Cậu học trò đuối nước thương tâm trước thềm năm học mới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Đang háo hức đón chào năm học mới, nhưng em Trần Ngọc Toản (SN 2010, học sinh lớp 8 Trường THCS Ia Ly, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) vĩnh viễn không thể cắp sách tới trường cùng chúng bạn. Giấc mơ đèn sách khép lại với cậu học trò phố huyện sau tai nạn đuối nước thương tâm.

Sáng 6-9, thầy và trò Trường THCS Ia Ly bước chân nặng trĩu tiễn đưa cậu học trò Trần Ngọc Toản về nơi an nghỉ cuối cùng. Mới 2 ngày trước, Toản và các bạn cùng lớp duyệt tiết mục văn nghệ để sẵn sàng cho ngày khai giảng năm học mới. Thế nhưng, buổi lễ khai giảng đã không còn bóng dáng Toản nữa sau buổi chiều ác mộng ở hồ Ia Mơ Nông (xã Ia Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh).

Chiều 4-9, Toản cùng nhóm bạn đến khu vực hồ Ia Mơ Nông-cách nhà em hơn 3 km để chơi. Đây là khu vực rộng lớn vốn là bãi cỏ khô cạn vào mùa khô nhưng lại ngập nước vào mùa mưa. Những ngày qua, mưa lớn khiến nước ở khắp nơi đổ về nên mực nước hồ dâng cao, phong cảnh đẹp nên thu hút nhiều người đến chơi, nhất là các em thanh-thiếu niên. Toản cùng 3 bạn để xe trên bờ rồi nhảy xuống hồ bơi. Trong lúc nô đùa, em bị trượt chân xuống khu vực nước sâu rồi chới với kêu cứu. Các bạn của em vừa hô hoán, vừa lao tới cứu song bất lực. Khi mọi người kéo được Toản lên bờ thì em đã tử vong.

Hồ Ia Mơ Nông có mực nước lớn vào mùa mưa do nước mưa ở nhiều nơi đổ về. Ảnh: Văn Ngọc

Hồ Ia Mơ Nông có mực nước lớn vào mùa mưa do nước mưa ở nhiều nơi đổ về. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Dương Văn Quỳnh-bác ruột của Toản bàng hoàng khi nghe tin cháu bị đuối nước. Cả gia đình, họ hàng và người thân khi hay tin đều nháo nhác chạy đi tìm khắp nơi. “Hồ nước rộng, chúng tôi đều quýnh quáng đi tìm. Cuối cùng cũng tìm thấy cháu thì cháu đã mất rồi, không cấp cứu được nữa. Đây cũng là bài học cho các cháu học sinh trong vùng vì chủ quan khi thấy hồ nước cạn, đẹp và xuống bơi mà không hề hay biết ở dưới có những hố nước sâu bất thường dễ dẫn đến tai nạn. Tôi cũng mong cơ quan chức năng lắp đặt hệ thống các biển cảnh báo tại những khu vực nguy hiểm để khuyến cáo các em học sinh không tự ý tổ chức các hoạt động hoặc vui chơi ở những nơi gần ao, hồ, sông suối…”-Ông Quỳnh nói.

Đau thương nhất chính là chị Dương Thị Hiên-mẹ cháu Toản. Ở cái tuổi ngũ tuần, chị đã phải đón nhận 2 sự mất mát quá lớn trong một thời gian ngắn. Đầu năm 2023, người chồng đầu ấp tay gối đã vĩnh viễn ra đi vì cơn bạo bệnh để lại cho chị 3 người con (2 người con gái và Toản). Mất đi trụ cột gia đình, niềm tin chị đặt cả vào các con, đặc biệt là cậu con trai mà chị vẫn xem là chỗ dựa vững chãi. Dù mới 13 tuổi, song Toản đã biết lo toan việc nhà cũng như giúp gia đình công việc thu mua vỏ bời lời.

