Công tác tuyên truyền trong Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975: Những kinh nghiệm quý báu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975 đã tạo ra sự thay đổi căn bản về thế chiến lược giữa ta và địch, mở ra thời cơ cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Công tác tuyên truyền trong Chiến dịch Tây Nguyên

Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị về giải phóng miền Nam trong năm 1975, tháng 1-1975, Thường trực Quân ủy Trung ương họp quán triệt và quyết định mở Chiến dịch Tây Nguyên (mang mật danh A275) nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng các tỉnh Tây Nguyên. Với hướng chính là Nam Tây Nguyên (Đak Lak, Phú Bổn, Quảng Đức), mục tiêu chính là thị xã Buôn Ma Thuột, chiến trường phối hợp là phía Bắc Tây Nguyên (Gia Lai và Kon Tum).

Đảng bộ tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt nhiệm vụ trong toàn Đảng bộ với quyết tâm và tinh thần khẩn trương, nỗ lực cao nhất để giành thắng lợi lớn nhất. Lúc này, Đảng bộ các cấp huy động toàn bộ lực lượng ra phía trước và xuống cơ sở, vừa đẩy mạnh hoạt động tấn công địch, vừa chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ chiến dịch. Tỉnh ủy chỉ đạo tập trung lực lượng cho cả hai hướng chính. Hướng phía Tây đường 14 gồm huyện 4 và 5, một mặt phối hợp với chủ lực B3 tấn công tiêu diệt địch ở Đức Cơ, Thanh An, Phú Nhơn và phá các ấp chiến lược trên đường 14, 19 Tây.

Mặt khác, mở nhiều đường vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược từ các binh trạm của B3 về hướng Pleiku và Kon Tum, vừa phục vụ chiến dịch, vừa nghi binh để kéo sự chú ý của địch về phía Bắc Tây Nguyên nhằm tạo thuận lợi cho việc chuẩn bị ở mặt trận Buôn Ma Thuột. Hướng thứ hai là An Khê với quyết tâm giải phóng địa phương này.

Bằng mọi phương tiện thô sơ và cơ giới, các chiến sĩ vận chuyển hàng ngàn tấn hàng hóa phục vụ Chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh: TTXVN

Bằng mọi phương tiện thô sơ và cơ giới, các chiến sĩ vận chuyển hàng ngàn tấn hàng hóa phục vụ Chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh: TTXVN

Thực hiện quyết tâm chính trị của Đảng bộ tỉnh, Ban Tuyên huấn đã đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức sinh hoạt chính trị, phát huy tinh thần cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân, quán triệt tư tưởng quyết tâm tấn công tiêu diệt địch trong cán bộ, đảng viên và quần chúng cốt cán, đẩy mạnh tuyên truyền ở vùng sâu.

Phối hợp với lực lượng địa phương các huyện, du kích xã và đội công tác tiến hành vũ trang tuyên truyền, kết hợp diệt ác với phát động, hướng dẫn quần chúng đấu tranh, xây dựng cơ sở hợp pháp, tranh thủ binh lính, tề để xây dựng thành “lõm” làm chủ bên trong. Ở các vùng tranh chấp, những nơi ta mới mở ra đưa dân về sinh sống thì chú trọng tuyên truyền ổn định tư tưởng trong Nhân dân, vượt qua khó khăn, yên tâm sản xuất để ổn định cuộc sống.

Nhằm nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ của tỉnh, Ban Tuyên huấn và Trường Đảng liên tục mở các lớp bồi dưỡng chính trị, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ cấp huyện, cán bộ thôn, làng, cán bộ làm công tác tuyên huấn, dân vận, văn hóa ở cơ sở và cán bộ các đội công tác mới thành lập… để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý thôn, làng, vùng căn cứ, vùng mới giải phóng và chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công.

Báo Giải Phóng và các đội văn công, đội chiếu phim của tỉnh, đội tuyên truyền văn hóa của Tỉnh đội kịp thời tuyên truyền tin chiến thắng trên các chiến trường, phục vụ các hoạt động văn hóa văn nghệ; phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; đồng thời nêu gương những anh hùng, gương điển hình trong chiến đấu và sản xuất đến tận làng, xã. Hình thức tuyên truyền qua báo chí và các hoạt động văn hóa, văn nghệ cách mạng làm cho các tầng lớp nhân dân và lực lượng vũ trang tăng thêm tinh thần phấn chấn, hăng hái lao động sản xuất và chiến đấu.

Ngày 4-3-1975, Chiến dịch Tây Nguyên mở màn. Cán bộ tuyên huấn tỉnh, huyện bám sát nội dung kế hoạch, tham mưu giúp các cấp ủy tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng, động viên tư tưởng nhân dân trước, trong và sau chiến dịch. Cán bộ tuyên huấn trong lực lượng vũ trang cũng theo sát chiến trường đưa tin kịp thời về các mũi chiến dịch của quân chủ lực và địa phương.

Với thế trận vững chắc trên cả ba mặt quân sự, chính trị, binh-địch vận, lực lượng chủ lực và bộ đội địa phương đã phối hợp nhịp nhàng tấn công tiêu diệt địch, phát động quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trong Chiến dịch Tây Nguyên (ngày 17-3 giải phóng thị xã Pleiku; ngày 18-3 giải phóng thị xã Hậu Bổn, ngày 23-3 giải phóng quận Phú Túc và tiếp quản An Khê).

Phát huy chiến thắng, Ban Tuyên huấn tỉnh phối hợp với cấp ủy, các ngành và lực lượng vũ trang đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức đưa dân về làng cũ, thành lập chính quyền thôn, làng để ổn định tình hình trong Nhân dân. Ngày 18-3-1975, đoàn cán bộ Ban Tuyên huấn tỉnh cùng quân dân Pleiku tham gia tiếp quản thị xã, chuẩn bị tổ chức mít tinh chào mừng giải phóng tỉnh nhà.

Với sự nhanh nhạy, đảm bảo thông tin kịp thời để tuyên truyền, vận động quần chúng trong cuộc đấu tranh giải phóng tỉnh nhà, cán bộ ngành Tuyên giáo đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, tích cực xông pha trên mặt trận tư tưởng, đóng góp một phần công sức của mình vào chiến thắng chung của công cuộc giải phóng tỉnh Gia Lai.

Một số kinh nghiệm

Thắng lợi to lớn của Chiến dịch Tây Nguyên có một phần đóng góp rất quan trọng của công tác tuyên truyền. Từ vai trò, hiệu quả của công tác tuyên truyền của Đảng bộ tỉnh trong Chiến dịch Tây Nguyên nói riêng và trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung đã để lại những bài học quý báu, đó là:

Thứ nhất, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với công tác tuyên truyền của Đảng.

Để làm được điều đó, trước hết cần giáo dục, quán triệt cho các tổ chức, các lực lượng, cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên nắm vững các quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò, phương pháp, cách thức tuyên truyền. Bên cạnh đó, cần quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng, Nhà nước, Ban Tuyên giáo Trung ương, cấp ủy cấp trên về công tác tuyên truyền. Đây là cơ sở để làm cho các hoạt động công tác tuyên truyền của các địa phương, cơ quan, đơn vị đúng hướng, đạt chất lượng hiệu quả thực sự.

Thứ hai, xây dựng lực lượng làm công tác tuyên truyền thực sự tinh nhuệ, nhạy bén, sáng tạo.

Cấp ủy các cấp phải huy động được đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tham gia công tác tuyên truyền. Đặc biệt, cần có cơ chế khuyến khích những cán bộ, đảng viên, trí thức có trình độ lý luận sắc sảo và kỹ năng viết, diễn thuyết tốt để tham gia đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên. Gắn với đó, thường xuyên bồi dưỡng cả về nội dung và phương pháp tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo các cấp. Chú trọng đa dạng các hình thức tuyên truyền cả truyền thống và hiện đại.

Thứ ba, làm tốt công tác rèn luyện, phát triển kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo.

Kỹ năng tuyên truyền là một trong những “kỹ năng cứng” mà người làm công tác tuyên giáo cần phải có và thường xuyên được sử dụng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Do vậy, cấp ủy các cấp cần quan tâm rèn luyện, phát triển nghiệp vụ, kỹ năng gắn với đầu tư trang-thiết bị cần thiết nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.

Thứ tư, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, đoàn thể trong công tác tuyên truyền.

Ngành Tuyên giáo cần tham mưu giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị, các tổ chức, đoàn thể tham gia công tác tuyên truyền theo phương châm nhạy bén, kiên quyết, sáng tạo, bám sát thực tiễn địa bàn và phù hợp với trình độ nhận thức của nhân dân; tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giải quyết kịp thời những bức xúc trong đời sống nhân dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Có thể bạn quan tâm

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trần Minh Sơn trao tặng phần quà của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho người dân, cán bộ thôn Hà Ra, xã Đăk Djrăng, huyện Mang Yang. Ảnh: N.N

Tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

(GLO)- Phát huy truyền thống 94 năm Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam-MTTQ Việt Nam (18/11/1930-18/11/2024), Mặt trận các cấp trong tỉnh Gia Lai đã thể hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Từ kỳ vọng của cử tri đến trách nhiệm đại biểu dân cử - Kỳ cuối: Cần những quyết sách đúng đắn, kịp thời

Từ kỳ vọng của cử tri đến trách nhiệm đại biểu dân cử - Kỳ cuối: Cần những quyết sách đúng đắn, kịp thời

(GLO)- Những năm gần đây, Trung ương và các cấp chính quyền của tỉnh đã quan tâm đầu tư nhiều công trình, dự án chống sạt lở bờ sông, suối. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách có hạn nên chưa thể đầu tư rộng khắp, tình trạng sạt lở bờ sông, suối ở một số nơi vẫn xảy ra.

An Khê thắt chặt tình đoàn kết ở khu dân cư

An Khê thắt chặt tình đoàn kết ở khu dân cư

(GLO)- Những ngày qua, không khí rộn ràng của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc lại lan tỏa khắp các khu dân cư trên địa bàn thị xã An Khê. Ngày hội là dịp để chính quyền địa phương triển khai các công trình ý nghĩa, thắt chặt tình đoàn kết và chung sức xây dựng khu dân cư ngày càng giàu đẹp.

Ông Nguyễn Mạnh Tuân (bìa phải)-Bí thư Chi bộ làng Khôn trao đổi về công tác chuẩn bị đại hội chi bộ với lãnh đạo Đảng ủy xã Ia Mơ. Ảnh: P.D

Làng Khôn gặp khó về công tác cán bộ

(GLO)- Theo kế hoạch, đầu năm 2025, làng Khôn (xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) sẽ tiến hành bầu trưởng thôn và tổ chức Đại hội Chi bộ lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2027. Tuy nhiên, làng Khôn vẫn còn khó khăn trong công tác cán bộ và phát triển đảng viên.