Câu chuyện nhỏ về con đường hành lang xưa ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mỗi lần đi qua đèo Mang Yang, tôi không khỏi bồi hồi nhớ về quá khứ. Ở dưới chân đèo, dọc theo quốc lộ 19 chừng 20 km là những điểm qua lại bí mật của con đường hành lang Trung ương Bắc-Nam thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Dẫu là “giao liên không chuyên” nhưng tôi cũng không ít lần đưa cán bộ, chiến sĩ lại qua trên con đường giao liên này. Thường chúng tôi đi con đường giao liên nội tỉnh, phía trên đầu đèo An Khê, đoạn qua xã Song An (thị xã An Khê); trừ khi con đường ấy bị tắc vì địch càn quét đánh phá, phục kích không thể đi được, chúng tôi mới phải nhờ đến đường hành lang Trung ương.

artboard-1.jpg
Ảnh minh hoạ: Đoàn Minh

Theo hướng đầu đèo Mang Yang xuống, qua khỏi chợ Hà Tam, nhìn về bên tay phải (phía Nam quốc lộ 19) chúng ta sẽ thấy cổng “Làng văn hóa H’Way”. Từ cổng làng đi chừng hơn 1 km theo đường bê tông là vào đến làng.

Làng H’Way thuộc xã Hà Tam (huyện Đak Pơ), có 150 hộ, chủ yếu là người Bahnar. Thời kháng chiến chống Mỹ, dân làng có lúc bị địch dồn vào ấp chiến lược. Nhưng rồi, bà con lại bỏ ấp về làng cũ; một bộ phận thì vào rừng theo cách mạng, sống bất hợp pháp với chế độ cũ. Tôi nhớ hồi đó làng thuộc xã Chư Krêy (thuộc huyện Kông Chro ngày nay).

Chư Krêy ngày xưa gọi là A3 và dọc theo bên này (phía sườn Đông) dãy núi Kông Chiêng là hành lang vận tải của cách mạng từ những năm 1960-1975. Kông Chiêng theo dân gian truyền miệng là dãy núi rất linh thiêng, chỉ có những người... “ngậm ngải tìm trầm” mới có thể dám đặt chân lên núi.

Hàng đêm, từ mọi phía dẫu rất xa nhưng khi trời trong, trăng sáng, gió thổi qua những cánh rừng già, chúng ta vẫn có thể nghe cả tiếng “cồng chiêng của thần linh” từ núi Kông Chiêng vọng đến. Có lẽ vì vậy nên ngọn núi này mới có tên núi Kồng Chiêng, sau nói mãi lại thành ra Kông Chiêng (hay Kon Chiêng).

Hành lang Trung ương Bắc-Nam dọc theo phía sườn Đông của dãy Kông Chiêng được bà con Bahnar trong vùng che chở, bảo vệ. Vì vậy mà bao năm dẫu bị địch càn quét, phục kích, đánh phá nhưng hành lang vẫn hoạt động bình thường. Đôi khi cũng bị địch vây ráp với 1 đội xe tăng và lính thường xuyên tuần tra dọc con đường, song luôn được một tiểu đoàn vận tải kiêm bảo vệ của ta phát hiện, né tránh nhằm đảm bảo an toàn cho những đoàn quân qua lại.

Hàng đêm có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ quân dân chính của các tỉnh vùng Đông-Nam Trường Sơn hành quân trên con đường này. Hành lang còn có nhiệm vụ vận chuyển hàng vạn tấn lương thực, đạn dược, nhu yếu phẩm cho chiến trường phía Nam Trung Bộ như: Phú Yên, Khánh Hòa...

Con đường 19 nối từ TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) lên các tỉnh Bắc Tây Nguyên, thời nào cũng là con đường huyết mạch. Bởi vậy, thời chiến tranh, hết giặc Pháp đến giặc Mỹ đều ra sức càn quét, đánh phá ác liệt dọc hai bên đường hòng chia cắt sự tiếp tế, vận tải quân lương và lực lượng của cách mạng, cũng là để bảo vệ con đường vận chuyển của chúng giữa đồng bằng Trung Trung Bộ với Tây Nguyên.

Sau Hiệp định Paris (tháng 1-1973), địch có phần nới lỏng khủng bố càn quét để tập trung lực lượng đánh phá sâu vào vùng giải phóng của ta, cắm cờ, giành dân, cướp đất. Từ đầu đèo Mang Yang đến giáp chợ Đồn (An Khê) có 2 đồn địch chốt giữ trên đường, 1 đồn Bảo An ở Đak Pơ, 1 đồn lính Cộng hòa thay cho quân đội ngoại bang sau Hiệp định Paris đã rút đi chốt giữ phía Bắc đỉnh đèo, trên dãy núi cao nhất vùng, bởi ở đó chúng có thể quan sát toàn cảnh vùng Đông và Đông-Nam của thung lũng Đak Pơ ngày nay.

