Trong đó, anh Đặng Duy Phương (32 tuổi) và vợ chồng anh Trần Trọng Nghĩa (37 tuổi) - chị Hồ Thị Thân Thương (35 tuổi) là những gương mặt tiêu biểu, góp phần lan tỏa các giá trị xanh, bền vững cho cộng đồng.
Cồn Chim - xóm nhỏ thuộc thôn Vinh Quang 2 (xã Tuy Phước Đông) ẩn mình giữa vùng đầm Thị Nại mênh mông, mang vẻ đẹp nguyên sơ và thanh bình hiếm có. Hệ sinh thái rừng ngập mặn đa dạng với những đàn cò, sếu, le le dập dìu quanh năm tạo nên sức hút riêng cho vùng đất này, nhất là với những ai yêu thích du lịch sinh thái. Chính vẻ đẹp ấy đã khơi dậy cảm hứng lập nghiệp trong lòng những người con quê hương.

Gắn bó với Cồn Chim từ năm 2009 khi được phân công giảng dạy tại điểm trường trong xóm, anh Trần Trọng Nghĩa-Giáo viên Trường Tiểu học số 2 Phước Sơn dần ấp ủ ý tưởng phát triển du lịch dựa trên vẻ đẹp tự nhiên và đời sống mộc mạc nơi đây.
Còn anh Đặng Duy Phương lại tìm thấy cảm hứng sau những chuyến đi xa rồi quay về. Từng rong ruổi nhiều nơi, nhưng với anh, quê hương vẫn là điểm đến hấp dẫn nhất. Đặc biệt, khu vực Cồn Chim với vùng rừng ngập mặn giữa đầm Thị Nại, cảnh sắc thanh bình, hệ sinh thái đa dạng và vẻ đẹp mộc mạc đã thôi thúc anh dừng chân, khởi nghiệp ngay trên mảnh đất quê nhà.
Từ năm 2017, khi nhận thấy vẻ đẹp và tiềm năng của Cồn Chim, anh Phương cùng các bạn đoàn viên thanh niên bắt đầu chụp ảnh, quay video và chia sẻ trên mạng xã hội với mong muốn đưa hình ảnh quê hương đến gần hơn với du khách. Anh nhớ lại: “Khi đó, chúng tôi không có gì ngoài chiếc máy ảnh và tình yêu quê hương. Nhưng chính sự giản dị, chân thật trong từng khung hình đã chạm được vào cảm xúc của người xem”.

tại Cồn Chim. Ảnh: NVCC
Cuối năm 2021, vợ chồng anh Nghĩa đầu tư 100 triệu đồng đóng thuyền composite, khởi động các tour du lịch khám phá Cồn Chim. Năm 2022, họ tiếp tục chi thêm 300 triệu đồng mua ca nô 20 chỗ và thành lập Hợp tác xã Thương mại & Dịch vụ Cồn Chim Xanh (HTX), quy tụ 12 thành viên, hướng tới mô hình du lịch cộng đồng thân thiện, giàu bản sắc. Mô hình nhanh chóng lan tỏa, thu hút người dân địa phương tham gia làm cộng tác viên - những người am hiểu vùng đất, trực tiếp chèo thuyền và hướng dẫn du khách khám phá vẻ đẹp Cồn Chim.

