Chăm lo, hỗ trợ người khuyết tật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo thống kê, năm 2021, dân số Việt Nam là 97,75 triệu người, trong đó hơn 7% là người khuyết tật (NKT). Khoảng 2/3 trong số đó được chia vào nhóm khuyết tật nhẹ. Gia Lai có khoảng 16,2 ngàn NKT (trong đó có 7 ngàn phụ nữ), số đang hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng là 5.575 người.

Ông Nguyễn Văn Thưởng-Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo trợ NKT và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh-cho biết: Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn quan tâm đến công tác NKT, giúp họ hòa nhập và vươn lên trong cuộc sống. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1190/QĐ-TTg phê duyệt chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2021-2030 với những nhiệm vụ trọng tâm và chính sách nhân văn.

Thời gian qua, Hội Bảo trợ NKT và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh đã có nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ NKT trên địa bàn tỉnh như: mổ mắt thay thủy tinh thể cho người cao tuổi khuyết tật; phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng; tặng xe lăn, xe lắc; tặng xe đạp, học bổng, đồ dùng học tập cho trẻ em khuyết tật; dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ tìm việc, hỗ trợ sinh kế, xây nhà cho NKT... Số tiền Hội đã vận động và phối hợp vận động bằng tiền mặt, hiện vật hỗ trợ NKT quy ra tiền là trên 18 tỷ đồng.

Hội LHPN tỉnh triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ khuyết tật. Ảnh: Nguyên Bình

Hội LHPN tỉnh triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ khuyết tật. Ảnh: Nguyên Bình

Tuy nhiên, sự trợ giúp này so với thực tế vẫn còn độ chênh khá lớn. Theo Luật NKT, những NKT đặc biệt nặng và nặng được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế. Nhưng nhóm khuyết tật nhẹ (chiếm 2/3 số NKT) lại không được hỗ trợ gì trong khi hoàn cảnh nhiều gia đình rất khó khăn.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo trợ NKT và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh, nhiều trường hợp được xem là khuyết tật nhẹ nhưng thực tế họ không có khả năng lao động. Để hỗ trợ NKT, cần có sự rà soát, đánh giá xác đáng, có chương trình hành động, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức liên quan. Các cơ quan, đơn vị cần xem việc thực hiện Luật NKT và Quyết định số 1190/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vừa là nhiệm vụ, vừa là trách nhiệm xã hội, không thể lơ là.

Ông Nguyễn Văn Thưởng cho biết, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh là đơn vị đầu tiên triển khai thực hiện Quyết định số 1190/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về trợ giúp NKT giai đoạn 2021-2030. Theo đó, Hội LHPN tỉnh đã đưa nội dung này vào Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2021-2026), đặt ra chỉ tiêu đến cuối nhiệm kỳ có 80% phụ nữ khuyết tật được các cấp Hội hỗ trợ bằng các hình thức khác nhau.

Hội LHPN tỉnh cũng ban hành chương trình trợ giúp phụ nữ khuyết tật giai đoạn 2021-2030 với nhiều nội dung cụ thể như: nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp Hội, hội viên phụ nữ về thực hiện công tác trợ giúp phụ nữ khuyết tật; đẩy mạnh hoạt động của các cấp Hội trong hỗ trợ phụ nữ khuyết tật; thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội, đề xuất chính sách liên quan đến NKT. Từ đầu năm đến nay, nhiều địa phương đã ra mắt câu lạc bộ “Phụ nữ khuyết tật tự lực” với hàng trăm thành viên là phụ nữ khuyết tật tham gia.

Cán bộ Hội LHPN huyện Ia Pa tặng quà, động viên phụ nữ khuyết tật. Ảnh: N.B
Cán bộ Hội LHPN huyện Ia Pa tặng quà, động viên phụ nữ khuyết tật. Ảnh: N.B

Luật NKT chia ra 3 nhóm: khuyết tật nhẹ, khuyết tật nặng và khuyết tật đặc biệt nặng. Người khuyết tật nặng và khuyết tật đặc biệt nặng là người không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, suy giảm từ 61% đến 100% khả năng lao động. Người khuyết tật nhẹ là người suy giảm dưới 61% khả năng lao động, không được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo Luật Bảo hiểm y tế.

Năm 2007, Việt Nam là thành viên thứ 118 tham gia ký Công ước Quốc tế về các quyền của NKT của Liên hợp quốc. Công ước nhìn nhận lại vị thế NKT là vấn đề về quyền con người, coi tình trạng khuyết tật là vấn đề xã hội chứ không phải là vấn đề y tế. Như vậy, vấn đề hỗ trợ NKT là nhiệm vụ của toàn xã hội, cần sự chung tay của cả cộng đồng. Khi và chỉ khi được quan tâm giúp đỡ, NKT mới có cơ hội được chăm sóc sức khỏe, tinh thần, vươn lên trong cuộc sống.

Chị Trần Thị Thu Huyền-Chủ tịch Hội LHPN phường Thắng Lợi (TP. Pleiku) cho biết: Trên địa bàn phường có nhiều phụ nữ khuyết tật, khuyết tật nặng và phụ nữ mắc bệnh hiểm nghèo. Hoạt động hỗ trợ cho các chị bị khuyết tật nặng hiện rất khó khăn, chỉ dừng lại ở thăm hỏi, động viên, giúp đỡ chút ít về vật chất. Vì vậy cần có chương trình riêng dành cho phụ nữ khuyết tật nặng, chẳng hạn thành lập quỹ hỗ trợ riêng, đặc thù vì nhiều chị không có khả năng vận động. Người khuyết tật nhẹ cũng cần được cấp thẻ bảo hiểm y tế để có cơ hội chăm sóc sức khỏe vì họ vốn sinh ra đã chịu nhiều thiệt thòi.

Có thể bạn quan tâm

Anh Đinh Bưng (làng Nhoi, xã Tú An) phấn khởi khi được dùng nước sạch. Ảnh: A.P

Phát huy hiệu quả vốn vay chương trình nước sạch, vệ sinh

(GLO)- Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), hàng ngàn hộ dân trên địa bàn thị xã có thêm điều kiện đầu tư nâng cấp, xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.