Không gian Bảo tàng tỉnh Gia Lai bỗng trở nên rộn ràng, náo nhiệt hơn thường lệ với sự góp mặt của hơn 20 giáo viên và học sinh của Trường THPT FPT Quy Nhơn (trong đó có 8 học sinh đến từ Nhật Bản) đến tham quan, trải nghiệm và tìm hiểu về nghệ thuật hát bội. Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa trong khuôn khổ Trại hè quốc tế Heritage 2025 do nhà trường tổ chức, kéo dài từ ngày 21 đến 27-7.
Ngay từ ban đầu bước chân vào bảo tàng, các bạn trẻ đã bị cuốn hút bởi lời giới thiệu của thuyết minh viên về những di sản văn hóa của Gia Lai. Lịch sử hàng trăm năm của nghệ thuật hát bội được tái hiện một cách sinh động qua những câu chuyện, hiện vật và hình ảnh được trưng bày. Các em học sinh đã phần nào hiểu được rằng, hát bội là một loại hình nghệ thuật sân khấu tổng hợp, mang trong mình cả văn học, âm nhạc, vũ đạo và mỹ thuật, phản ánh sâu sắc tâm hồn, cốt cách của người Việt.

Không khí của buổi trải nghiệm được đẩy lên cao trào khi hai mẹ con Nghệ nhân Ưu tú Lệ Hoa và nghệ nhân Diễm Thi của Đoàn nghệ thuật hát bội Nhơn Hưng bước ra sân khấu biểu diễn trích đoạn Dương Loan Anh - Đoàn Hồng Ngọc hạ sơn (vở tuồng Ngũ hổ bình Nam). Tiếng trống giục giã, tiếng đàn réo rắt hòa trong từng câu hát, vũ đạo biểu diễn của hai nghệ nhân, tất cả đã tạo nên một sức hấp dẫn mãnh liệt khiến các em chăm chú theo dõi không rời mắt.
“Nhìn những ánh mắt chăm chú, tò mò của các cháu học sinh trong nước và các cháu người Nhật, tôi thấy ấm lòng. Việc đưa nghệ thuật hát bội cho lớp trẻ tiếp cận như cách này sẽ lan tỏa giá trị di sản đến gần công chúng hơn”-Nghệ nhân Ưu tú Lệ Hoa nói thêm.
Trong khi đó, nghệ nhân trẻ Diễm Thi không giấu được niềm vui: “Thấy các em rất hào hứng chờ xem hát bội, tôi rất vui. Đó là sự khích lệ lớn nhất đối với người nghệ nhân. Hy vọng sẽ có nhiều hoạt động ý nghĩa như thế này để nghệ nhân “giữ lửa” nghề của cha ông, để có thêm nhiều bạn trẻ đi xem hát bội”.
Điểm nhấn đặc biệt của chương trình là hoạt động trải nghiệm vẽ mặt nạ hát bội. Dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân, các em học sinh được tìm hiểu về màu sắc, đường nét quy ước hóa trang cho từng loại nhân vật trong sân khấu hát bội. Các em đã tự tay cầm cọ, pha màu và thể hiện sự sáng tạo của mình trên từng chiếc phôi mặt nạ hát bội. Mỗi chiếc mặt nạ vẽ xong không chỉ là một món quà lưu niệm, mà còn để lại ấn tượng đậm sâu trong hành trình trải nghiệm đáng nhớ.

Theo chị Võ Diệu Minh - Cán bộ công tác học sinh Trường THPT FPT Quy Nhơn, chương trình Trại hè quốc tế Heritage 2025 nhằm kết nối giao lưu các bạn học sinh Việt Nam và Nhật Bản tìm hiểu về văn hóa, con người địa phương và biển, đảo của Gia Lai. “Đây là cách để giúp các em “chạm” vào di sản một cách chân thực nhất, đồng thời quảng bá di sản văn hóa Gia Lai đến bạn bè quốc tế” - chị Minh cho biết.

Em Nguyễn Trần Quỳnh Anh, học sinh lớp 12A4 Trường THPT FPT Quy Nhơn, phấn khích nói: “Hôm nay, em cùng các bạn, đặc biệt có các bạn Nhật Bản có cơ hội đến Bảo tàng Gia Lai không chỉ biết có thêm nhiều thông tin về bảo tàng, mà còn được cảm nhận cái hay của hát bội. Em mong các bạn Nhật Bản sẽ là những “đại sứ văn hóa” quảng bá nét đẹp văn hóa của Việt Nam đến với nước các bạn”.
Đối với các học sinh đến từ Nhật Bản, đây là một cuộc khám phá lịch sử, văn hóa Việt Nam nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng đầy ý nghĩa. Bạn Takahashi Junnosuke, nam sinh đến từ Trường Shibaura Institute of Technology Junior Senior High School (Nhật Bản) chia sẻ: “Ở Nhật Bản chúng tôi cũng có kịch đeo mặt nạ biểu diễn. Nhưng khi xem hát bội của Việt Nam, tôi thấy có nghệ thuật hóa trang, phục trang, âm nhạc và cách biểu diễn mang một màu sắc rất riêng, đầy cuốn hút. Đây thực sự là một trải nghiệm tuyệt vời”.
Trong khuôn khổ Trại hè quốc tế Heritage 2025, các em học sinh còn được tham gia nhiều trải nghiệm hấp dẫn khác tại các điểm đến ở Gia Lai như: Khu du lịch Kỳ Co, Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo, làng nghề nón ngựa Phú Gia, Bảo tàng Quang Trung; khám phá biển, đảo ở tỉnh Đắk Lắk.