Bởi vậy, khi thấy thi thể con nằm trên bãi cỏ ven hồ Ia Mơ Nông, chị lao tới ôm chặt lấy con rồi ngất lịm đi. Đến nay, chị vẫn không thể tin rằng đã mất đi người con bấy lâu nuôi nấng. Chị vật vã, thất thần, khóc cạn nước mắt vì thương con.

“Nó là con trai nhưng rất tình cảm, hay tâm sự với mẹ, thương mẹ đi làm vất vả nên thường phụ giúp mẹ, bố mất rồi còn nó là người đàn ông duy nhất trong gia đình. Hôm trước lên trường nhận lớp, nó về vui lắm bảo là vẫn được học lớp cũ với các bạn cũ, lại còn được ngồi cái bàn năm ngoái nữa. Tôi cũng mới sắm sửa sách vở, quần áo cho nó để chuẩn bị bước vào năm học mới rồi. Nó có thể học không giỏi như người ta, nhưng nó ngoan lắm chưa bao giờ làm mẹ phải phiền lòng. Vậy mà bây giờ nó cũng bỏ tôi đi rồi”-chị Hiên nghẹn ngào.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Đức Hoàng-Hiệu trưởng Trường THCS Ia Ly cho biết: “Đây là vụ việc vô cùng đau xót với gia đình và nhà trường. Em Toản là học sinh ngoan ngoãn, hòa đồng và nhiệt tình với các hoạt động của lớp. Hàng năm, chúng tôi đã tổ chức nhiều hoạt động giáo dục kỹ năng sống để cảnh báo các em về tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông, khuyến khích phụ huynh đưa con em mình đi học bơi để chủ động phòng tránh. Tuy nhiên sự mất mát, đau thương đầy đáng tiếc vẫn xảy ra. Vụ việc là hồi chuông cảnh báo cho toàn thể học sinh trong nhà trường, hy vọng các em cũng như phụ huynh sẽ cẩn trọng hơn để không xảy ra các vụ việc tương tự”.

Có thể bạn quan tâm

Đìu hiu chợ xã Ia Hla

Đìu hiu chợ xã Ia Hla

(GLO)- Chỉ sau khoảng 3 tháng đi vào hoạt động, hầu hết tiểu thương đã rời chợ xã Ia Hla (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) để chuyển đến buôn bán tại những điểm đông dân. Tình trạng này khiến chợ xây dựng tiền tỷ trở nên đìu hiu, vắng bóng tiểu thương và vô cùng lãng phí.

Khi mưa bão đi qua

Khi mưa bão đi qua

(GLO)- Sau mỗi lần mưa bão, đứng trước cảnh tượng đổ nát hoang tàn, lòng tôi chỉ thấy dâng ngập những nỗi xót xa.
Ia Khươl quan tâm giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số

Ia Khươl quan tâm giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số

(GLO)- Xã Ia Khươl (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) có 1.943 hộ với 7.989 khẩu, trong đó, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 80%. Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, hệ thống chính trị xã tập trung triển khai nhiệm vụ hỗ trợ sản xuất gắn với công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân.

Ông Đinh Thai-người uy tín của huyện Kbang

Kbang: Chăm lo xây dựng đội ngũ người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(GLO)- Việc thường xuyên cung cấp thông tin cần thiết về tình hình thời sự, vấn đề kinh tế-xã hội và tạo điều kiện tham quan, học tập kinh nghiệm từ thực tiễn đã giúp cho đội ngũ già làng, người có uy tín trên địa bàn huyện Kbang phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ của mình tại cơ sở.
Rmah H’Byên: Nữ công nhân cao su tận tụy với nghề

Rmah H’Byên: Nữ công nhân cao su tận tụy với nghề

(GLO)-

Tròn 15 năm gắn bó với cây cao su, Rmah H’Byên không chỉ là công nhân có bàn tay vàng của Công ty TNHH một thành viên 74 (Công ty 74) mà chị còn tận tâm giúp đỡ hàng chục công nhân người đồng bào dân tộc thiểu số biết cách cạo và cạo mủ cao su giỏi.