Nguồn vốn vay ưu đãi: “Điểm tựa” thoát nghèo ở Ia Sao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ dân xã Ia Sao (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã có thêm nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Thoát nghèo nhờ vốn ưu đãi

Nhờ nguồn vốn vay từ chương trình tín dụng chính sách ưu đãi và chăm chỉ làm ăn, tiết kiệm chi tiêu nên gia đình chị Nay H’Blă (buôn Khăn) đã thoát nghèo. Không những thế, gia đình chị còn xây dựng được ngôi nhà khang trang.

nguon-von-vay-uu-dai-bg-4821.jpg
Chị Nay H’Blă (đứng giữa, buôn Khăn) chia sẻ với hội viên phụ nữ về việc sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi. Ảnh: V.C

Chị H’Blă kể: Năm 2018, thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã, chị được vay 50 triệu đồng nguồn vốn hỗ trợ sản xuất kinh doanh và 20 triệu đồng nguồn cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) thị xã.

Với nguồn vốn quý giá này, vợ chồng chị đầu tư mua 3 con bò sinh sản, làm chuồng trại chăn nuôi cũng như đầu tư xây dựng nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh, lắp đặt hệ thống nước sạch phục vụ sinh hoạt.

Nhờ chăm sóc tốt, đàn vật nuôi sinh sản nhanh, có lúc lên đến 15 con. Chị dùng nguồn phân bò để cải tạo đất cho 3 ha mì và 2 sào lúa nước, năng suất cây trồng tăng cao. Đầu năm 2024, sau khi trả hết nợ ngân hàng, chị bán bớt bò, cùng với số tiền tích góp xây dựng căn nhà mới khang trang trị giá 400 triệu đồng.

“Nhờ được vay vốn để phát triển kinh tế, đến nay, gia đình tôi đã có cuộc sống no ấm, hạnh phúc. Tôi đã đăng ký với ngân hàng để được vay tiếp 100 triệu đồng nguồn vốn giải quyết việc làm. Hy vọng nguồn vốn sẽ được giải ngân sớm để gia đình đầu tư mua thêm ruộng rẫy và bò sinh sản nhằm tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống”-chị H’Blă dự tính.

Nhận thấy lợi ích từ nguồn vốn ưu đãi, năm 2020, bà Nay H’Krôn (cùng buôn Khăn) vay 70 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã để chăn nuôi bò và làm nhà tiêu, nhà tắm đảm bảo vệ sinh môi trường.

Sau 4 năm, bà duy trì 8 con bò giống, bê sinh ra sau khi chăm sóc khỏe mạnh sẽ được xuất bán để lấy vốn đầu tư giống, phân bón cho cây trồng. Với 3 ha thuốc lá, bắp; 1 ha mì; 1 ha lúa nước và đàn bò, mỗi năm, gia đình bà thu nhập trên 200 triệu đồng, trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương.

Với những người phụ nữ nông thôn như bà H’Krôn thì nguồn vốn tín dụng chính sách rất phù hợp để đầu tư sản xuất, có điều kiện trả lãi, gốc. Bà H’Krôn phấn khởi nói: “Nhờ nguồn vốn chính sách mà nhiều gia đình trở nên khấm khá. Giờ đây, hầu hết các gia đình trong buôn đều xây được nhà ở khang trang, con em đến trường đầy đủ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên”.

nguon-von-vay-uu-dai0-624.jpg
Bà Nay H’Krôn (buôn Khăn) sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi để chăn nuôi bò sinh sản. Ảnh: V.C

Cũng theo bà H’Krôn, trước đây, bà con trong buôn thường vay vốn của thương lái. Không chỉ phải chịu lãi suất cao mà còn bị ép giá mỗi khi vào vụ thu hoạch, tiền bán nông sản phải trả nợ hết. Đến với nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH, không chỉ được tư vấn chương trình vay vốn phù hợp, hướng dẫn làm thủ tục hồ sơ và giải ngân nhanh gọn, bà con còn được hướng dẫn sử dụng vốn vay đúng mục đích.

Hội LHPN xã Ia Sao đang quản lý 7 tổ tiết kiệm và vay vốn tại buôn Khăn và buôn Hoang 1 với 380 hộ vay, tổng dư nợ trên 17 tỷ đồng. Không chỉ kịp thời giúp hội viên có tiền mua cây-con giống, đầu tư phân bón chăm sóc cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, nguồn vốn tín dụng chính sách còn giúp Hội LHPN xã thu hút hội viên, vận động, hỗ trợ chị em phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và đặc biệt là thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”.

Bà Nay H’Nhớt-Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Sao-cho biết: Trên cơ sở kết quả đạt được, Hội LHPN xã phối hợp chặt chẽ với Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH tiếp tục mở rộng các chương trình cho vay, tăng thêm hạn mức, tạo điều kiện cho các hội viên phát triển kinh tế vươn lên làm giàu; qua đó, hạn chế “tín dụng đen” và góp phần nâng cao chất lượng công tác Hội tại địa phương.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Xác định nguồn vốn tín dụng chính sách là “điểm tựa” giúp người dân phát triển sản xuất kinh doanh, UBND xã Ia Sao phối hợp với các hội, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa của các chương trình tín dụng ưu đãi để các đối tượng có nhu cầu nắm bắt; bình xét đối tượng được vay vốn, lập hồ sơ cho vay, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, đúng nhu cầu.

Sau khi vốn vay đến tay người dân, các hội, đoàn thể tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo vốn sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả và trả lãi, gốc đúng thời hạn, không để nợ xấu xảy ra.

