Tháng 7.2023, lần đầu tiên tại tỉnh Bình Định, Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN (Sở KH&CN) triển khai nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ bảo tồn gen cây dừa nước tại rừng ngập mặn Cồn Chim - đầm Thị Nại (TP Quy Nhơn, huyện Tuy Phước, giai đoạn 2023 - 2025). Nghiên cứu không chỉ nhằm bảo tồn, khôi phục nguồn gen đặc hữu mà còn thử nghiệm phương pháp ươm giống dừa nước tiên tiến, góp phần phục hồi rừng ngập mặn đầm Thị Nại.
![]() |
Một góc Cồn Chim xanh mướt trong nắng sớm. Ảnh: H.H |
Khi những tia nắng ấm áp đầu ngày bắt đầu chạm xuống mặt nước đầm Thị Nại, cả khu rừng ngập mặn Cồn Chim như bừng tỉnh. Những tán dừa nước rì rào hòa điệu cùng bần, mắm và đước, tạo nên một bản nhạc du dương của buổi sớm mai.
Trên mặt đầm, từng đàn cò trắng bay lượn tìm kiếm thức ăn thật yên bình. Bên dưới tầng rễ cây đước, bần và mắm trắng đan xen chằng chịt như một mê cung tự nhiên, thế giới thủy sinh cũng rộn ràng không kém.
Tại một góc nhỏ của khu rừng, một nhóm cán bộ nghiên cứu khoa học đang tất bật kiểm tra rễ của những cây dừa nước con còn nằm trong bầu ươm.
Hồi sinh “lá chắn xanh”
Bà Lê Thị Mỹ Thảo, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN (BIAST), cho biết: “Chúng tôi chuẩn bị đưa 1.000 cây dừa nước này trồng thử nghiệm tại cửa vào đầm Thị Nại. Đây là số cây con do chúng tôi ươm trồng và chăm sóc đặc biệt thời gian qua. Chúng là một phần của hoạt động nghiên cứu bảo tồn nguồn gen cây dừa nước đang triển khai tại Bình Định”.
Đưa chúng tôi dạo một vòng quanh rừng ngập mặn Cồn Chim trên xuồng máy, ông Trần Đức Duy, cư dân địa phương, chia sẻ: “Những năm 50 của thế kỷ trước, rừng ngập mặn ở đây rộng đến nghìn héc ta, cây mọc um tùm, tôm cá dồi dào. Các tán cây rừng ngập mặn to lớn, dày đặc, tạo thành căn cứ cách mạng trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Nhưng sau thời gian bị khai thác cạn kiệt, diện tích rừng ngập mặn thu hẹp, kéo theo nguồn lợi thủy sản giảm sút đáng kể”.
![]() |
Những cây dừa nước con được ươm trồng từ quả giống cây cổ thụ tuyển chọn trên đầm Thị Nại. Ảnh: H.H |
Dừng thuyền trước những cây dừa nước, mắm trắng vài chục năm tuổi, ông Duy trầm ngâm: “Giờ số cây cổ thụ như thế này có thể đếm trên đầu ngón tay! Nhưng thời gian qua, nhờ nỗ lực trồng và quản lý rừng, màu xanh đang dần trở lại. Chim chóc, tôm cá cũng nhiều hơn. Tuy vậy, để phục hồi trọn vẹn vẫn cần một chiến lược dài hơi”.
Ông Trần Quang Nhựt - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT), thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: Hệ sinh thái rừng ngập mặn của tỉnh rộng hơn 88 ha, tập trung ở vùng bãi triều ven đầm Thị Nại và đầm Đề Gi. Trong 20 năm qua, chúng tôi không ngừng nỗ lực trồng rừng, rừng là cơ sở để tái tạo lại hệ sinh thái này. Kết quả tới nay, gần 90 ha rừng ngập mặn đã được phục hồi, trong đó có 60 ha ở đầm Thị Nại. Đặc biệt, người dân còn tự nguyện trồng thêm 1 triệu cây quanh các ao nuôi thủy sản. Điều này thể hiện ý thức bảo vệ môi trường và sự gắn kết của người dân với rừng.
