Emagazine

E-magazine Thác Ông Bà reo ca giữa rừng xanh

Từ TP. Pleiku theo quốc lộ 19, chúng tôi xuôi đèo Mang Yang đến địa phận thị xã An Khê. Từ trung tâm thị xã, di chuyển thêm khoảng 19 km nữa thì đến trụ sở UBND xã Ya Hội. Đoạn đường này đi qua khu vực rừng phòng hộ Ya Hội xanh mát bóng cây. Điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây rất phù hợp để trồng keo lai, cây bạch đàn… giúp người dân quanh vùng nâng cao đời sống.

Quãng đường từ trung tâm xã Ya Hội đến thác Ông Bà dài khoảng 5 km, khá gập ghềnh. Chỉ có xe máy mới có thể vào đến tận chân thác. Khung cảnh thiên nhiên đẹp như một bức tranh miền quê yên bình gắn với đời sống của người dân nơi làng xa. Một màu xanh ngút ngàn trải dài tít tắp về phía chân trời.

Khi tia nắng chiếu qua, từng hàng mía thẳng tắp nhuộm một màu xanh um đầy sức sống. Chúng tôi vừa đi vừa ngắm cảnh, hít thở bầu không khí trong lành, thoáng đãng, thỉnh thoảng dừng chân lưu lại những khoảnh khắc yên bình giữa mênh mông núi đồi.

Gần đến thác Ông Bà có một dòng suối yên ả, trong veo. Không gian xung quanh cũng vô cùng mát mẻ với những tán cây rừng nghiêng mình bên dòng suối, tạo nên khung cảnh thật nên thơ. Bám trên những hòn đá nằm len lỏi dưới dòng nước, chúng tôi đi chừng mấy trăm bước chân nữa thì vào đến thác.

Giữa khung cảnh núi rừng hoang sơ, từ tảng đá to trải rộng, dòng nước từ trên cao ầm ào đổ xuống dòng suối Hway mát lành bên dưới. Lực nước đổ mạnh xuống, bắn ra những tia nước xung quanh giúp xua tan đi cái nóng oi ả giữa mùa khô.

Chia sẻ về nguồn gốc của tên thác, Phó Chủ tịch UBND xã Ya Hội Đinh Văn Loăi cho hay: Ngày xưa, khu vực quanh thác chủ yếu là rừng nguyên sinh. Người dân sống dựa vào thiên nhiên, săn bắt, hái lượm. Sau này, làng di cư đến nơi khác, sinh sống quần tụ ổn định làm ăn. Tuy nhiên, có 1 cặp vợ chồng người Bahnar nhất định ở lại nơi mình được sinh ra. Họ bám trụ mưu sinh và sau này mất đi tại khu vực quanh dòng thác này. Từ đó, người dân đặt tên là thác Ông Bà, tiếng Bahnar là thác Jăh Bok.

Dòng thác này hầu như chưa bao giờ cạn. Nguồn nước cung cấp nước tưới cho cả một vùng rộng lớn. Vào mùa khô, nước cạn, lộ ra 2 hòn đá to nằm cạnh nhau. Theo người dân địa phương, hòn đá nằm chếch về phía cao hơn là hiện thân cho người đàn ông, còn hòn đá nhỏ hơn nằm dưới được cho là người phụ nữ. Thác bắt nguồn từ huyện Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định), nhập về sông Pơ Kơ (xã Đăk Kơ Ning, huyện Kông Chro), sau đó chảy ra sông Ba.

Do thường xuyên chịu tác động của nước và các yếu tố môi trường, theo thời gian, quá trình bào mòn đã góp phần làm nổi bật những tảng đá màu đen tuyền trải dài từ đỉnh thác đến lòng suối, tạo nên khung cảnh ấn tượng. Xung quanh, cây rừng đang mùa thay lá, tô điểm cho không gian nơi đây thêm phần thơ mộng. Rừng phòng hộ khu vực này được giao khoán cho người dân các làng cùng quản lý, bảo vệ cảnh quan quanh vùng.

Anh Lý Văn Thắng-Công chức Văn hóa-Xã hội xã Ya Hội đã sinh sống ở đây hơn 40 năm. Anh cho biết: Trước kia, khu vực này là làng ghép (gồm người dân tộc Mông, Dao và Bahnar) cùng lập làng sinh sống. Năm 2006, làng di dời về trung tâm xã. Vào những dịp dân làng tổ chức các lễ hội truyền thống như lễ bỏ mả, lễ mừng lúa mới… họ thường đến lấy nước từ dòng thác này về dâng lên Yàng, cầu cho dân làng được bình an, sức khỏe dồi dào để lao động, sản xuất.

