Cúng Thanh minh ở Pleiku: Gọn nhẹ, sum vầy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không còn thấy những khung rạp dựng tràn xuống lòng đường, cúng tế linh đình, khói nhang nghi ngút, cúng Thanh minh năm nay được các khu dân cư ở Phố núi Pleiku (tỉnh Gia Lai) tổ chức đơn giản, gọn nhẹ trên tinh thần ấm cúng, an toàn, tiết kiệm.
Cúng Thanh minh là tín ngưỡng dân gian được lưu truyền nhiều đời. Theo dòng chảy của thời gian, lễ cúng Thanh minh có nhiều đổi thay hơn so với trước. Đặc biệt, sau khoảng thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, rồi giá cả một số mặt hàng nông sản bấp bênh, lễ cúng Thanh minh đã được các khu dân cư giản lược hơn. Thậm chí nhiều cụm dân cư còn… hẹn năm sau.
Theo ghi nhận của P.V, từ những ngày đầu tháng 3 Âm lịch, một số khu dân cư đã tiến hành cúng Thanh minh. Tuy nhiên, phổ biến nhất là ngày 21-4 vừa qua (tức ngày 10 tháng 3 Âm lịch). 9 giờ sáng ngày 21-4, một số hộ dân đường Đinh Tiên Hoàng-Nguyễn Công Trứ (phường Yên Đổ) đã tập trung về khu vực vỉa hè ngay ngã ba đường, trước ngôi nhà 155B Đinh Tiên Hoàng chuẩn bị cúng Thanh minh. 3 chiếc bàn tròn kê ngay ngắn và lần lượt nào hoa tươi, trái cây, nước, bánh kẹo, xôi, một số món chay được đặt lên mâm lễ. Xong đâu đó, lần lượt đại diện từng gia đình đến thắp nhang cầu nguyện cho mọi sự được an yên, xóm làng đoàn kết.
Ông Nguyễn Văn Lộc (tổ 3, phường Yên Đổ) cho biết: “Hơn 40 hộ dân sinh sống ở đây năm nào cũng tự nguyện đóng góp cúng Thanh minh. Chỉ có năm ngoái, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, không được tập trung đông người nên lễ cúng bị gián đoạn. Năm nay, các hộ thống nhất chỉ cúng các món chay, rồi mỗi nhà xin ít lộc, ai về nhà nấy chứ không ăn uống tập trung”.
 Nhiều khu dân cư tại TP. Pleiku cúng Thanh minh đơn giản, gọn nhẹ. Ảnh: Duy Lê
Nhiều khu dân cư tại TP. Pleiku cúng Thanh minh đơn giản, gọn nhẹ. Ảnh: Duy Lê
Là người lớn tuổi nên ông Trần Phước Hồng (78 Ngô Gia Khảm, tổ 3, phường Phù Đổng) luôn được hơn 20 hộ dân sinh sống dọc đoạn đường Ngô Gia Khảm tín nhiệm giao trọng trách chủ tế. Ông Hồng chia sẻ: “Trong bài cúng, chúng tôi cầu mong xóm làng yên vui, mọi người đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau. Các gia đình mạnh khỏe, bình an, hạnh phúc, công việc thuận lợi, các cháu nhỏ ngoan ngoãn, chịu khó học tập, không sa ngã vào các thói hư tật xấu”.
Trước lễ cúng vài ngày, các hộ cùng nhau bàn bạc, lựa chọn thời gian và phân công công việc cụ thể. Thông thường, đàn ông phụ trách việc dựng rạp, phụ nữ lo bếp núc, người lớn tuổi chuẩn bị lễ cúng.
Chị Hồ Thị Kim Cương (76 Ngô Gia Khảm, tổ 3, phường Phù Đổng) thông tin: “Năm nào chúng tôi cũng cúng Thanh minh vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch nên các hộ đều nhớ và tự nguyện đóng góp. Việc nấu nướng, chuẩn bị do phụ nữ đảm nhận, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh, vừa tiết kiệm chi phí. Mỗi người mỗi việc, mọi người cùng chung tay, ai nấy đều vui vẻ”.
Trước đó, hơn 20 hộ dân sinh sống dọc tuyến đường Hùng Vương (tổ 1, phường Hội Thương) cũng dựng khung rạp trước ngôi nhà 366B để cúng Thanh minh. Sở dĩ tổ chức sớm hơn dự định vài ngày vì các hộ dân nơi đây cho rằng, vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, nhiều gia đình sẽ đi chơi, thăm ông bà, cha mẹ nên lễ cúng sẽ không tập trung đông đủ bà con lối xóm.
Nói về việc đóng góp, bà Huỳnh Thị Mận (tổ 1, phường Hội Thương) cho hay: “Ai góp bao nhiêu cũng quý. Căn cứ vào số tiền, chúng tôi tổ chức cho phù hợp. Cốt là các gia đình thành kính thắp nén nhang cho những người đã khuất, cầu bình an, sức khỏe cho bản thân, những người xung quanh và cùng ngồi lại trò chuyện, thăm hỏi để tình làng xóm thêm khăng khít”.
Vì lề đường khá hẹp, nhà cửa san sát không tiện cho việc nấu nướng nên các hộ thống nhất chỉ chuẩn bị vài món đơn giản, còn lại đều đặt mua sẵn. “Những năm trước, sau khi cúng xong, các gia đình tập trung ăn uống, hát karaoke. Tuy nhiên, năm nay, hát karaoke được cắt giảm để tránh ồn ào, làm ảnh hưởng đến những người xung quanh”-bà Mận nói.
Năm nay, một số  khu dân cư không cúng Thanh minh. Chị Nguyễn Thị Oanh (tổ 3, phường Ia Kring) chia sẻ: “Tôi sinh sống ở đây 9 năm thì có 8 năm được tham gia cúng Thanh minh. Cứ gần đến ngày, vài người đại diện các hộ dân đến từng nhà thông báo, nhưng năm nay không thấy ai đến nhắc. Hai năm liên tiếp không tổ chức, không có dịp để gặp gỡ đông đủ mọi người, tôi cũng thấy hơi buồn”.
Trao đổi về việc tuyên truyền, nhắc nhở người dân tổ chức Thanh minh, ông Lê Minh Hùng-Bí thư Đảng ủy phường Ia Kring-nhấn mạnh: “Chúng tôi nhắc nhở người dân không nên tổ chức cúng tế rầm rộ, ăn uống say sưa hay dựng rạp lấn chiếm lòng đường ảnh hưởng mỹ quan đô thị và an toàn giao thông. Do ảnh hưởng dịch bệnh, tình hình kinh tế khó khăn nên nhiều khu phố không tổ chức hoặc tổ chức nhỏ gọn và các khu phố đều chấp hành nghiêm quy định”.
PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.