Theo tư liệu, đình Cửu An được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Sau nhiều lần di dời, trùng tu tôn tạo, hiện nay, đình được xây dựng bề thế trên gò đất cao thuộc thôn An Điền Bắc. Đình Cửu An thờ các bậc tiền hiền, hậu hiền, Thành hoàng và Tây Sơn Tam kiệt: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ.
Hàng năm, tại ngôi đình này diễn ra lễ cúng Khai sơn vào mùng 10 tháng Giêng, Quý Xuân (ngày 19 và 20-2 âm lịch), cúng Quý Thu (ngày 17 và 18-8 âm lịch), cúng đưa Chư Thiên (23 tháng Chạp) và cúng Nguyên đán rước Chư Thiên vào mùng 1 Tết.
Thành viên Ban Nghi lễ đình Cửu An (xã Cửu An, thị xã An Khê) viết văn tế trước khi tiến hành cúng tế. Ảnh: N.M |
Hàng năm, đình Cửu An cúng Quý Thu vào ban đêm, từ 19 giờ ngày 17 đến rạng sáng ngày 18-8 âm lịch với các lễ cúng: tiền nhân, thỉnh sanh, thần linh, âm linh và cúng tống gió.
Là người có nhiều năm thu thập thông tin, tư liệu nghiên cứu về các nghi thức cúng đình truyền thống vùng Tây Sơn Thượng đạo, Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn (Bảo tàng tỉnh) cho biết: “Quý Thu là mùa thu hoạch. Sau khi thu hoạch xong thì bà con cúng tạ ơn thần linh, tổ tiên đã giúp đỡ bảo vệ mùa màng trong suốt thời gian từ khi gieo trồng đến lúc thu hoạch, ban cho cái ăn cái mặc. Trong lễ cúng Quý Thu ở đình Cửu An có lệ cúng tống gió, vì đây là thời điểm bắt đầu mùa mưa, xưa kia là vùng nhiều gió bão gây hại cho mùa màng, gây dịch bệnh cho con người và gia súc. Từ đó, người dân làm lễ cầu cúng để thần linh xua đuổi những cơn gió độc, gió dữ ra sông, ra biển”.
Chiều 1-10 (17-8 âm lịch), các bậc cao niên cùng người dân đã tập trung về đình Cửu An để sửa soạn lễ vật, chuẩn bị mâm cúng. Từ năm 2021 đến nay, chồng bà Nguyễn Thị Sương (thôn An Bình) tham gia Ban Nghi lễ đình Cửu An nên bà đi theo tham gia đội hậu cần, nấu nướng.
Bà Sương cho hay: “Mâm cúng thường được chế biến từ các loại lương thực, thực phẩm do chính tay người dân làm ra. Việc làm này thể hiện lòng thành kính của chúng tôi với các đấng thần linh đã ban mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; đồng thời, tưởng nhớ, hàm ơn các bậc tiền nhân đã có công khai mở ruộng đồng, xây dựng làng xã để con cháu có cuộc sống ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay”.
Lễ cúng Quý Thu tại đình Cửu An (thị xã An Khê) diễn ra trang nghiêm, thành kính. Ảnh: Ngọc Minh |
Còn ông Nguyễn Thiệu (thôn An Điền Bắc) thì chia sẻ: “Từ năm 1985 đến nay, dù không còn tham gia Ban Nghi lễ nữa, nhưng mỗi dịp đình tổ chức lễ cúng, tôi đều tham dự và chia sẻ kinh nghiệm cho những người kế tục thực hiện các nghi thức cúng đình truyền thống. Tôi rất mừng vì thành viên Ban Nghi lễ đã thực hiện nghi thức tế lễ bài bản, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống”.
Trước khi bước vào lễ cúng chính, thành viên Ban Nghi lễ viết văn tế tâu lên trời đất, thần linh, ông bà những thành quả đạt được sau tháng ngày lao động sản xuất; cầu mong các đấng thần linh tiếp tục che chở cho người người mạnh khỏe, ấm no, bình an. Đúng 19 giờ, lễ cúng tiền hiền được bắt đầu bằng hồi chiêng, hồi trống, nhạc lễ vang vọng xóm làng. Các cụ trong Ban Nghi lễ dâng hương, dâng rượu, cúng tế theo nghi thức cúng đình truyền thống.
Ông Trần Thanh Luân-Trưởng ban Quản lý đình Cửu An-cho hay: Lễ vật cúng tiền nhân, thần linh thường có hoa quả, nhang, mâm cơm, vàng mã. Riêng cúng thần linh, âm sĩ có thêm 1 con heo nguyên sinh (heo nguyên con chưa được nấu chín). Kết thúc lễ cúng, người dân trong vùng dâng hương tỏ lòng thành kính biết ơn, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, gia đình ấm no, hạnh phúc và quây quần thụ lộc.
Nhân dịp cúng Quý Thu, Ban nghi lễ đình Cửu An thông báo việc đình Cửu An nằm trong Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo. Ảnh: Ngọc Minh |
“Ban Nghi lễ đình thông báo rộng rãi tới bà con việc di tích đình Cửu An và dinh Bà nằm trong Quần thể di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt vào đầu năm 2022. Ấp Tây Sơn Nhì thì được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Đây là niềm vinh dự, tự hào cũng là trách nhiệm của Ban Quản lý đình và người dân trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị các di tích”-ông Luân thông tin.
Trao đổi với P.V, ông Trần Hoàng Quang-Phó Chủ tịch UBND xã Cửu An-cho biết: “Đình Cửu An là tổ đình của cộng đồng dân cư ấp Tây Sơn Nhì xưa và của người dân xã Cửu An ngày nay. Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con đồng lòng chung tay bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống”.