Được biết, theo kế hoạch của huyện Đak Pơ, một con đường bê tông trải dài từ ngã ba làng Groi đến tận con suối dẫn vào thác sẽ được đầu tư xây dựng trong năm nay. Khi đó công tác an ninh, vệ sinh, cảnh quan… sẽ được hoàn thiện bài bản hơn.

Dòng thác reo ca giữa rừng xanh. Thực hiện: Võ Thanh Thảo
de-ema-ko-co-gi-kien-01.jpg

Có thể bạn quan tâm

Tìm về ẩm thực xanh

E-magazine Tìm về ẩm thực xanh

(GLO)- Ẩm thực của người Bahnar, Jrai chế biến đơn giản, nguyên liệu thường là những thứ sẵn có trong tự nhiên. Nhưng không vì thế mà món ăn thiếu đi sự hấp dẫn, ngược lại còn rất tròn vị và tinh tế.

Du lịch bay trên “đôi cánh” điện ảnh

E-magazine Du lịch bay trên “đôi cánh” điện ảnh

(GLO)- Ngay khi nghe tin bộ phim truyện điện ảnh “Lạc rừng” sẽ được bấm máy tại Gia Lai vào tháng 8-2025, công chúng nơi đây đã rất háo hức, mong chờ. Là bởi, quê hương mình, xứ sở mình sẽ xuất hiện trong những thước phim tuyệt đẹp của một dự án phim đình đám.

Kể chuyện văn hóa Jrai qua chiếc gùi mộc

E-magazine Kể chuyện văn hóa Jrai qua chiếc gùi mộc

(GLO)- Hầu hết các già làng đều cho rằng gùi mộc mang vẻ đẹp nguyên sơ, thuần khiết, là tiền thân của những chiếc gùi hoa văn mang tính thẩm mỹ cao. Vậy nhưng, những người có thể làm ra được gùi mộc nguyên bản trong cộng đồng hiện nay khá hiếm.

Nhà sưu tầm Nguyễn Quang Hiền: Trở về miền ký ức Pleiku xưa

E-magazine Nhà sưu tầm Nguyễn Quang Hiền: Trở về miền ký ức Pleiku xưa

(GLO)- Đi một chiếc Dream Thái đến địa điểm đã hẹn cùng chúng tôi, nhà sưu tầm Nguyễn Quang Hiền-nguyên Phó Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai từ xa đã nở nụ cười tươi. Xe của ông hằn dấu vết của thời gian. Nhìn chiếc xe, có thể phần nào nói lên tính cách của người đàn ông đam mê sưu tầm “đồ cổ”.

The Maestro Đại Ngàn: Điểm nhấn cho đô thị Pleiku

E-magazine The Maestro Đại Ngàn: Điểm nhấn cho đô thị Pleiku

(GLO)- Tọa lạc ngay tại vị trí trung tâm đắc địa của TP. Pleiku, The Maestro Đại Ngàn (số 63 – 65, đường Lý Nam Đế, phường Trà Bá)-Khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên tại Gia Lai được kỳ vọng sẽ tạo điểm nhấn cho Pleiku trong hành trình hướng đến đô thị thông minh, thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”.

Hướng tới Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh lần thứ VIII: Tin tưởng và kỳ vọng

E-magazine Hướng tới Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Gia Lai lần thứ VIII: Tin tưởng và kỳ vọng

(GLO)- Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam tỉnh Gia Lai lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2024-2029) diễn ra vào ngày 5 và 6-11. Trong niềm hân hoan, phấn khởi, nhiều cán bộ, hội viên và đại diện các câu lạc bộ, nhóm tình nguyện trên địa bàn tỉnh đã bày tỏ sự tin tưởng, kỳ vọng vào đại hội.

Pleiku sẵn sàng cho Ngày hội Văn hóa-Du lịch 2024

E-magazine Pleiku sẵn sàng cho Ngày hội Văn hóa-Du lịch 2024

(GLO)- Từ ngày 15 đến 17-11, TP. Pleiku tổ chức Ngày hội Văn hóa-Du lịch năm 2024 với nhiều hoạt động hấp dẫn nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc, nổi bật về tài nguyên du lịch, ẩm thực của phố núi, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng.