Chư Prông thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhận thức sâu sắc công tác xóa đói, giảm nghèo là một chính sách rất quan trọng trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, Đảng bộ huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện học tập và làm theo Bác gắn với công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của huyện, đưa lời dạy của Bác thành hiện thực.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh

Chư Prông là huyện biên giới nằm phía Tây Nam của tỉnh Gia Lai, có 36,311 km đường biên giới tiếp giáp với nước Campuchia, diện tích tự nhiên 169.391,3 ha. Tính đến cuối năm 2023, toàn huyện có 32.579 hộ với 137.203 khẩu, gồm 24 dân tộc cùng sinh sống, có 14.331 hộ với 66.831 người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm tỷ lệ 48,71% dân số toàn huyện. Có 19 xã và 1 thị trấn, gồm 146 thôn làng, tổ dân phố; trong đó, có 18 xã với 98 thôn, làng thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi (15 xã khu vực I, 3 xã khu vực II; 39 thôn, làng đặc biệt khó khăn). Thực hiện lời dạy của Bác, nhận thức sâu sắc công tác xóa đói, giảm nghèo là một chính sách rất quan trọng trong thực hiện an sinh xã hội, Đảng bộ huyện Chư Prông đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện học tập và làm theo Bác gắn với công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện.

Huyện đã có nhiều chủ trương, giải pháp để triển khai thực hiện, cụ thể là đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU, ngày 3-2-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (Khóa XVII) về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025, UBND huyện ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hàng năm; đề ra quan điểm chỉ đạo, mục tiêu toàn diện và cụ thể để lãnh đạo thực hiện.

Lãnh đạo huyện Chư Prông tham quan mô hình lúa nước của người dân làng Klăh, xã Ia Mơr. Ảnh: P.D

Lãnh đạo huyện Chư Prông tham quan mô hình lúa nước của người dân làng Klăh, xã Ia Mơr. Ảnh: P.D

Công tác giảm nghèo luôn được huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện, đặc biệt là giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Huyện đã triển khai có hiệu quả các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng DTTS và miền núi, nhằm giúp cho người nghèo có thể tiếp cận các nội dung của chương trình, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn, thôn, làng đặc biệt khó khăn, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất và đời sống của Nhân dân; thường xuyên mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn; nhân rộng các mô hình giảm nghèo, mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, các cá nhân điển hình tiên tiến trong công tác giảm nghèo vươn lên làm giàu chính đáng.

Cùng với đó, từ nhiều nguồn lực, huyện thực hiện đầy đủ và kịp thời các chính sách hỗ trợ giảm nghèo. Từ năm 2021 đến nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giải ngân 115,911 tỷ đồng cho 2.644 hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở cũng tích cực đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, gắn với thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc phát động và thực hiện các phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân đã tạo ra nhiều mô hình tốt, có ý nghĩa thiết thực, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Từ năm 2015 đến nay, quỹ “Vì người nghèo” của MTTQ huyện đã vận động được 6,689 tỷ đồng, tiến hành phân bổ làm mới 166 nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ xây 20 nhà cho gia đình chính sách; quỹ “Nghĩa tình đồng đội” của Hội Cựu chiến binh đã vận động được 1,325 tỷ đồng, hỗ trợ làm 53 nhà; cuộc vận động “Mái ấm Công đoàn” của Liên đoàn Lao động huyện đã vận động hơn 200 triệu đồng, hỗ trợ làm 7 nhà; quỹ “Mái ấm tình thương” của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện vận động được hơn 423 triệu đồng, hỗ trợ làm 17 nhà.

Một góc thị trấn Chư Prông nhìn từ trên cao. Ảnh: Quang Tấn

Một góc thị trấn Chư Prông nhìn từ trên cao. Ảnh: Quang Tấn

Nhờ những giải pháp đồng bộ cũng như được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền; sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức chính trị-xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và sự nỗ lực của Nhân dân trong việc phát huy nội lực, cùng với tranh thủ tối đa các nguồn lực đầu tư của Nhà nước thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia nên đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được cải thiện; kết cấu hạ tầng cơ sở được tăng cường đầu tư, bộ mặt nông thôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS có nhiều đổi mới, số hộ thoát nghèo tăng nhanh qua các năm, chất lượng công tác giảm nghèo được nâng lên. Cụ thể, số hộ nghèo giảm nhanh từ 5.707 hộ năm 2021 xuống còn 3.900 hộ vào cuối năm 2023, tương ứng với tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 18,26% năm 2021, xuống còn 11,97% vào cuối năm 2023 (theo tiêu chí giai đoạn 2021-2025); hầu hết các thôn, làng đồng bào DTTS được định cư, đảm bảo ổn định sản xuất; hộ nghèo và hộ đồng bào DTTS được thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Tiếp tục đồng bộ các giải pháp

Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Chư Prông vẫn còn cao so với mặt bằng chung của toàn tỉnh. Đời sống đồng bào các DTTS ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, một bộ phận không nhỏ người nghèo chưa được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản. Cụ thể, hiện nay có 7,67% hộ nghèo thiếu hụt chỉ số về việc làm; 12,30% hộ nghèo thiếu hụt về chỉ số về người phụ thuộc trong gia đình; 4,57% hộ nghèo thiếu hụt về chỉ số dinh dưỡng cho trẻ em; 55,45% hộ nghèo thiếu hụt chỉ số về bảo hiểm y tế; 10,64% hộ nghèo thiếu hụt về chỉ số trình độ giáo dục của người lớn; 2,86% hộ nghèo thiếu hụt về chỉ số tình trạng đi học của trẻ em, 15,35% hộ nghèo thiếu hụt về chỉ số chất lượng nhà ở; 22,68% hộ nghèo thiếu hụt về diện tích nhà ở; 3,44% hộ nghèo thiếu hụt về chỉ chỉ số nguồn nước sinh hoạt; 41,73% hộ nghèo thiếu hụt về chỉ số nhà tiêu hợp vệ sinh; 14,40% hộ nghèo thiếu hụt về chỉ số sử dụng dịch vụ thông tin; 7,81% hộ nghèo thiếu hụt về chỉ số về phương tiện phục vụ tiếp cận dịch vụ thông tin.

Huyện đã quan tâm triển khai nhiều mô hình hỗ trợ người dân vùng biên giới Ia Mơr trồng lúa nước, phát huy công trình thủy lợi Ia Mơr. Ảnh: Quang Tấn

Huyện đã quan tâm triển khai nhiều mô hình hỗ trợ người dân vùng biên giới Ia Mơr trồng lúa nước, phát huy công trình thủy lợi Ia Mơr. Ảnh: Quang Tấn

Nguyên nhân huyện là một huyện biên giới, trình độ nhận thức của người dân chưa đồng đều; các hộ nghèo phần lớn rơi vào các hộ đông con, nhiều người phụ thuộc, không có đất sản xuất, thiếu việc làm, chưa biết cách làm ăn hiệu quả. Hộ nghèo phần lớn có trình độ học vấn thấp, ít có cơ hội kiếm được việc làm tốt và ổn định, công việc phụ thuộc vào thời vụ và có tính rủi ro cao, thu nhập bấp bênh. Nguồn lực phân bổ cho công tác giảm nghèo chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Một bộ phận người nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng, chưa chủ động vươn lên thoát nghèo.

Để đạt được mục tiêu giảm nghèo trong thời gian tới, huyện Chư Prông tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nội dung, giải pháp trong Kế hoạch số 47-KH/TU, ngày 21-10-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 23-6-2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030; Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hàng năm của UBND tỉnh, Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 3-2-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Chư Prông (Khóa XVII) về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025.

Vùng biên giới Ia Mơr ngày càng khởi sắc. Ảnh: Quang Tấn

Vùng biên giới Ia Mơr ngày càng khởi sắc. Ảnh: Quang Tấn

Nâng cao tinh thần, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động và triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia: Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 202-2025, Phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội của Trung ương, của tỉnh trên địa bàn huyện. Bên cạnh việc xây dựng những chương trình, kế hoạch và hỗ trợ những nguồn lực cần thiết, phải tổ chức tuyên truyền, giáo dục, vận động để hộ nghèo có quyết tâm thực hiện những chương trình, kế hoạch được hỗ trợ.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo của người nghèo; trọng tâm là tuyên truyền, đẩy mạnh việc thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để vươn lên thoát nghèo bền vững”, khơi dậy ý chí tự lực vươn lên làm kinh tế, thoát nghèo bền vững của các hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Bên cạnh đó, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương các xã, thị trấn quan tâm phối hợp với các công ty tuyển dụng lao động tăng cường công tác tư vấn, giới thiệu việc để có thu nhập ổn định cho người dân nhất là người nghèo, cận nghèo; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình.

Đinh Văn Dũng

Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Chư Prông

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Với những kết quả đã đạt được, VN được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trên thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo và là một trong những quốc gia tiên phong trong tiếp cận và áp dụng phương pháp giảm nghèo đa chiều để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội toàn dân và giảm nghèo bền vững.

Tết ấm cho người nghèo

Tết ấm cho người nghèo

(GLO)- Tết Ất Tỵ 2025 đang đến gần. Bằng những việc làm thiết thực, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã chung tay hỗ trợ nhà ở, tặng quà giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh có điều kiện đón một cái Tết ấm áp.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Điều chỉnh Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Kông Chro

Điều chỉnh Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Kông Chro

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai vừa phê duyệt điều chỉnh Quyết định số 692/QĐ-UBND ngày 12-11-2022 phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Kông Chro thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.