Tôi hay về Đak Pơ thăm lại chiến trường xưa. Vùng đất anh dũng này trong kháng chiến bị địch đánh phá khốc liệt, dồn dân lập ấp, “tát nước bắt cá”; đa số người dân sống bất hợp pháp, làm rẫy trồng khoai, mì, bắp, lúa... phần để có cái ăn, phần để ủng hộ cách mạng, cuộc sống cơ cực biết nhường nào.

Nhưng giờ đây, sau nửa thế kỷ nước nhà thống nhất, được các cấp ủy và chính quyền đầu tư, xây dựng hạ tầng; giúp đỡ, hướng dẫn cách làm ăn mới, bỏ du canh du cư, lập làng định cư; vận động chung tay khai hoang, phục hóa, làm thủy lợi, cải tạo ruộng đồng..., người dân đã có cuộc sống ổn định, cảnh đói cơm lạt muối dần lùi xa vào quá khứ.

Mấy lần tôi về thăm lại làng H’Way, gặp bà con, các anh chị cựu chiến binh của làng, họ vui mừng kể bao chuyện xưa và nay; nhất là từ khi định cư, định canh, làng phát triển lên nhiều, chỉ còn một số ít hộ nghèo nhưng họ cũng đang cố gắng thoát nghèo, chung tay xây dựng làng giàu đẹp.

Chỉ có một điều, cứ mỗi lần đi trên quốc lộ 19 qua đoạn hành lang Trung ương năm xưa, lòng tôi cứ thấy quặn lại. Bao đồng đội, đồng chí của chúng tôi đã từng qua lại trên con đường này, sau ngần ấy năm không rõ ai còn ai mất.

Cùng tâm trạng như tôi, anh Nguyễn Hữu Lộc (nguyên Bí thư Huyện ủy Ia Grai, Giám đốc Sở Nội vụ, người cũng từng hàng chục lần lại qua trên hành lang) tâm sự: “Giá mà các cơ quan chức năng quan tâm xây dựng một tấm bia nho nhỏ ghi lại dấu mốc lịch sử của con đường này để các thế hệ hôm nay và mai sau nhớ đến một thời cha ông đã từng đi kháng chiến cứu nước lại qua hành lang bí mật nơi đây”.

Còn anh Kiều Đức Hận (nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy) thì cho rằng: “Xác định vị trí dựng bia lưu niệm của hành lang không khó, bởi anh nhớ như in điểm đầu hai bên đường 19 mà hành lang của ta xuất phát. Dựng tấm bia lưu niệm đánh dấu một di tích lịch sử kháng chiến trên hành lang không khó, cũng không tốn kém nhiều nhưng tiếc thay, cho đến nay đã 50 năm đất nước thống nhất mà vẫn chưa làm được điều này”.

Có lẽ đây cũng là điều mà những người từng trải qua như chúng tôi đau đáu nhất mỗi khi về thăm lại nơi này.

Có thể bạn quan tâm

Thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Ia Tô (xã Ia Tô, huyện Ia Grai) mong muốn được hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản. Ảnh: H.D

Ia Grai: Hợp tác xã chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm

(GLO)- Nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã chủ động tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, để sản phẩm mới có được chỗ đứng ổn định trên thị trường, các HTX rất cần sự hỗ trợ của chính quyền và ngành chức năng địa phương.

Hội LHPN xã Ia Mơ Nông tặng hội viên thùng rác để bỏ rác sinh hoạt, bảo vệ môi trường. Ảnh: G.H

Ia Mơ Nông chung tay bảo vệ môi trường nông thôn

(GLO)- Nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và triển khai nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả, góp phần làm cho cảnh quan môi trường nông thôn của xã ngày càng xanh-sạch-đẹp. 

Diện mạo nông thôn xã Chư Mố ngày càng khang trang. Ảnh: R.H

Chuyện về những ngôi làng bên sông Ba

(GLO)- Đến xã Chư Mố (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai), chúng ta nhận thấy tên gọi 5 làng ở đây đều gắn liền với dòng sông Ba và những người lập làng đầu tiên. Đó là các làng: Plơi Apa Ama Đă, Plơi Apa Ama H’Lăk, Plơi Apa Ama Lim, Plơi Apa Ơi H’Trông và Plơi Apa Ơi H’Briu.

Hàng cây ngô đồng rực sắc trên đường về miền biên giới Ia Mơ. Ảnh: V.T.T

Về miền biên giới Ia Mơ

(GLO)- Khi ngồi viết những dòng chữ này, tôi vẫn còn vấn vương trước vẻ đẹp của hàng cây ngô đồng điểm tô sắc đỏ chấm phá trên nền trời xanh biếc dọc miền biên giới Ia Mơ.

Nhờ chăm chỉ làm lụng, gia đình anh Rơ Lan Hle (ở giữa) đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, bề thế. Ảnh: T.D

Sức sống mới ở làng Ó

(GLO)- Xa rồi những ngày khốn khó với nỗi lo thiếu đói lúc giáp hạt luôn ám ảnh trong tâm trí người dân làng Ó, xã Ia Krái, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Giờ đây, làng Ó đã khoác lên mình chiếc áo mới bởi màu tươi sáng của những ngôi nhà xây to đẹp và các khu vườn mướt xanh, trĩu quả.