Rừng ngập mặn Cồn Chim là một hệ sinh thái độc đáo, có giá trị cao về mặt sinh thái, lịch sử và khoa học; giữ vai trò như một lá chắn, bảo vệ bờ biển khỏi xâm thực, sạt lở cũng như duy trì cân bằng sinh thái trong vùng. “Bộ rễ của rừng là cái nôi để nuôi dưỡng nhiều loài thủy sản, nhất là trong giai đoạn ấu trùng, giai đoạn con non. Khi động vật thủy sản lớn lên, chúng phát tán ra môi trường nước xung quanh, tạo sinh kế cho cộng đồng dân cư sống ở khu vực ven đầm, góp phần phát triển KT-XH bền vững”, ông Nhựt cho hay.
Ươm mầm tương lai
Trong khuôn khổ nhiệm vụ nghiên cứu bảo tồn và phục hồi rừng ngập mặn tại Cồn Chim - đầm Thị Nại mà BIAST triển khai, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát thực địa tình trạng phân bố của cây dừa nước trên đầm Thị Nại và xác định 113 điểm có quần thể dừa nước phân bố, với tổng số là 5.547 cây. Trong đó, xã Phước Hòa có số lượng phân bố nhiều nhất (4.050 cây), kế đến là xã Phước Sơn (777 cây), xã Phước Thắng (710 cây) và xã Nhơn Hội 10 cây. Theo ông Nhựt, đây là số liệu thống kê hoàn toàn mới, vì từ trước tới nay chưa có đơn vị nào tổ chức điều tra thực trạng cây dừa nước trên khu vực đầm Thị Nại.
![]() |
Đàn cò trắng lượn sát mặt nước để tìm kiếm thức ăn tại rừng ngập mặn Cồn Chim. Ảnh: H.H |
Trên cơ sở khảo sát, nhóm nghiên cứu đã xây dựng bản đồ phân bố hệ sinh thái dừa nước tại khu vực đầm. Đây là công cụ quan trọng giúp quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái dừa nước tại đầm. Cùng với đó, từ mẫu lá cây dừa nước được thu thập tại các xã ven đầm, nhóm nghiên cứu đã thực hiện tách chiết DNA theo phương pháp CTAB (phương pháp phân lập axit nucleic từ thực vật giàu polysaccharide), giải trình tự gen để giữ nguồn gen gốc. Phương pháp này giúp lưu trữ thông tin di truyền, phục vụ cho các nghiên cứu về sau và phục hồi nguồn gen trong trường hợp nguồn cây tự nhiên bị suy thoái.
Ông Nguyễn Đại Hiệp, cán bộ kỹ thuật của BIAST, cho biết: “Cho tới nay, có rất ít nghiên cứu về đặc điểm di truyền của cây dừa nước. Chúng tôi đang đăng ký công bố dữ liệu mã vạch DNA dừa nước trên ngân hàng gen Genbank”.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng tiến hành thu mẫu các quả dừa nước để bố trí thí nghiệm ươm giống cây dừa nước bằng phương pháp nuôi cấy mô. Phương pháp này dùng quả để lấy các mô phục vụ nuôi cấy và thực hiện ươm giống trong môi trường vô trùng, đảm bảo tối ưu cho cây phát triển. Mục đích là tạo ra cây con để trồng và bảo tồn nguồn giống dưới dạng thực vật sống, có thể duy trì các đặc tính tốt của giống cây, giảm thiểu nguy cơ tuyệt chủng do môi trường tự nhiên suy thoái. “Chúng tôi đang hoàn thiện quy trình ươm giống dừa nước bằng phương pháp nuôi cấy mô. Đây là kết quả mà hầu như chưa có nghiên cứu nào được công bố trước đó tại Việt Nam”, bà Lê Thị Mỹ Thảo nhấn mạnh.
Đánh giá về nghiên cứu, bà Võ Cao Thị Mộng Hoài, Phó Giám đốc Sở KH&CN, cho rằng: “Mặc dù quy mô nghiên cứu không lớn, song nó mang ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì đa dạng di truyền của cây dừa nước, bảo tồn các đặc điểm giúp cây thích nghi với biến đổi khí hậu và phục hồi rừng ngập mặn cũng như hỗ trợ phát triển du lịch sinh thái. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập huấn rộng rãi cho người dân kỹ thuật ươm và trồng cây dừa nước để phục hồi rừng”.
HỒNG HÀ