3vc-5391.jpg
Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn buôn Khăn phối hợp với cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã kiểm tra hiệu quả việc sử dụng nguồn vốn vay của người dân. Ảnh: Vũ Chi

Hiện nay, Hội Nông dân xã đang quản lý 3 tổ tiết kiệm và vay vốn, tổng dư nợ trên 6,2 tỷ đồng với 133 hộ vay. Bà Ksor H’Sách-Chủ tịch Hội Nông dân xã-cho biết: Ngay từ đầu năm, Hội đã tiến hành rà soát nhu cầu vay vốn của hội viên nông dân để tư vấn, giới thiệu nguồn vốn phù hợp.

Khi vay vốn, trên cơ sở cam kết của hộ hội viên, định kỳ hàng tháng, các tổ tiết kiệm và vay vốn kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn, đôn đốc thực hiện nghĩa vụ với ngân hàng.

Với những trường hợp gặp khó khăn, tổ trưởng báo cáo cụ thể cấp thẩm quyền để có biện pháp tháo gỡ kịp thời, tạo điều kiện để hộ vay trả lãi theo mùa vụ. Nhờ đó, 100% hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả, không để xảy ra nợ xấu.

“Ngoài nguồn vốn tín dụng chính sách, từ năm 2022 đến nay, Hội Nông dân xã còn phối hợp giải ngân 500 triệu đồng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân thị xã cho 12 hộ hội viên thuộc 2 tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi heo và chăn nuôi bò sinh sản.

Từ nguồn vốn này, các hội viên mạnh dạn tăng đàn, đầu tư nguồn thức ăn dinh dưỡng, đảm bảo vật nuôi mau lớn, sinh sản nhanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình”-bà H’Sách thông tin thêm.

Theo thống kê, xã Ia Sao hiện có 15 tổ tiết kiệm và vay vốn với 1.188 hộ vay. Tổng dư nợ đến tháng 10-2024 là trên 34 tỷ đồng. Trong đó, vay giải quyết việc làm 11,6 tỷ đồng; vay hộ nghèo 1,6 tỷ đồng; vay nước sạch và vệ sinh môi trường 6,7 tỷ đồng; vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 10,1 tỷ đồng; vay hộ mới thoát nghèo 1,8 tỷ đồng… Sự đa dạng ở các chương trình cho vay giúp các hộ có hoàn cảnh khó khăn dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn chính sách.

Bên cạnh đó, điểm giao dịch của Ngân hàng CSXH thị xã được đặt ngay tại trụ sở UBND xã đã góp phần giảm chi phí đi lại cho người dân, công khai, dân chủ trong hoạt động tín dụng. Hầu hết hoạt động như thu nợ, thu lãi, cho vay, huy động vốn đều thực hiện tại điểm giao dịch xã, tạo thuận lợi cho người dân, các tổ tiết kiệm và vay vốn cũng như ngân hàng.

Theo bà Nguyễn Thị Tánh-Phó Chủ tịch UBND xã: Nguồn vốn tín dụng chính sách đã trở thành “bà đỡ” cho nhiều hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trong phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, vươn lên ổn định cuộc sống. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm mạnh theo từng năm. Đến cuối năm 2023, xã còn 35 hộ nghèo và 40 hộ cận nghèo; giảm 21 hộ nghèo và 9 hộ cận nghèo so với đầu năm.

“Thời gian tới, xã tiếp tục phối hợp với các hội, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của nguồn vốn ưu đãi để người dân mạnh dạn tiếp cận. Phối hợp kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người dân sử dụng vốn vay đúng mục đích và trả lãi, gốc đúng thời hạn, xử lý nợ xấu.

Bên cạnh đó, UBND xã lồng ghép nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, các chương trình, dự án để tạo ra gói hỗ trợ đủ mạnh, giúp người dân phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương”-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Sao nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Hội chợ hoa Xuân Ất Tỵ 2025 sẽ được tổ chức ở khu vực Công viên Kpă Klơng (thị trấn Chư Sê). Ảnh: M.K

Sẵn sàng Hội chợ hoa Xuân Ất Tỵ 2025

(GLO)- Hội chợ hoa xuân không chỉ tạo điều kiện cho các nhà vườn tiêu thụ sản phẩm mà còn là điểm đến hấp dẫn của người dân, du khách mỗi khi Tết đến xuân về. Chính vì vậy, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã tập trung triển khai các phương án nhằm tổ chức Hội chợ hoa Xuân Ất Tỵ 2025 an toàn, vui tươi.

Khởi sắc Ia Mơ Nông

Khởi sắc Ia Mơ Nông

(GLO)- Tuy xuất phát điểm thấp, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm đa số nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức của người dân, diện mạo xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) đang từng ngày khởi sắc.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trần Minh Sơn (bìa phải) tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ Trại giam Gia Trung. Ảnh: Hoàng Hoài

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Trại giam Gia Trung và các gia đình có công tiêu biểu ở huyện Mang Yang

(GLO)- Sáng 10-1, đoàn công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai Trần Minh Sơn làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Trại giam Gia Trung và các gia đình có công tiêu biểu ở huyện Mang Yang.

UBND tỉnh ban hành 7 thủ tục mới thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND các huyện, thị xã, thành phố trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quỹ

Gia Lai công bố 14 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quỹ

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Quyết định số 29/QĐ-UBND công bố danh mục gồm 7 thủ tục hành chính mới, 9 thủ tục bị bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Nội vụ; 7 thủ tục mới, 9 thủ tục bị bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quỹ.