Đẩy mạnh tuyên truyền chính sách bảo hiểm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hội thảo “Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng góp phần đưa chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), BHXH tự nguyện vào cuộc sống” vừa được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai phối hợp với Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Trung ương), Trung tâm Truyền thông (BHXH Việt Nam) tổ chức tại TP. Pleiku. Tại hội thảo, các cơ quan, ban, ngành đã thảo luận đóng góp nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền miệng về BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh.
Tại hội thảo, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tống Thới Mốc thông tin: Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 về cải cách chính sách BHXH; trong đó, tiếp tục khẳng định, BHXH là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị-xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước.
Tại Gia Lai, triển khai Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020; Nghị quyết số 28-NQ/TW và các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo công tác BHXH, BHYT, phân công trách nhiệm đối với từng thành viên; các cấp, các ngành đã xây dựng chương trình, kế hoạch, ban hành nhiều văn bản tổ chức thực hiện, đưa chỉ tiêu phát triển BHXH, BHYT vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội hàng năm của địa phương...
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Như Nguyện
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Như Nguyện
Đến hết tháng 10-2020, toàn tỉnh có hơn 1,3 triệu người tham gia BHYT, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 89% dân số của tỉnh; số người tham gia BHXH gần 86.000 người, trong đó, tham gia BHXH tự nguyện trên 8.500 người, tăng trên 4.400 người. Công tác giải quyết các chế độ BHXH kịp thời, đúng quy định, đảm bảo quyền lợi của người tham gia.   
Nhằm tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền nói chung, tuyên truyền miệng nói riêng về BHXH, BHYT, tại hội thảo, nhiều đơn vị đã đề xuất những giải pháp cụ thể. Bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh-cho rằng, cần đổi mới nội dung thông tin, tuyên truyền phù hợp với đặc điểm, tính chất và đặc thù của từng nhóm đối tượng, từng vùng đảm bảo hiệu quả, tập trung hơn vào nhóm đối tượng tham gia BHXH trong khu vực phi chính thức (đây là nhóm đối tượng tiềm năng); tuyên truyền để người dân hiểu được tính nhân văn, nhân đạo của chính sách BHXH của Đảng và Nhà nước và tích cực, tự nguyện tham gia.
“Đối với BHXH tự nguyện cần phát huy hơn nữa vai trò của tuyên truyền miệng gắn với vai trò của các báo cáo viên, già làng, trưởng thôn, chức sắc tôn giáo, người uy tín trong cộng đồng dân cư và các tổ chức hội, đoàn thể”-bà Rcom Sa Duyên nêu ý kiến.
Người dân thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê tìm hiểu chính sách pháp luật BHXH, BHYT. Ảnh: Như Nguyện
Người dân thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê) tìm hiểu chính sách pháp luật về BHXH, BHYT. Ảnh: Như Nguyện
Liên quan đến công tác phối hợp tuyên truyền, ông Đoàn Minh Dưỡng-Phó Tổng Biên tập Báo Gia Lai-đề xuất: “Bảo hiểm xã hội các địa phương cũng cần thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí để công tác tuyên truyền đi vào chiều sâu, hiệu quả, bảo đảm thông tin chính xác. Cơ quan quản lý nhà nước về BHXH làm tốt hơn nữa công tác tập huấn cho đội ngũ tuyên truyền BHXH; có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia thông tin, tuyên truyền về chính sách BHXH góp phần đưa công tác tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT, BHXH tự nguyện trên địa bàn đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới”.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đoàn Văn Báu-Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Trung ương) nhấn mạnh: Tuyên truyền là một trong những vai trò quan trọng góp phần đưa chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHXH tự nguyện vào cuộc sống. Cần tiếp tục nâng cao chất lượng của công tác tuyên truyền nhất là tuyên truyền miệng. Nội dung tuyên truyền tập trung biểu dương những điển hình tiên tiến trong thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT.
Đề nghị các cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, làm tốt vai trò tham mưu, chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền BHXH, BHYT, BHXH tự nguyện; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho lực lượng làm công tác tuyên truyền. Các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền. Ngành Tuyên giáo nói chung, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở nói riêng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, đổi mới cả nội dung lẫn hình thức để người dân nhận thức rõ hơn, đầy đủ hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và tham gia BHXH, BHYT…
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.