Nghị lực của những học sinh khuyết tật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dù bị khiếm khuyết cơ thể nhưng bằng nghị lực phi thường, nhiều học sinh vẫn vượt qua khó khăn, chăm chỉ trong học tập và rèn luyện, được thầy cô và bạn bè quý mến.

“Quyết không khuyết tật về ý chí và nghị lực”

Tại cuộc thi “Ước mơ tuổi 15” do Huyện Đoàn, Hội đồng Đội huyện Ia Grai tổ chức mới đây, ai cũng đều ấn tượng với em Nguyễn Thị Thúy Nga (lớp 9A, Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Du, xã Ia Tô). Nga bị thiểu năng trí tuệ.

Trong phần thi hùng biện, Nga xúc động bày tỏ ước mơ được làm giáo viên của mình: “Chúng ta có thể khuyết tật về thân thể nhưng chúng ta quyết không khuyết tật về ý chí và nghị lực. Em ước mơ được trở thành cô giáo để truyền cảm hứng và kiến thức cho những học sinh có hoàn cảnh như em”.

Thầy Phạm Văn Quyết hướng dẫn em Nguyễn Thị Thúy Nga ôn tập kiến thức. Ảnh: Phan Lài

Thầy Phạm Văn Quyết hướng dẫn em Nguyễn Thị Thúy Nga ôn tập kiến thức. Ảnh: Phan Lài

Nga chia sẻ, đạt giải khuyến khích và giải thí sinh ấn tượng nhất cuộc thi là niềm vui vô bờ bến đối với mình. Em sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh éo le. Từ nhỏ đến giờ, em cũng chỉ sống cùng mẹ, mà mẹ thì sức khỏe không tốt. Mặc dù làm lụng cả ngày nhưng cuộc sống của hai mẹ con rất chật vật. Nhưng dù khó khăn thế nào, mẹ vẫn gắng sức để em được đến trường. Thương mẹ, Nga luôn nỗ lực, chăm chỉ học tập và tích cực tham gia các hoạt động của trường, của lớp.

Em Đoàn Thị Minh Toàn-bạn cùng lớp của Nga-chia sẻ: “Trong lớp, bạn nào cũng yêu quý và sẵn sàng giúp đỡ Nga. Em rất khâm phục ý chí đến trường của bạn, dù bị khuyết tật nhưng Nga luôn hòa đồng, tích cực tham gia mọi phong trào của trường, của lớp”.

Do bị bệnh nên việc học của Nga gặp không ít khó khăn, thường tiếp thu chậm hơn nhiều so với các bạn. Đổi lại, Nga luôn cố gắng để bắt kịp chương trình, kiến thức. Ở lớp, em tập trung chú ý nghe thầy-cô giáo giảng bài, chỗ nào chưa hiểu thì nhờ bạn bè và thầy cô giúp đỡ. Các thầy cô cũng tranh thủ thời gian hướng dẫn thêm cho em. Khi về nhà, Nga đều tự giác ôn bài, làm bài tập đầy đủ.

“Em biết mình bị khiếm khuyết nên phải cố gắng gấp đôi, gấp ba để theo kịp các bạn. Nhờ sự giúp đỡ của thầy cô và các bạn, em mới có thể được như ngày hôm nay. Sắp bước vào bậc THPT, em sẽ cố gắng hơn nữa để có kết quả học tập tốt nhất”-Nga bày tỏ.

Thầy Phạm Văn Quyết-giáo viên chủ nhiệm lớp 9A-cho biết: “Em Nguyễn Thị Thúy Nga là học sinh giàu nghị lực. Dù tiếp thu kiến thức chậm hơn các bạn khác nhưng Nga rất chăm học, lễ phép với thầy cô và hòa đồng với bạn bè. Là giáo viên chủ nhiệm, tôi luôn căn dặn các em học sinh trong lớp thường xuyên quan tâm, giúp đỡ Nga”.

Không muốn là gánh nặng

Em Hà Mỹ Kiều (lớp 8B, Trường THCS Nguyễn Du, xã Xuân An, thị xã An Khê) cũng được thầy cô và bạn bè yêu mến, nể phục bởi nghị lực vươn lên trong học tập. Kiều là con thứ ba trong gia đình có 4 anh chị em. Không được may mắn như các bạn cùng trang lứa, khi mới chào đời, Kiều bị hở hàm ếch, đôi chân của em bị teo tóp nên vận động khó khăn.

Ông Hà Văn Mẫu-bố của em Kiều-kể: “Gia đình vay mượn tiền đưa cháu đi điều trị nhiều nơi song không có kết quả. Cháu chỉ được phẫu thuật hở hàm ếch còn chân thì không thể chữa trị. Khi muốn di chuyển, Kiều phải có người khác giúp đỡ. Bị khuyết tật nhưng Kiều rất ham học, gia đình tôi không nghĩ con mình sẽ theo học được đến tận bây giờ”.

Em Hà Mỹ Kiều (bìa trái) luôn được bạn bè yêu mến, nể phục vì tinh thần ham học. Ảnh: Phan Lài

Em Hà Mỹ Kiều (bìa trái) luôn được bạn bè yêu mến, nể phục vì tinh thần ham học. Ảnh: Phan Lài

Thân hình nhỏ bé so với tuổi 14 và chỉ nặng hơn 30 kg nhưng tinh thần học tập, ý thức rèn luyện của Kiều luôn được các thầy-cô giáo đánh giá rất cao. Bất kể mưa hay nắng, em đều đi học đúng giờ. Những lúc đau yếu phải nghỉ học vài ngày, Kiều luôn chủ động nhờ thầy cô kèm cặp, giúp đỡ để không bị hổng kiến thức.

Khi được hỏi về ước mơ trong tương lai, Kiều ngập ngừng chia sẻ: “Gia đình, thầy cô và các bạn luôn bên cạnh, tận tình giúp đỡ em. Em đang cố gắng học tập để có thể học hết bậc THPT rồi xin đi học nghề; sau đó tìm được việc làm phù hợp để nuôi sống bản thân. Em không muốn là gánh nặng của ba mẹ”.

Cô Nguyễn Thị Tường Vy-giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường THCS Nguyễn Du-cho hay: “Dù chỉ đạt điểm trung bình các môn học nhưng niềm đam mê học tập, ý chí vươn lên của Kiều khiến nhiều người nể phục. Em xứng đáng là tấm gương sáng về nghị lực vượt khó để các bạn học tập và noi theo. Thời gian qua, nhà trường luôn tạo điều kiện và có nhiều hình thức động viên, giúp em tự tin, vững vàng hơn trên con đường đi tới tương lai”.

Con đường đến trường của các em học sinh khuyết tật vốn không bằng phẳng. Ước mơ trở thành cô giáo của Nga, mong muốn có một nghề nuôi sống bản thân trong tương lai của Kiều sẽ còn trải qua nhiều thử thách. Nhưng với ý chí, nghị lực cùng sự động viên, giúp đỡ của gia đình, thầy cô và các bạn, tin tưởng rằng các em sẽ vững vàng hơn trong hành trình đi tới.

Có thể bạn quan tâm

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Có những người con của phố thị, nhưng tâm hồn thì hướng về những ngọn đồi xanh thẳm. Đặng Công Lợi - một công dân trẻ của Đà Nẵng, vì yêu sắc xanh của cây lá, đang từng ngày nhân lên tình yêu trồng cây và gìn giữ môi sinh.

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.