Theo anh Trần Trọng Nghĩa, để tạo được sự tin tưởng và thiện cảm nơi du khách, các thành viên HTX luôn chủ động rèn luyện kỹ năng, học hỏi mỗi ngày nhằm nâng cao chất lượng phục vụ. Đến nay, HTX đã được nhiều đoàn khách từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước biết đến và tin tưởng lựa chọn.
Chị Thương chia sẻ trong niềm hào hứng: “Hiện HTX thu hút khá đông du khách, nhất là vào cuối tuần. Sắp tới, chúng tôi sẽ chế biến các sản phẩm từ đặc sản địa phương như tôm, cua... để du khách có thể mua làm quà, đồng thời góp phần tăng trải nghiệm và giá trị cho chuyến đi”.
Với anh Phương, hành trình xây dựng tour trải nghiệm du lịch không hề dễ dàng. Nhóm của anh từng đối mặt với nhiều trở ngại như thiếu nhân lực, chưa có điểm đón khách ổn định, cơ sở vật chất còn hạn chế. Thế nhưng, nhờ sự quyết tâm và đồng lòng, mô hình du lịch sinh thái cộng đồng tại Cồn Chim đã chính thức đi vào hoạt động từ năm 2022. Không chỉ tạo việc làm ổn định cho khoảng 20 lao động địa phương, hoạt động này còn mở ra hướng phát triển bền vững cho vùng đất ven đầm.
Không chỉ đưa khách tham quan, anh Phương còn khéo léo lồng ghép yếu tố văn hóa địa phương vào từng hành trình. Du khách được tặng bánh ít lá gai, thưởng thức nghệ thuật bài chòi do các nghệ nhân trong xã biểu diễn. Nhờ đó, mỗi chuyến đi không chỉ là cuộc khám phá thiên nhiên, mà còn là trải nghiệm văn hóa đậm đà bản sắc, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người đến.
Anh Võ Văn Kỳ - thanh niên đồng hành cùng anh Phương, phụ trách quay video, dựng clip giới thiệu các điểm đến và món ngon Cồn Chim - cho biết: “Lúc đầu, chúng tôi chỉ quay bằng điện thoại, sau này mới đầu tư thêm thiết bị rồi cắt ghép thành video ngắn đưa lên mạng xã hội. Khách xem thấy hay, nhiều người đặt chỗ trước luôn. Làm riết quen tay, giờ hễ có gì hay ở quê là tôi muốn quay lại cho mọi người cùng biết”.
Hiện nay, Cồn Chim đã có 5 điểm ăn uống phục vụ du khách. Chính quyền địa phương mở các lớp đào tạo nghiệp vụ hướng dẫn viên, dạy nấu ăn nhằm nâng cao tay nghề và chất lượng dịch vụ. Riêng anh Phương vẫn luôn trăn trở với việc xây dựng hình ảnh Cồn Chim chuyên nghiệp hơn trên môi trường số. Anh chủ động học cách chụp ảnh, viết bài, tạo nội dung hấp dẫn, rồi tận tình hướng dẫn bà con cách lập fanpage quảng bá nhà hàng, tăng cường tương tác với du khách.
Theo anh Phương, điều giữ chân du khách không nằm ở những điều cầu kỳ mà chính là cảm giác bình yên, mộc mạc, chân thành từ con người đến cảnh vật nơi đây. Tuy vậy, để mô hình du lịch cộng đồng tiếp tục phát triển bền vững, anh và những người bạn đồng hành vẫn còn nhiều việc phải làm.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ hỗ trợ bà con nâng cao kỹ năng phục vụ, cải thiện chất lượng dịch vụ, đồng thời chủ động kết nối với các đơn vị lữ hành trong và ngoài tỉnh. Việc quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu du lịch sinh thái cộng đồng Cồn Chim sẽ được thực hiện bài bản hơn, góp phần tạo sinh kế tại chỗ và gìn giữ những giá trị nguyên bản của quê hương” - anh Phương chia sẻ.
Xuất phát từ tình yêu quê hương và tinh thần gìn giữ môi trường xanh, HTX mang đến cho du khách những trải nghiệm hấp dẫn như đi xuồng ba lá len lỏi qua rừng ngập mặn, chèo SUP, câu cá, chế biến thủy sản tại chỗ hay cắm trại qua đêm giữa thiên nhiên nguyên sơ. HTX còn đặc biệt chú trọng lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường thông qua việc duy trì vệ sinh định kỳ, tuyên truyền để người dân không xả rác và tổ chức thu gom rác thải, góp phần giữ cho Cồn Chim luôn xanh, sạch, đẹp.

Ảnh: HTX cung cấp
Với tình yêu quê hương sâu nặng và những nỗ lực bền bỉ, miệt mài của thế hệ trẻ đầy nhiệt huyết như anh Nghĩa, anh Phương, Cồn Chim đang dần khẳng định vị thế là điểm đến du lịch sinh thái đặc trưng của tỉnh Gia Lai. Không chỉ hấp dẫn bởi vẻ đẹp mộc mạc, nơi đây còn là biểu tượng sống động cho tinh thần lập nghiệp gắn với cộng đồng - nơi những giấc mơ xanh được ươm mầm, góp phần xây dựng một tương lai tươi sáng và bền vững cho vùng đất ven đầm Thị Nại.