Đi lại, sinh hoạt dịp tết khi đang có dịch covid-19: Không tùy tiện cấm đoán, cách ly

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

 Dịch Covid-19 còn kéo dài, không thể "ngăn sông cấm chợ", cản trở sinh hoạt của người dân. Thay cho việc đóng cửa, nên nỗ lực nhanh chóng trong khoanh vùng, truy vết để dập dịch.



Theo công bố của Bộ Y tế, cả nước hiện có 52 điểm được coi là vùng dịch, tập trung chủ yếu ở tỉnh Hải Dương, sau đó là các tỉnh, thành: Quảng Ninh, Hà Nội, Gia Lai, Hòa Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương, TP HCM. Do chưa có hướng dẫn cụ thể của ngành chức năng về phòng dịch Covid-19 đối với người từ tỉnh, thành này đến tỉnh, thành khác nên mỗi địa phương có cách ứng xử khác nhau đối với người về quê đón Tết Tân Sửu.

 

 Việc cách ly những người không liên quan đến ổ dịch tại các địa phương là không đúng quy định. (Ảnh chỉ có tính minh họa).Ảnh: KỲ NAM
Việc cách ly những người không liên quan đến ổ dịch tại các địa phương là không đúng quy định. (Ảnh chỉ có tính minh họa).Ảnh: KỲ NAM


Hà Nội không cấm dân về các địa phương

Hà Nội: Người từ các địa phương đã khoanh vùng chống dịch đến Hà Nội thì phải xét nghiệm và cách ly tại nhà. TP cũng yêu cầu người dân hạn chế di chuyển. Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội, cho hay Hà Nội không cấm người dân về các địa phương. Quan trọng là người dân đi như thế nào và thấy có cần thiết phải đi hay không...

Bắc Giang: Cách ly 14 ngày đối với người dân đến từ Hải Dương và Quảng Ninh. Trong đó, cách ly tập trung với người từng ở các tâm dịch, còn lại cách ly tại nhà. Với người dân về từ các địa phương khác như Hà Nội, Gia Lai, Bắc Ninh… chỉ cách ly tập trung các trường hợp từng ở tâm dịch đã được Bộ Y tế công bố.

Hải Phòng: Cách ly tập trung những người trở về từ vùng dịch (theo quyết định của Bộ Y tế). Còn những người về từ vùng phụ cận phải cách ly tại nhà.

Thanh Hóa: Cách ly tập trung đối với người về từ các địa phương có dịch. Ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa, thông tin: "Không phải bất kể ai về từ Hà Nội, TP HCM hay các địa phương khác đang có dịch bắt buộc phải cách ly tập trung. Những người từng sinh sống ở các điểm có ca mắc Covid-19 như Bộ Y tế công bố khi về quê sẽ phải cách ly tập trung, còn vị trí khác có thể không. Tuy nhiên, tất cả người dân khi về quê đều phải khai báo y tế".

Nam Định: Yêu cầu khai báo y tế đối với những người đi qua, đến, lưu trú tại 52 địa điểm có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao theo thông báo của Bộ Y tế.

Miền Trung: Nhiều tỉnh cách ly triệt để

Nghệ An và Hà Tĩnh: Cách ly tập trung 14 ngày và lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 với người đến và về từ khu vực có dịch đang thực hiện giãn cách xã hội, nơi có ca mắc Covid-19 từng đến, vùng bị phong tỏa. Các trường hợp khác từ ngoại tỉnh trở về đều phải khai báo y tế, theo dõi sức khỏe tại nhà.

Ông Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An, cho biết tỉnh Nghệ An "không ngăn sông cấm chợ" mà luôn tạo điều kiện cho tất cả người dân khi trở về quê trong dịp nghỉ Tết.

Đà Nẵng: Người về từ tỉnh Hải Dương (từ ngày 13-1) và tỉnh Quảng Ninh (từ ngày 18-1) được cách ly y tế tại nhà đủ 21 ngày, lấy mẫu xét nghiệm 3 lần. Quy định cách ly 21 ngày cũng áp dụng đối với các trường hợp về từ ổ dịch và các khu vực phong tỏa tính từ ngày ổ dịch được xác định và khu vực đó được phong tỏa.

Riêng những người trở về từ các vùng dịch thuộc các tỉnh, TP như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hòa Bình, Gia Lai và các địa phương khác theo thông báo của Bộ Y tế; người nghi ngờ là F1, F2 phải chủ động khai báo để được tư vấn và áp dụng các biện pháp can thiệp y tế phù hợp.

Quảng Ngãi: Cách ly 21 ngày đối với người dân về từ các nơi đang phong tỏa; từng đến/lưu trú ở các địa điểm, mốc thời gian phát hiện ca Covid-19 theo công bố của Bộ Y tế. Còn đối với người dân về từ các địa phương có dịch (không thuộc các phường, xã đã công bố ca bệnh) thì khai báo y tế, theo dõi, hạn chế tiếp xúc cộng đồng và xét nghiệm khi có triệu chứng ho, sốt, khó thở…

Quảng Nam: Lấy mẫu xét nghiệm, cách ly tập trung đối với trường hợp F1; người trở về từ các địa điểm, mốc thời gian xuất hiện ca Covid-19 theo công bố của Bộ Y tế. Cách ly tại nhà đối với F2 và người trở về từ các huyện, thị xã, TP đang áp dụng phong tỏa, cách ly xã hội.

