Đào tạo, sát hạch và quản lý giấy phép lái xe sẵn sàng chuyển đổi số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ, các cơ sở đào tạo không ngừng đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin; sử dụng thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe (DAT); sử dụng cabin học lái xe ô tô. Trong đó, theo đánh giá của Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT), Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe thuộc Công ty cổ phần Xây dựng và vận tải Gia Lai là đơn vị tiên phong chuyển đổi số trong đào tạo, sát hạch và quản lý GPLX.
Để siết chặt và nâng cao chất lượng đào tạo, Bộ GT-VT đã triển khai nhiều nội dung mới trong công tác sát hạch cấp GPLX, trong đó có việc sử dụng thiết bị giám sát phần thực hành lái xe trên đường trường bằng hệ thống camera. Cùng với đó, công tác sát hạch lái xe cũng bổ sung nội dung phần thi mô phỏng trên phần mềm máy tính đối với các hạng bằng B1, B2, C, D, E và FC. Do vậy, các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch buộc phải đầu tư cơ sở vật chất, trang-thiết bị phục vụ giảng dạy, tập huấn chuyên môn, cài đặt phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để học viên tiếp cận, học tập và ôn luyện.
Lo lắng trước hình thức thi còn khá mới này, anh Bùi Văn Quân (TP. Pleiku)-học viên Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe đã tích cực đến phòng sát hạch để thực hành ôn luyện từ nhiều ngày qua. Theo anh Quân, hình ảnh và tình huống mô phỏng trong clip rất trực quan, dẫn chứng từng tình huống nguy hiểm thực tế có thể xảy ra trên đường giúp người học dễ dàng nắm bắt. Có 120 tình huống mô phỏng giúp học viên nhận biết và phòng tránh những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra trên thực tế như di chuyển qua đồi núi, thời tiết sương mù...
Các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch cấp giấy phép lái xe đầu tư trang-thiết bị hiện đại, xe ô tô các loại phục vụ dạy thực hành và sát hạch lái xe. Ảnh: Minh Phương
Các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch cấp giấy phép lái xe đầu tư trang-thiết bị hiện đại, xe ô tô các loại phục vụ dạy thực hành và sát hạch lái xe. Ảnh: Minh Phương
Ông Lê Hoàng Anh-giáo viên Trung tâm-cho biết: Từ tháng 6 đến nay, nội dung phần mềm mô phỏng tình huống giao thông đã được đưa vào giảng dạy cũng như thực hành. Chúng tôi vừa giảng dạy nội dung từng tình huống, vừa hướng dẫn ôn tập và cách làm bài thi trên máy tính cho học viên. Điều này giúp học viên ôn luyện một cách hiệu quả, không bị bỡ ngỡ khi bước vào bài thi thật nên tỷ lệ học viên thi đạt nội dung này khoảng 80%.
Ngoài phần thi mô phỏng, phần thi sát hạch GPLX còn có nhiều đổi mới trong nội dung đào tạo đi đường trường. Cụ thể, trong quá trình học, học viên bắt buộc phải hoàn thành đủ quãng đường 710 km đối với hạng B1 số tự động; 810 km dành cho hạng B1, B2 số sàn và 825 km đối với hạng C. Quá trình đào tạo lái xe đường trường đều được giám sát và ghi hình ảnh trực tiếp, truyền tải về Tổng cục Đường bộ Việt Nam và lưu giữ trên phần mềm.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Xuân Bảo-Giám đốc Trung tâm-cho hay: Hiện cơ sở đã bỏ ra hơn 1,5 tỷ đồng để đầu tư trang-thiết bị, lắp đặt hệ thống DAT trên 150 xe ô tô tập lái. Theo đó, việc lắp đặt hệ thống DAT giúp tập hợp các thông tin về định danh và quá trình học thực hành lái xe trên đường của học viên, được truyền từ thiết bị DAT lắp trên ô tô tập lái xe về máy chủ của cơ sở đào tạo. Qua đó, giúp đơn vị quản lý theo dõi, khai thác dữ liệu để phục vụ công tác quản lý đào tạo lái xe; kiểm tra tính chính xác các thông tin về giáo viên, xe tập lái.
Qua các buổi học thực tế, học viên đã dễ dàng nắm bắt nội dung mô phỏng, nhất là phần ôn tập thực hành trên máy tính. Ảnh: Minh Phương
Qua các buổi học thực tế, học viên đã dễ dàng nắm bắt nội dung mô phỏng, nhất là phần ôn tập thực hành trên máy tính. Ảnh: Minh Phương
Đặc biệt, Trung tâm đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới phương tiện, trang-thiết bị dạy và học; lắp đặt thiết bị giám sát quãng đường và thời gian học thực hành lái xe đối với xe tập lái, đảm bảo đủ nội dung, chương trình đào tạo. “Thời gian tới, để đáp ứng số lượng đào tạo khoảng trên 1.000 học viên/năm, Trung tâm tiếp tục trang bị 15-20 cabin điện tử. Mỗi bộ cabin có giá 400-500 triệu đồng nên kinh phí bỏ ra lên tới hàng tỷ đồng. Hiện chúng tôi đang thực hiện các trình tự, thủ tục đầu tư, mua sắm để trang bị cabin học lái xe ô tô nhằm đảm bảo trước thời hiệu quy định là ngày 31-12-2022”-ông Bảo nhấn mạnh.
Theo ông Trần Đình Sơn-Phó Giám đốc Sở GT-VT: Thực hiện kế hoạch nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe, Sở đã chỉ đạo các cơ sở đào tạo lái xe thực hiện nghiêm quá trình dạy và học bảo đảm đầy đủ nội dung chương trình đào tạo theo quy định của Bộ GT-VT. Đồng thời, Sở tăng cường công tác kiểm tra đối với các cơ sở đào tạo lái xe nhằm đảm bảo việc học, thi đi vào thực chất, hiệu quả. “Đặc biệt, trong công tác tuyển sinh, nghiêm cấm việc sử dụng đơn vị, cá nhân trung gian để liên kết, liên doanh, môi giới không đúng quy định; thực hiện đúng, thực chất việc ký, thanh lý hợp đồng đào tạo lái xe. Không để học viên không học đủ thời gian và nội dung chương trình đào tạo nhưng tham gia kiểm tra kết thúc môn học, kết thúc khóa học”-ông Sơn nhấn mạnh.
MINH PHƯƠNG
 

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.