở để xây thêm công trình phụ. Khi huyện triển khai dự án và bố trí đất ở cho người dân, gia đình thuộc diện được tái định cư đến vị trí mới rộng hơn nên rất vui. Hy vọng dự án sớm hoàn thành hạ tầng để gia đình triển khai làm nhà".

Anh Hriu-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đê Kôn-cho biết: Đê Kôn là làng đặc biệt khó khăn. Làng có 58 hộ dân, với 274 nhân khẩu, trong đó 100% hộ dân là người đồng bào dân tộc Bahnar. Làng hiện còn 13 hộ nghèo (chiếm 22,4%), 17 hộ cận nghèo (chiếm 29,3%). Thời gian qua, làng được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường học, nhà văn hóa. Đến nay, trục đường từ xã vào làng đã được bê tông hóa; nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học được kiên cố hóa; nước sinh hoạt đảm bảo cho người dân sử dụng. “Dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư đang được triển khai sắp hoàn thành nên người dân trong làng rất phấn khởi. Dự án sẽ giúp nhiều hộ dân trong làng được bố trí nơi ở mới, rộng rãi. Đây là động lực để người dân ổn định cuộc sống, cố gắng tập trung vào phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”-anh Hriu chia sẻ.

cac-don-vi-thi-cong-dang-day-nhan-tien-do-de-hoan-thanh-cac-hang-muc-de-som-bo-tri-tai-dinh-cu-cho-33-ho-dan-lang-de-kon-xa-hra.jpg
Các đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành các hạng mục để sớm bố trí tái định cư cho 33 hộ dân làng Đê Kôn (xã Hra). Ảnh: Lê Nam

Theo Chủ tịch UBND xã Hra Trần Thanh Tuấn: Xã có 2 thôn người Kinh, 7 làng người DTTS, với 1.993 hộ, 9.896 nhân khẩu. Những năm gần đây, từ nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, xã Hra đã được đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Điều này đã tạo điều kiện cho người dân ổn định nơi ở, có điều kiện phát triển kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Trong đó, theo dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư làng Đê Bơ Tơk (xã Đak Jơ Ta) được hỗ trợ làm 2,4 km đường giao thông, hỗ trợ đào 28 giếng cung cấp nước cho 28 hộ tái định cư, hỗ trợ 25 bộ đèn điện chiếu sáng (bóng đèn, cột điện, pin năng lượng mặt trời). Ông Nông Văn Đạo-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đê Bơ Tơk-cho hay: Làng có 182 hộ, 776 nhân khẩu, trong đó hộ đồng bào DTTS chiếm 98%. Người dân ở đây đa phần làm nông nghiệp với các cây trồng chính như: mì, bạch đàn và keo lai, bời lời, lúa nước nên đời sống còn khó khăn. Làng còn 93 hộ nghèo, 57 hộ cận nghèo. Thời gian qua, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước nhiều tuyến đường giao thông trong làng cơ bản được bê tông hóa, chỉ còn một vài con đường nhỏ. Đây là điều kiện góp phần tạo thuận lợi cho bà con đầu tư sản xuất, giao thương hàng hóa.

hau-het-cac-tuyen-duong-giao-thong-nong-thon-o-lang-de-bo-tok-xa-dak-jo-ta-duoc-dau-tu-be-tong-hoa-giup-nguoi-dan-di-lai-giao-thuong-hang-hoa-thuan-tien.jpg
Hầu hết các tuyến đường giao thông nông thôn ở làng Đê Bơ Tơk (xã Đak Jơ Ta) được đầu tư bê tông hóa giúp người dân đi lại, giao thương hàng hóa thuận tiện. Ảnh: Lê Nam

Theo ông Nguyễn Phi Thủy-Chủ tịch UBND xã Đak Jơ Ta: Nhờ các nguồn lực đầu tư của Nhà nước về cơ sở hạ tầng của làng Đê Bơ Tơk nói riêng và của cả xã nói chung đã từng bước thay đổi diện mạo nông thôn, đường sá đi lại thuận lợi giúp người dân phát triển kinh tế. “Thời gian tới, UBND xã tiếp tục triển khai có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025”-Chủ tịch UBND xã Đak Jơ Ta thông tin.

Huyện Mang Yang có 12 xã, thị trấn với 80 thôn, làng, tổ dân phố (gồm 60 làng, 6 tổ dân phố, 14 thôn người Kinh), trong đó có 41 thôn, làng đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS. Theo một lãnh đạo huyện cho biết, thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần tích cực giúp cho đời sống vật chất, tinh thần của vùng đồng bào DTTS được nâng lên, đồng bào DTTS có thêm động lực và điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Có thể bạn quan tâm

Đoàn giám sát HĐND tỉnh giám sát tại thị xã Ayun Pa về “việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Nhiều địa phương gặp khó trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ nghèo

(GLO)- Thực hiện Dự án 1-Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi các địa phương đã triển khai hỗ trợ nhà ở, đất ở cho hộ nghèo. Tuy nhiên, một số địa phương gặp khó trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng này.

Anh Đinh Bưng (làng Nhoi, xã Tú An) phấn khởi khi được dùng nước sạch. Ảnh: A.P

Phát huy hiệu quả vốn vay chương trình nước sạch, vệ sinh

(GLO)- Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), hàng ngàn hộ dân trên địa bàn thị xã có thêm điều kiện đầu tư nâng cấp, xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.