Bình Định: Nâng mức cách ly tập trung từ 14 lên 21 ngày đối với người đến, ở, về từ ổ dịch chưa qua 14 ngày là tỉnh Hải Dương; Quảng Ninh; huyện Ia Pa, huyện Krông Pa và thị xã Ayun Pa thuộc tỉnh Gia Lai; quận Nam Từ Liêm, Hà Nội và các ổ dịch khác theo công bố của Bộ Y tế.

Khánh Hòa: Yêu cầu người dân khai báo y tế khi về từ vùng có ca nhiễm Covid-19, đặc biệt có tiếp xúc với các trường hợp F1, F2, F3 để ngành y tế có hướng dẫn cụ thể.

Đắk Lắk: Người về từ các địa phương có ca Covid-19 ở 3 tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Gia Lai sẽ cách ly tại nhà 21 ngày. Trường hợp về từ các địa phương có dịch còn lại (TP Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh…) phải khai báo y tế để được hướng dẫn, thực hiện các biện pháp phòng dịch phù hợp.

Trước đó, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk có văn bản yêu cầu các trường hợp về từ Hải Dương, Gia Lai, Bình Dương, Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hòa Bình, Bắc Giang, TP HCM, Hải Phòng buộc phải cách ly tại nhà 21 ngày khiến dư luận hoang mang. Sau đó, văn bản này được thu hồi.

Miền Nam: Khuyên người dân không về quê

TP HCM: Cách ly tập trung đối với những người đến từ xã An Bình, huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) và thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) từ ngày 18-1; các huyện Krong Pa, Phú Thiện, Iapa (Gia Lai) từ ngày 31-1. Người dân phải ghi lại nhật ký tiếp xúc trong thời gian nghỉ Tết. Trong đó, cần ghi lại số ghế, số đăng ký phương tiện công cộng để khai báo y tế.

An Giang: Người về từ các địa phương đang có ca nhiễm trong cộng đồng phải khai báo y tế; hạn chế tiếp xúc, đi lại và tham gia các hoạt động vui chơi, tụ tập đông người. Khi có biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn cụ thể.

Cần Thơ, Vĩnh Long: Xét nghiệm, cách ly tập trung đối với người về từ tâm dịch hoặc từng đến những nơi có ca nhiễm Covid-19 theo thông báo khẩn của Bộ Y tế. Những người trở về từ các địa phương có dịch nhưng không phải tâm dịch thì phải xét nghiệm và cách ly tại nhà.

Bạc Liêu, Cà Mau: Bắt buộc khai báo y tế đối với 100% người trở về hoặc đến tạm trú ở Bạc Liêu từ các tỉnh, thành có dịch và các ổ dịch được Bộ Y tế công bố.

Ngoài ra, các tỉnh Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau cũng có thông báo khuyến cáo người dân trong tỉnh đang có người thân ở những vùng có dịch vận động thân nhân không về quê trong giai đoạn này.

 

"Trong ngày 4-2, Việt Nam có thêm 46 ca Covid-19 lây nhiễm trong nước, trong đó 37 ca là công nhân Công ty Poyun (Hải Dương) đã được cách ly.

Bộ Y tế sẽ sớm có hướng dẫn

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết thời gian qua, Bộ Y tế nhận được phản ánh về việc một số địa phương ứng xử với người dân về quê chưa đúng, chưa hiểu hết thế nào là người đi từ vùng dịch hoặc đi qua vùng dịch hoặc ở địa phương có những ổ dịch. Bộ Y tế đang giao Cục Y tế dự phòng khẩn trương tham mưu, ra văn bản hướng dẫn để có thể thực hiện một cách thống nhất trên toàn quốc. "Thời gian qua, dù chưa có văn bản hướng dẫn nhưng với những địa phương bị phản ánh thì chúng tôi hướng dẫn trực tiếp. Văn bản đang được thực hiện, sẽ nhanh ban hành trong thời gian sớm nhất" - ông Đỗ Xuân Tuyên nói.
Dừng, đỗ xe nhiều dễ phát tán mầm bệnh

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cấp cao Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế), căn cứ vào tình hình dịch, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chưa cấm việc đi lại giữa các tỉnh - thành, trừ những nơi đã phong tỏa. Như vậy, không phải cứ người ở Hà Nội đi về các địa phương là phải thực hiện biện pháp cách ly y tế (cách ly tập trung, cách ly tại nhà).

Tương tự, với người từ TP HCM hay một số tỉnh có ghi nhận ca bệnh nhưng không nằm trong vùng dịch thì cũng chưa có yêu cầu phải cách ly khi về quê vào những ngày này.

Còn với những người khi về những nơi như Quảng Ninh, Hải Dương... mà không đi vào các vùng có ổ dịch, sau khi ăn Tết xong, quay về Hà Nội cũng không phải cách ly y tế.

Với các địa phương chưa có dịch, ông Phu cho rằng việc dừng các phương tiện cá nhân khi đi qua địa phận tỉnh mình để phun khử khuẩn là không cần thiết. Việc dừng/ đỗ hay vận chuyển hàng hóa lên/ xuống có thể làm tăng nguy cơ phát tán mầm bệnh.



Theo NHÓM PHÓNG VIÊN (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.